Thứ Năm, 26/11/2020, 07:03 (GMT+7)
.

"Bắt tay" tạo cơ hội làm ăn

Nhiều cơ hội hợp tác được mở ra qua Hội nghị Kết nối cung cầu hàng hóa giữa các tỉnh, thành và sơ kết Hợp tác phát triển lĩnh vực công thương giữa tỉnh Long An và tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2019 - 2020 được tổ chức vào chiều ngày 23-11.

Với sự tham gia của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đến từ nhiều tỉnh, thành, đây là cơ hội để nhà sản xuất và cung ứng hàng hóa tìm hiểu cơ hội hợp tác, nhất là đối với các sản phẩm mà Tiền Giang, Long An có nhiều lợi thế.

Nhiều sản phẩm của Tiền Giang, Long An đã được giới thiệu.
Nhiều sản phẩm của Tiền Giang, Long An đã được giới thiệu.

TÌM KIẾM ĐỐI TÁC

Các đơn vị kinh doanh có quy mô lớn cũng bắt đầu tìm kiếm các sản phẩm phù hợp với chiến lược kinh doanh của mình. Chuỗi kinh doanh của Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) hiện có mặt tại 43 tỉnh, thành trên cả nước, với 800 điểm bán hàng. Bà Hoàng Tất Thiên Vân, Giám đốc khu vực Saigon Co.op, cho biết Saigon Co.op là một trong những đơn vị tham gia đầu tiên vào chuỗi thu mua, bao tiêu nông sản.

Tất nhiên, sản phẩm nói chung, nông sản nói riêng muốn được đưa vào chuỗi cung ứng của Saigon Co.op phải đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm, được sản xuất theo quy trình như VietGAP hay GlobalGAP. Hiện nay, Saigon Co.op đã thu mua tại 10/13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long và hầu hết sản phẩm nông nghiệp đều có xuất hiện trên kệ cung ứng Saigon Co.op, trong đó có nhiều sản phẩm của Tiền Giang.

Trên địa bàn Tiền Giang, Saigon Co.op cũng đang hướng đến việc liên kết với nhiều cơ sở, hợp tác xã như: Hợp tác xã Hòa Lộc, Hợp tác xã Vĩnh Kim, Hợp tác xã Sầu riêng Ngũ Hiệp, Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo, Cơ sở Mắm Bà Hai…

“Việc liên kết tiêu thụ sản phẩm vừa qua đã tạo sự gắn kết giữa Saigon Co.op và các đơn vị cung ứng, cùng chia sẻ được lợi ích, góp phần nâng cao đời sống của nông dân. Chúng tôi cũng mong muốn giữa nhà sản xuất và kinh doanh cũng như các hộ sản xuất cá thể tiếp tục gặp nhau để đưa sản phẩm tốt nhất đến tay người tiêu dùng và cũng nhằm nâng cao giá trị thương hiệu Việt”- bà Vân cho biết.

Nhìn ở khía cạnh khác, ông Tạ Minh Sơn, Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn Châu Đốc, An Giang cho rằng, siêu thị chỉ quan tâm duy nhất là những dòng thực phẩm mang tính chất làng nghề truyền thống, phục vụ cho đời sống hằng ngày nhưng có sức lan tỏa lớn. Bởi trên thực tế, Tứ Sơn không chỉ có khách hàng là người dân An Giang hay lân cận, mà còn có người dân Campuchia, do nằm giáp với biên giới.

“Với gần 40 năm kinh doanh khu vực này nên chúng tôi cảm nhận là nhu cầu tiêu thụ hàng hóa hiện nay rất lớn, nên khi hàng hóa các tỉnh, thành có mặt ở An Giang, đặc biệt là Châu Đốc vô hình trung đã tham gia xuất sang thị trường Campuchia nhưng đôi khi nhà cung ứng hàng hóa không biết. Đặc biệt, Tiền Giang và Bến Tre có nhiều dòng hàng hóa phục vụ cho các sự kiện lớn trong năm, đặc biệt là nhóm bánh kẹo phục vụ trong dịp tết hằng năm. Đó là những ưu thế mà các cơ sở sản xuất nên nắm bắt”- ông Sơn cho biết.

