Thứ Năm, 01/10/2020, 17:50 (GMT+7)
.

Huyện Cai Lậy cần đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững

(ABO) Mục tiêu tổng quát trong phát triển huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang 5 năm tới được Đảng bộ huyện xác định là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện; phát triển kinh tế nhanh, đồng bộ, bền vững; tăng cường huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đạt chuẩn huyện nông thôn mới và ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng thị trấn Bình Phú cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại IV, xứng tầm là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội của huyện. Đồng thời, phát triển văn hóa - xã hội hài hòa, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

NHIỀU KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Cai Lậy Trần Quốc Bình, tình hình phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư trên địa bàn huyện gặp khó khăn lớn do tác động của hạn, mặn và dịch Covid-19. Trong đó, hạn, mặn kéo dài làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng trái cây, thị trường tiêu thụ nông sản cũng khó khăn hơn, giá bán thấp và thậm chí có thời điểm không tiêu thụ được nên ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của nông dân.

Sản lượng trái cây của huyện trên 150 ngàn tấn, giảm hơn 45% so với cùng kỳ năm 2019; diện tích sầu riêng trên địa bàn huyện bị thiệt hại nặng nề với hơn 3.545 ha bị chết và thiệt hại trên 70% và hơn 1.276 ha thiệt hại từ từ 30% đến 70%; hơn 470 ha lúa bị giảm năng suất. Cai Lậy là huyện cơ bản thuần nông nên hạn, mặn làm ảnh hưởng lớn đến tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng khẳng định lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm và ủng hộ Cai Lậy trong thực hiện các khâu đột phá để phát triển.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng khẳng định lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm và ủng hộ Cai Lậy trong thực hiện các khâu đột phá để phát triển.

Về công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của huyện Cai Lậy tuy có phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng; trình độ sản xuất của ngành công nghiệp còn nhiều hạn chế; một số sản phẩm từ nông nghiệp chỉ qua sơ chế hoặc chế biến một phần nên giá trị gia tăng không cao. Về du lịch, huyện có 15 điểm kinh doanh du lịch, do ảnh hưởng của Covid-19 làm lượng khách du lịch đến huyện giảm gần 71% so với năm 2019, 5 cơ sơ kinh doanh du lịch chưa hoạt động trở lại do nguồn khách của các cơ sở này là khách quốc tế.

Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy Trần Quốc Bình cho biết hạn, mặn và dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến tốc độ phát triển kinh tế- xã hội của Cai Lậy
Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy Trần Quốc Bình cho biết hạn, mặn và dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của Cai Lậy.

Trong xây dựng nông thôn mới, huyện Cai Lậy có 11/15 xã đã ra mắt nông thôn mới, còn 1 xã dự kiến ra mắt vào cuối năm 2020 và 3 xã dự kiến ra mắt năm 2021. Cái khó đối với 3 xã dự kiến ra mắt năm 2021 là Phú Cường, Mỹ Thành Nam và Mỹ Thành Bắc gặp nhiều khó khăn do đây là xã vùng sâu nên hạ tầng giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất… còn hạn chế. Để hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới huyện cần trên 182 tỷ đồng đầu tư cho công trình giao thông, văn hóa, trường học, y tế và trên 51 tỷ đồng cho các công trình ngành điện.

Song song đó, dịch Covid-19 đã tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn, khả năng phát sinh hộ nghèo mới, hộ tái nghèo và tái cận nghèo trên địa bàn huyện cao.

NHIỀU KIẾN NGHỊ CẦN TỈNH HỖ TRỢ

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh do đồng chí Lê Văn Hưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang chủ trì vào sáng 1-10 về định hướng phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư trên địa bàn, đồng chí Nguyễn Văn Bằng, Bí thư Huyện ủy Cai Lậy kiến nghị tỉnh có sự quan tâm, đầu tư, hỗ trợ cho huyện nhiều công trình, dự án.

Cụ thể, để chủ động hơn trong công tác phòng, chống hạn, mặn của năm 2021 và những năm tiếp theo, huyện Cai Lậy kiến nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí trên 5,8 tỷ đồng nạo vét 10 tuyến kinh trên địa bàn các xã để làm tốt chức năng trữ nước, tưới tiêu của nông dân; hỗ trợ xã Ngũ Hiệp khoan thêm 6 giếng để đảm bảo nhu cầu nước sinh hoạt nông thôn và tưới tiêu cho cây trồng khi hạn, mặn.

Ngoài ra, Bí thư Huyện ủy Cai Lậy kiến nghị tỉnh xem xét cho chủ trương bổ sung 2 đập thép trên địa bàn xã Tam Bình cặp đường tỉnh 864 tại rạch Mù U và rạch Cái Sơn để cùng với 5 đập thép trên cửa sông Trà Tân, Ba Rài, Phú An, Hai Tân và Cây Còng để đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt hiệu quả cho địa phương khi xâm nhập mặn xảy ra. Đồng thời, huyện cũng kiến nghị tỉnh hỗ trợ huyện kinh phí trên 43 tỷ đồng để khắc phục 43 điểm sạt, lở để đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân trước ảnh hưởng của các đợt triều cường tiếp theo.

