Thứ Tư, 07/10/2020, 16:55 (GMT+7)
.

Huyện Chợ Gạo: Hướng đến nền nông nghiệp bền vững

Những năm qua, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa được các cấp ủy, chính quyền huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang quan tâm, chú trọng, nhằm tăng giá trị nông sản, nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh, sản xuất theo chuỗi liên kết, tạo ra các sản phẩm an toàn từ sản xuất tới tiêu thụ.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Chợ Gạo đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Chợ Gạo đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh.

XÂY DỰNG VÙNG CHUYÊN CANH

Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Chợ Gạo từng bước được tập trung phát triển toàn diện, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng chuyên canh, xen canh phù hợp với quy hoạch, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Chăn nuôi theo hướng trang trại quy mô vừa và nhỏ, gắn với bảo vệ môi trường.

Nhiều diện tích thanh long trên địa bàn huyện Chợ Gạo được trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP.
Nhiều diện tích thanh long trên địa bàn huyện Chợ Gạo được trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

Thanh long, bưởi, dừa, rau màu được xác định là những cây trồng chủ lực của huyện. Trong đó, cây thanh long mang lại hiệu quả kinh tế cao, có lợi thế, tiềm năng phát triển của huyện. Năm 2008, UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt Đề án Phát triển cây thanh long mang lại hiệu quả khả quan, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nhất là ở những vùng chuyên canh.

Từ những kết quả đạt được và những vấn đề đặt ra, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Chợ Gạo khóa XI đã ban hành Nghị quyết chuyên đề để tiếp tục lãnh đạo phát triển mở rộng vùng chuyên canh cây thanh long đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Đến nay, toàn huyện đã phát triển được 7.400 ha thanh long, đạt 106% so Nghị quyết, trong đó có gần 2.000 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GAP.

Về chăn nuôi, huyện Chợ Gạo là một trong những địa phương dẫn đầu về chăn nuôi trang trại và tổng đàn heo, gà toàn tỉnh. Hiện huyện có 274 trang trại (140 trang trại heo, 134 trang trại gia cầm), tăng 3,7% so năm 2015; đàn gia súc, gia cầm vượt so Nghị quyết (tổng đàn bò 51.000 con, đạt 120%; đàn gia cầm 6,2 triệu con, đạt 150%)

PHÁT TRIỂN CHUỖI GIÁ TRỊ BỀN VỮNG

Để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, huyện Chợ Gạo luôn tập trung chú trọng khâu tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhất là xây dựng chuỗi giá trị thông qua hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác sản xuất liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.

Kết quả đến nay, toàn huyện có 19 HTX, 1 chi nhánh HTX, 40 tổ hợp tác và trên 50 doanh nghiệp làm đầu mối hợp đồng tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó, huyện thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng và quảng bá thương hiệu hàng hóa, cập nhật thông tin thị trường cho nông dân về tiêu thụ, giá cả và tiêu chuẩn chất lượng nông sản xuất khẩu.

Phân loại thanh long trước khi xuất khẩu tại HTX Thanh Long Mỹ Tịnh An.
Phân loại thanh long trước khi xuất khẩu tại HTX Thanh Long Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo.

HTX Thanh Long Mỹ Tịnh An là một điển hình trong thực hiện chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản của huyện Chợ Gạo. Tham gia HTX, thành viên được hỗ trợ kỹ thuật canh tác, thông tin thị trường, ưu tiên tiêu thụ sản phẩm. Về phía thành viên phải cam kết thực hiện đúng quy trình sản xuất theo quy chuẩn VietGAP, GlobalGAP để chất lượng trái thanh long đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính, đặc biệt là thị trường châu Âu.

Đến nay, HTX Thanh Long Mỹ Tịnh An có 100 thành viên với hơn 100 ha thanh long. Ông Văn Tấn Phương, Phó Giám đốc HTX Thanh Long Mỹ Tịnh An cho biết: “Để nâng cao chuỗi giá trị thanh long, xuất khẩu chính ngạch, các hộ dân phải sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm tạo ra trái thanh long chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Từ đó, không chỉ nông dân, mà doanh nghiệp và các tác nhân nhận thức được vai trò của sự liên kết”.

Đánh giá hiệu quả trong liên kết sản xuất nông nghiệp, Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo Nguyễn Hồng Hữu cho biết, năm 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện tăng 1,5 lần so với năm 2015; giá trị hàng hóa sản xuất được tăng lên và gắn với thị trường tiêu thụ. Việc đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tạo ra những chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là cần thiết để hướng đến nền sản xuất hàng hóa hiện đại, giá trị tăng cao.

Để các vùng chuyên canh, chuỗi liên kết không bị manh mún, đứt gãy, huyện cũng đã có nhiều giải pháp như cùng các doanh nghiệp, HTX xây dựng chuỗi giá trị theo hướng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Các khâu, từ sản xuất ban đầu đến thu gom, chế biến và phân phối tiêu thụ đều được kiểm soát theo hợp đồng nhằm tạo sản phẩm an toàn cho sức khỏe người dùng, truy xuất nguồn gốc.

Nhiều diện tích thanh long trên địa bàn huyện Chợ Gạo được trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP.
Nhiều diện tích thanh long trên địa bàn huyện Chợ Gạo được trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc sản xuất nông nghiệp theo hướng chuỗi giá trị trên địa bàn huyện cũng còn những khó khăn nhất định. Từ đó, Đảng bộ huyện Chợ Gạo đã không ngừng phối hợp các ngành liên quan đề ra 4 giải pháp cụ thể để phát triển bền vững các vùng sản xuất chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm như: Đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất; tổ chức sản xuất; tiêu thụ nông sản và tiếp tục đầu tư xây dựng công trình hạ tầng để phục vụ sản xuất, nhất là hệ thống điện, giao thông và các công trình thiết yếu khác.

Cùng với đó, huyện cũng tích cực thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm góp phần tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung; tổ chức lại các HTX, tổ hợp tác để làm đầu mối kết nối với các doanh nghiệp hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

PHƯƠNG MAI

.
.
.