Thứ Ba, 27/10/2020, 08:10 (GMT+7)
.

Tập trung nguồn lực cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Nhiều nhóm chính sách quan trọng, trong đó có nhiều gói tín dụng đã và đang được triển khai, góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển.

Các gói chính sách tín dụng được xem là “bệ đỡ” cho ngành Nông nghiệp, giúp chuyển đổi sản xuất, cải thiện sinh kế của người dân nông thôn.

Chính sách tín dụng đã góp phần thúc đẩy chuyển đổi sản xuất nông nghiệp.
Chính sách tín dụng đã góp phần thúc đẩy chuyển đổi sản xuất nông nghiệp.

PHÁT HUY HIỆU QUẢ

Thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang gần đây cho thấy, hiện có 16 nhóm chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, theo dõi, triển khai thực hiện, bao gồm: Hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn; hỗ trợ bố trí, sắp xếp dân cư; hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp; khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản; hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn; hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn; hỗ  trợ  giống  cây  trồng  để  khôi  phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ giống để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây màu; hỗ trợ đất trồng lúa theo Nghị định 35/2015 ngày 13-4-2015 của Chính phủ; nhóm chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển thủy sản; hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; về khuyến nông; nhóm chính sách bảo vệ và phát triển rừng; nhóm chính sách cấp nước sinh hoạt nông thôn hay chính sách về thủy lợi.

Cần phải khẳng định rằng, các gói chính sách liên quan đến sản xuất và đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng đã, đang được triển khai thực hiện và dần phát huy hiệu quả. Theo đánh giá chung của ngành Nông nghiệp, việc triển khai thực hiện chính sách đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nông thôn phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa nông sản, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho người dân nông thôn, hỗ trợ doanh nghiệp có điều kiện gắn kết với nông dân bền chặt hơn. Tất nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cũng có một số nhóm chính sách gặp khó khăn, vướng mắc cần được điều chỉnh, sửa đổi bổ sung.

KHƠI NGUỒN ĐÚNG TRỌNG TÂM

Điểm đáng chú ý trong nhóm các chính sách phục vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn là liên quan đến các gói tín dụng. Thành công của ngành Nông nghiệp, sự khởi sắc của nông thôn, đời sống nông dân từng bước được cải thiện ít nhiều cũng được khơi nguồn từ việc tập trung nguồn lực tín dụng của Trung ương và địa phương vào lĩnh vực này. Điều này được thể hiện cụ thể qua số liệu của ngành Ngân hàng.

Theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Tiền Giang Nguyễn Thị Đậm, trong thời gian qua NHNN tỉnh Tiền Giang tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho các ngành, lĩnh vực, chương trình trọng điểm. Kết quả cụ thể cho thấy, thực hiện chủ trương, chỉ đạo chung của NHNN Việt Nam, NHNN chi nhánh Tiền Giang đã đẩy mạnh kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, tập trung tín dụng cho sản xuất; trong đó có cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Theo đó, đến cuối tháng 8-2020, dư nợ cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên đạt 42.856 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cuối năm 2019, chiếm hơn 71% tổng dư nợ toàn tỉnh.

Điểm nhấn trong nhóm này là cho vay nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015 và Nghị định 116/2018 của Chính phủ đạt 30.221 tỷ đồng, tăng hơn 6,4% so với cuối năm 2019 và chiếm hơn 50% tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh. Đối với cho vay theo Quyết định 68/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, hiện chỉ có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Tiền Giang thực hiện, với dư nợ đến cuối tháng 8-2020 đạt gần 32 tỷ đồng, với 162 khách hàng còn dư nợ, với tổng số tiền lãi đã hỗ trợ là 1,7 tỷ đồng; riêng đối với cho vay theo Nghị định 67/2014 của Chính phủ về chính sách phát triển thủy sản, đến cuối tháng 8-2020, có 5 ngân hàng thương mại cho vay đóng mới, nâng cấp 43 tàu (32 tàu đóng mới, 11 tàu nâng cấp), với tổng số cam kết cho vay đạt gần 261 tỷ đồng, doanh số cho vay đạt trên 255 tỷ đồng, dư nợ 174 tỷ đồng…

Trong chặng đường sắp tới, bên cạnh các gói tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Mẫn, để đảm bảo đạt tốc độ tăng bình quân trong 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 là 3,5%/năm, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp mang tính trọng tâm: Tiếp tục cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành, bền vững có giá trị gia tăng cao và năng lực cạnh tranh cao, trong đó trọng tâm là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh trong điều kiện biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế; chuyển đổi cây trồng, vật nuôi ở từng vùng phù hợp với biến đổi khí hậu, kiểm soát dịch bệnh, hạn chế rủi ro, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nông dân; duy trì và phát triển vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến…

NHÓM PVKT

.
.
.