Đồng chí Nguyễn Văn Bằng, Bí thư huyện ủy Cai Lậy trình bày những kiến nghị của huyện đến lãnh đạo UBND tỉnh
Đồng chí Nguyễn Văn Bằng trình bày những kiến nghị của huyện đến lãnh đạo UBND tỉnh, trong đó đặc biệt lưu ý công trình phòng, chống hạn, mặn.

Theo lãnh đạo UBND huyện Cai Lậy, thêm cái khó của huyện cần được tỉnh quan tâm là đối với ngành Giáo dục, thực hiện các thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo, huyện Cai Lậy thiếu trên 200 giáo viên mầm non cùng hơn 120 giáo viên tiểu học và trung học cơ sở; trong khi theo Nghị quyết 18, 19 phải giảm biên chế giáo dục thì huyện sẽ khó khăn vô cùng. Cái khó nữa của huyện Cai Lậy là huyện còn 14 trường tiểu học và 14 trường trung học cơ sở thiếu phòng học và cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy.

Về giao thông, huyện kiến nghị tỉnh quan tâm đầu tư các công trình cầu, đường nhằm giúp huyện thuận lợi trong kết nối với các địa phương cũng như đầu tư hạ tầng cho các xã trong xây dựng nông thôn mới.

Cùng với các kiến nghị tỉnh quan tâm đầu tư, huyện kiến nghị tỉnh hỗ trợ, ủng hộ triển khai các dự án ngoài ngân sách trên địa bàn huyện là Nhà máy nước Hiệp Đức, dự án nhà ở thương mại khu trung tâm hành chính huyện, dự án khu dân cư trung tâm hành chính huyện và dự án công viên nghĩa trang huyện Cai Lậy...

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CHO HUYỆN THUẦN NÔNG

 Đảng bộ huyện Cai Lậy xác định 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đó là đẩy mạnh xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đáp ứng tiêu chí huyện nông thôn mới, bảo đảm ứng phó với triều cường, hạn hán, xâm nhập mặn và thích nghi với biến đổi khí hậu theo hướng bền vững.

Huyện cũng tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với đổi mới, sáng tạo trong hoạt động hành chính, nâng cao chất lượng công vụ, gắn bó, phục vụ nhân dân; phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác giám sát và phản biện xã hội, nòng cốt chính trị tạo sự đồng thuận của nhân dân góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Sông Trà Tân là một trong những tuyến sẽ được tỉnh đầu tư đập thép ngăn mặn, trử ngọt phục vụ nhu cầu nước phục vụ sinh hoạt và tưới cây của người dân
Sông Trà Tân là một trong những tuyến sẽ được tỉnh đầu tư đập thép ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ nhu cầu nước phục vụ sinh hoạt và tưới cây của người dân.

Đóng góp ý kiến cho định hướng phát triển huyện trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, nông nghiệp vẫn là hướng phát triển của huyện trong những năm tiếp theo. Trong phát triển vườn cây ăn trái, sầu riêng là cây chủ lực. Do đó, huyện cần tích cực hơn, chủ động hơn trong khắc phục hậu quả hạn và xâm nhập mặn; xây dựng hợp tác xã phục vụ truy xuất nguồn gốc nông sản; xây dựng công nghiệp chế biến nông sản. Để chuẩn bị ứng phó với hạn và xâm nhập mặn năm 2021 và những năm tiếp theo, tỉnh ước tính cần trên 10.000 tấn thép để xây dựng hệ thống đập ngăn mặn, trữ ngọt tại các kinh, rạch dọc sông Tiền đoạn từ xã Tam Bình đến xã Phú An; việc trữ ngọt phải được thực hiện ngay sau khi mùa lũ kết thúc.

Sẩu riêng là cây trồng hiệu quả kinh tế cao của huyện Cai Lậy
Sẩu riêng là cây trồng chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao của huyện Cai Lậy.

Đồng chí Nguyễn Văn Trọng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường lưu ý huyện cần quan tâm đến tiêu chí phát triển bền vững. Trong quá trình đầu tư, xây dựng các dự án phải đảm bảo tiêu chí môi trường.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng khẳng định lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm và ủng hộ huyện trong thực hiện các khâu đột phá để phát triển. Trong đó nhất trí cho huyện chuẩn bị đầu tư cầu Tân Phong; giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ đầu tư thêm cho các xã khó khăn trong xây dựng nông thôn mới; thống nhất đưa vào danh mục đầu tư cầu chợ Mỹ Long trên đường tỉnh 874B… Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị lãnh đạo huyện nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp của các sở, ngành tỉnh về định hướng phát triển của huyện.

THỦY HÀ

 

.
.
.