Còn theo đại diện Công ty San Hà, chuyên kinh doanh thực phẩm tươi sống và một số hàng gia vị, công ty cũng đang tính toán phương án tìm mặt bằng phù hợp để mở kinh doanh tại Tiền Giang và kết nối với các doanh nghiệp, tìm nguồn hàng cung ứng cho chuỗi San Hà nói chung và các cửa hàng dự kiến mở tại tỉnh Tiền Giang sắp tới nói riêng. Chính sách thu mua của Công ty San Hà cũng rất linh động trong khâu thanh toán, vận chuyển hàng hóa. Công ty cũng có đội chuyên viên hỗ trợ các thủ tục liên quan đến hàng hóa để đảm bảo các tiêu chuẩn đưa hàng vào chuỗi kinh doanh của San Hà.

“BẮT TAY” HỢP TÁC

Đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất của 2 tỉnh Tiền Giang và Long An cũng đã giới thiệu các dòng sản phẩm hiện đã và đang sản xuất. Đáng chú ý là nhiều sản phẩm của Tiền Giang đã được giới thiệu cho đối tác như: Gạo, nông sản chế biến, thực phẩm… Những cái “bắt tay” hợp tác giữa đơn vị kinh doanh và nhà sản xuất cũng đã được triển khai, bắt đầu cho chặng đường hợp tác mới trong thời gian tới.

Chẳng hạn như, Saigon Co.op hợp tác với hộ kinh doanh mắm Bà Hai và Công ty TNHH Sản xuất và Chế biến nông sản Phạm Gia; Công ty TNHH Dịch vụ EB (BigC) hợp tác với Công ty Lương thực Tiền Giang, hộ kinh doanh trái cây Nguyễn Văn Thi, hộ kinh doanh trái cây Nguyễn Văn Thành; Công ty cổ phần Thương mại Bách Hóa Xanh hợp tác với Công ty TNHH TMDV Ánh Sao Dương, Hợp tác xã Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp sạch Mỹ Phong, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Phước…

Trên bình diện tổng thể hơn, việc ký kết thỏa thuận công thương giai đoạn 2019 - 2020 và định hướng đến năm 2025 giữa 2 tỉnh Long An - Tiền Giang và tổ chức kết nối xúc tiến tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của 2 tỉnh được ký kết vào cuối năm 2019 cũng đã mang lại kết quả tích vực.

Theo đó, đến nay, Công ty TNHH Năng lượng Mặt Trời Đỏ Long An đã lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời áp mái cho Sở Công thương Tiền Giang và Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh Đế Gò Đen đã có giao dịch buôn bán với Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Thiên Ân (huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang); riêng các bản ghi nhớ khác các công ty còn đang tìm hiểu, thương thảo thỏa thuận. Dẫu sao, đây cũng là tiền đề rất quan trọng cho chặng đường làm ăn sắp tới của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giữa 2 tỉnh Long An và Tiền Giang.

Đề cập chủ trương thực hiện liên kết trong tiêu thụ hàng hóa trong thời gian tới, Quyền Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Đặng Văn Tuấn cho biết, qua hội nghị lần này cũng đã có một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của Tiền Giang ký kết hợp đồng liên kết với hệ thống kinh doanh lớn như: Saigon Co.op, Big C, Bách Hóa Xanh… Điều này góp phần mở ra những cơ hội làm ăn cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Trong thời gian tới, bên cạnh hoạt động kết nối hàng hóa mang tính truyền thống, Sở Công thương tỉnh Tiền Giang sẽ tăng cường kết nối hàng hóa thông qua sàn giao dịch điện tử cũng như hỗ trợ thông qua các điểm phân phối hàng hóa hàng Việt hay sản phẩm OCOP…

T.T

.
.
.