Nâng cao hiệu quả hoạt động các hợp tác xã nông nghiệp
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, thời gian tới tỉnh Tiền Giang tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ, trong đó tập trung hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực…
Trước yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nhất là cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã khẳng định, trong thời gian tới cần phát triển các HTX kiểu mới.
Đó là mô hình HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi và quản lý dân chủ, dựa trên sở hữu của các thành viên và sở hữu của HTX. Từ khi Luật HTX năm 2012 được triển khai thực hiện tại nhiều địa phương, các mô hình HTX kiểu mới được thành lập và vận hành đã mang lại hiệu quả bước đầu, đang trở thành đòn bẩy cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
GIẢM CHI PHÍ, MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG
Đến nay, toàn tỉnh Tiền Giang có 144 HTX nông nghiệp và 2 chi nhánh của 2 HTX là HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Tân Mỹ Chánh và HTX Mỹ Tịnh An, với 40.323 thành viên và 1 Liên hiệp HTX nông nghiệp.
Trong giai đoạn 2015 - 2020, bên cạnh việc ban hành nhiều văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện chuyển đổi HTX theo Luật HTX năm 2012, Trung ương cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện các chính sách hỗ trợ HTX. Đặc biệt là việc hướng dẫn triển khai thực hiện 2 chính sách: Hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; hỗ trợ cán bộ trẻ về làm việc cho HTX nông nghiệp.
Nhiều HTX trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được quan tâm hỗ trợ về kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động. Ảnh: MINH THÀNH |
Nhìn chung, phần lớn các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện đều tổ chức sản xuất theo mô hình dịch vụ tổng hợp và tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho thành viên. Ngoài ra, còn thực hiện các dịch vụ trong quá trình thu hoạch như: Gặt đập, sấy, trữ, chế biến. Có 46 HTX liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp, 18 HTX hỗ trợ thành viên áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP,
trong đó có nhiều HTX tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Sau khi được hỗ trợ sản xuất theo hướng sạch, an toàn, các HTX đã giảm được chi phí sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, hiện vẫn còn nhiều HTX nông nghiệp đang gặp khó khăn như: Quy mô nhỏ, thiếu vốn; cơ sở vật chất, hạ tầng; thiết bị công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; năng lực quản lý, quản trị của HTX còn hạn chế; thiếu nhân lực có trình độ, chuyên môn cao...
GIÚP HTX NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH
Để đảm bảo đến cuối năm 2020, toàn tỉnh đạt 150 HTX nông nghiệp, Liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả theo Kế hoạch 11 của UBND tỉnh Tiền Giang, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) sẽ tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, cán bộ các ngành, các cấp về mục đích, ý nghĩa của kinh tế hợp tác, Luật HTX. Đồng thời, thường xuyên củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, nhất là đối với HTX nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp...
Để thực hiện những định hướng trên, Sở NN&PTNT tiếp tục triển khai thực hiện chương trình, chính sách hỗ trợ HTX để tăng cường năng lực cạnh tranh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cho các HTX nông nghiệp. Đặc biệt, ngành Nông nghiệp sẽ tâp trung triển khai các chính sách về hỗ trợ hạ tầng, hỗ trợ cán bộ trẻ, liên kết tiêu thụ theo Nghị quyết 07/2019 của HĐND tỉnh Tiền Giang về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thực hiện Nghị định 98/2018 ngày 5-7-2018 của Chính phủ.
Hỗ trợ HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cũng là một trong những giải pháp ngành Nông nghiệp hướng tới để giúp HTX từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động. Việc thực hiện nội dung này sẽ dựa trên cơ sở triển khai các dự án lúa công nghệ cao, rau công nghệ cao của tỉnh, Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững.
Mặt khác, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục hướng dẫn, giới thiệu các HTX tham gia vào các dự án chuyển giao khoa học công nghệ, áp dụng kỹ thuật mới vào trong sản xuất như: Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP được tiếp cận nguồn hỗ trợ theo Quyết định 04/2015 ngày 9-2-2015 của UBND tỉnh Tiền Giang về ban hành chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ theo Chương trình OCOP như: Trưng bày, quảng bá sản phẩm; xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm OCOP tỉnh; hỗ trợ tham gia hoạt động số hóa, chống giả và quảng bá sản phẩm OCOP trên hệ thống Blockchain...
TRẦN HOÀNG NHẬT NAM
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang