.
KỶ NIỆM 90 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM (14-10-1930 - 14-10-2020):

"Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh"

Cập nhật: 08:43, 14/10/2020 (GMT+7)

Đó là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam ngày 11-4-1946. Lời chỉ dẫn của Bác đã và đang được hiện thực hóa ở nông thôn, trên khắp các vùng, miền của Tổ quốc và dẫn dắt chúng ta hành động.

Nông dân Tiền Giang luôn năng động trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. Ảnh: LẬP ĐỨC
Nông dân Tiền Giang luôn năng động trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. Ảnh: LẬP ĐỨC

Trải qua 90 năm hình thành và phát triển, được Đảng ta và Bác Hồ lãnh đạo, rèn luyện, Hội Nông dân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng nước ta. Hội Nông dân Việt Nam luôn là cầu nối tin cậy giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp nông dân; là cơ sở chính trị của xã hội, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân; có nhiều tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước về đường lối, chính sách phát triển nông nghiệp, xây dựng giai cấp nông dân và xây dựng nông thôn; tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội; tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

CHẶNG ĐƯỜNG 90 NĂM

Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam là dịp để cán bộ, hội viên, nông dân cùng nhân dân cả nước ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của tổ chức Hội và giai cấp nông dân Việt Nam; cổ vũ, động viên cán bộ, hội viên, nông dân ra sức thi đua, phát huy vai trò, trách nhiệm của giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hòa bình, thịnh vượng.

Trong những năm tháng chiến tranh, giai cấp nông dân chính là lực lượng nòng cốt của cách mạng, luôn sẵn sàng ủng hộ và đứng lên trong những phong trào đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì quyền lợi của người lao động.

Tại Hội nghị lần thứ Nhất (tháng 10-1930), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết thành lập Tổng Nông hội Đông Dương, với mục đích “Thống nhất hết thảy Tổng Nông hội Đông Dương để tranh đấu bênh vực quyền lợi hằng ngày của nông dân và để thực hiện cách mạng thổ địa”.

Việc thành lập Tổng Nông hội Đông Dương (tên gọi đầu tiên của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay) đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử giai cấp nông dân Việt Nam, bắt đầu hành trình trưởng thành và lớn mạnh của phong trào nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, đem lại nhiều thành quả giá trị trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói: “Nhà nông là chiến sĩ” làm cho “người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người khá giàu thì giàu thêm...”. Trong Thư gửi Hội nghị Cán bộ Hội Nông dân Cứu quốc toàn quốc vào tháng 11-1949, Bác Hồ viết: “Nông dân là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất trung thành của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến kiến quốc thành công, muốn độc lập thống nhất thực sự ắt phải dựa vào lực lượng của nông dân. Đồng bào nông dân sẵn có lực lượng to lớn, sẵn có lòng nồng nàn yêu nước, sẵn có chí khí kiên quyết đấu tranh và hy sinh”.

Trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những người nông dân áo vải cũng có vai trò hết sức quan trọng. Ngày 27-9-1979, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị tổ chức Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và đoàn kết nông dân lao động, đưa nông thôn nước nhà tiến lên chủ nghĩa xã hội. Ngày 1-3-1988, Hội chính thức được đổi tên thành Hội Nông dân Việt Nam. 90 năm hình thành và phát triển, Hội Nông dân Việt Nam đã có những đóng góp và vai trò hết sức quan trọng, mang ý nghĩa chính trị to lớn.

ĐIỂM NHẤN TỪ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Những năm qua, các cấp Hội Nông dân trên toàn quốc đã tập trung lãnh đạo, tuyên truyền, vận động hội viên nông dân thực hiện hiệu quả 3 phong trào thi đua: Sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ môi trường; Tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh. Từ đó khích lệ, động viên nông dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, tạo diện mạo khởi sắc cho các vùng quê.

Niềm vui được mùa. Ảnh: DUY BẰNG
Niềm vui được mùa. Ảnh: DUY BẰNG

Năm 2019, Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm Hội Nông dân Việt Nam thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. Đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam đã khẳng định: “Qua 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, Hội Nông dân Việt Nam đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân các cấp trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân.

Nhiều địa phương đã tìm ra những mô hình mang tính đặc trưng riêng, như: Các kinh nghiệm về dân vận khéo vận động nông dân hiến đất, góp công xây dựng nông thôn mới; xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, mô hình hợp tác xã kiểu mới, mô hình du lịch sinh thái, mô hình “Sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn”, mô hình bảo vệ môi trường nông thôn...

Hội Nông dân Việt Nam đã tập trung đẩy mạnh công cuộc xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, từng bước hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp dịch vụ… Các cấp Hội phối hợp xây dựng trên 10.000 mô hình trình diễn sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP; tổ chức xây dựng trên 67.000 mô hình, trong đó có gần 37.000 mô hình trồng trọt, gần 23.000 mô hình chăn nuôi…

Đối với công tác đào tạo, dạy nghề, các cấp Hội đã tổ chức được 51.500 lớp tập huấn cho gần 3 triệu lượt hội viên, nông dân về tổ chức sản xuất theo hướng phát triển các tổ hợp tác, liên kết sản xuất, hợp tác xã kiểu mới gắn với chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới theo hướng công nghệ cao, an toàn và liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị.

Cùng với sự phát triển lớn mạnh chung của Hội Nông dân Việt Nam, trong quá trình hoạt động, các cấp Hội Nông dân và phong trào nông dân tỉnh Tiền Giang luôn giữ vai trò vừa là động lực, vừa là lực lượng chủ lực và là giai cấp có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; thể hiện được vai trò cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nông dân trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Nông dân Tiền Giang từng bước tỏ rõ tiềm năng, sức sáng tạo của mình qua các phong trào hành động cách mạng với nhiều hoạt động thiết thực, đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, như: Xóa khó, giảm nghèo; thực hiện và nhân rộng các mô hình sản xuất - kinh doanh giỏi; hỗ trợ vốn, giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật giúp nông dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang còn phát huy tốt truyền thống tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách, luôn tạo điều kiện thuận lợi để nông dân tham gia sâu vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chiếm trên 75% dân số, 65% lực lượng lao động, nông dân Tiền Giang đã, đang và sẽ tích cực học tập, sản xuất, hăng hái tham gia các phong trào, các cuộc vận động trên các lĩnh vực với tâm huyết xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương Tiền Giang ngày càng văn minh, giàu đẹp.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.