Thứ Ba, 17/11/2020, 14:02 (GMT+7)
.

Điểm bán hàng Việt Nam được người tiêu dùng ủng hộ

(ABO) Trong giai đoạn 2014-2020, Sở Công Thương Tiền Giang được Bộ Công Thương cấp kinh phí tổ chức 3 điểm bán hàng Việt Nam với chủ đề “Tự hào hàng Việt Nam”. Sau thời gian triển khai bán hàng Việt, sức mua tại các điểm bán tăng cao so với trước, là một trong những địa điểm mua sắm có uy tín được người tiêu dùng ủng hộ.

Thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 – 2020. Từ năm 2017 đến tháng 11-2020, Sở Công Thương Tiền Giang tổ chức 3 Điểm bán hàng Việt gồm: Điểm bán tại Trung tâm Bách hóa Tân Phước (thị trấn Mỹ Phước, huyện Tân Phước) của Hợp tác xã Vĩnh Kim; điểm bán tại hộ kinh doanh của Bà Huỳnh Thị Bích Thuận (ấp Tân Hiệp, xã Tân Thới, huyện Tân Phú Đông) và điểm bán tại Cửa hàng bách hóa Anh Đăng (ấp 1, xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông) của bà Võ Thị Tuyết Trang.

SỨC MUA TĂNG

Theo đánh giá của Sở Công thương Tiền Giang, sau thời gian triển khai, dự án đạt được hiệu quả tích cực. Cụ thể, như : Đối với Điểm bán hàng Việt Nam tại Trung tâm Bách hóa Tân Phước, sau khi được triển khai, bộ mặt của Trung tâm Bách hóa Tân Phước được nâng cấp khang trang, trang bị thêm quầy, kệ, biển tên, pa nô quảng bá, phương thức thanh toán: quét mã (giống như siêu thị, cửa hàng tiện lợi) … doanh số tăng từ 40 – 50% so với trước khi triển khai. Trung tâm Bách hóa Tân Phước đã được đón tiếp Đoàn công tác của Vụ Thị trường trong nước khảo sát, kiểm tra và đánh giá cao, Sở Công Thương Vĩnh Long đến học hỏi kinh nghiệm. Hiện nay Trung tâm Bách hóa Tân Phước là một địa điểm mua sắm có uy tín tại thị trấn Mỹ Phước, huyện Tân Phước.

Lãnh đạo Sở, ban, nhành tỉnh Tiền Giang tham quan điểm bán hàng Việt

Còn đối với Điểm bán hàng Việt Nam, tại hộ kinh doanh của bà Huỳnh Thị Bích Thuận (ấp Tân Hiệp, xã Tân Thới, huyện Tân Phú Đông), trong quá trình triển khai thực hiện chủ hộ kinh doanh cũng góp thêm kinh phí cải tạo lại điểm bán, lót gạch men, đóng một phần la phông và tự trang bị thêm một số kệ chắc chắn. Việc bố trí quầy kệ, hàng hóa được sắp xếp khoa học, thuận tiện cho người mua sắm, sức mua tại cửa hàng của bà Thuận tăng so với trước từ 15 - 20%. Cửa hàng bách hóa của bà Thuận là một trong những cửa hàng khang trang nhất tại khu vực xã Tân Thới, huyện Tân Phú Đông, hàng hóa phong phú, đa dạng, là một trong những điểm mua bán uy tín, được người tiêu dùng ủng hộ.

Bà Võ Thị Tuyết Trang, chủ Cửa hàng bách hóa Anh Đăng (ấp 1, xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông) đang sắp xếp lại hàng hóa trên kệ


Bà Võ Thị Tuyết Trang, chủ Cửa hàng bách hóa Anh Đăng (ấp 1, xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông) điểm bán hàng Việt vừa ra mắt trong tháng 11-2020, cho biết, bà làm nghề kinh doanh khoảng 10 năm nay và bắt đầu kinh doanh mặt hàng tạp hóa được khoảng 5 năm. Sau thời gian kinh doanh, bà nhận thấy những mặt của Việt Nam được khách hàng ưa chuộng, nên bán được hơn. Gần đây, những mặt hàng Việt Nam có nhiều mẫu mã đẹp, chất lượng, giá ả phải chăng nên kinh doanh hàng Việt Nam cũng có nhiều lợi thế hơn. Qua đó, cũng tạo được công ăn việc làm cho người dân Việt Nam. Khi triển khai bán hàng Việt, bà được các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm hỗ trợ giảm giá khi cửa hàng lấy hàng số lượng nhiều, hỗ trợ kệ quầy trưng bày, cho nhân viên xuống trực tiếp sắp xếp quầy, kệ, trang trí đẹp mắtt để khách hàng dễ dàng lựa chọn và tìm kiếm hàng hóa. Theo bà Thuận, tâm lý người tiêu dùng, đặc biệt là người dân nông thôn mong muốn mua sắm với giá cả phải chăng, nên bà cam kết bán với giá phải chăng để lượng khách đến mua sắm được nhiều hơn.

Các điểm bán hàng Việt treo bảng biểu để người tiêu dùng nhận diện đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong việc mua sắm

SẼ MỞ THÊM ĐIỂM BÁN HÀNG VIỆT

Quyền Giám đốc Sở Công thương Tiền Giang Đặng Văn Tuấn cho biết, Sở Công thương có trang bị cho các điểm bán hàng Việt một số cơ sở vật chất như: Quầy kệ; la phông; sắp xếp lại cửa hàng; trang trí các logo, bảng biểu để nhận diện chương trình Tự hào hàng Việt,… đây là giải pháp tuyên truyền đến người dân tiêu dùng hàng Việt Nam.

Trong thời gian tới, ngoài kinh phí hỗ trợ của Bộ Công thương, Sở Công thương tỉnh Tiền Giang sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang bố trí kinh phí, đồng thời Sở Công thương sẽ phối hợp cùng Ủy ban nhân dân cấp huyện khảo sát lại hệ thống cửa hàng bán lẻ, để từng bước trang bị, đảm bảo hàng hóa chất lượng, yêu cầu chủ cửa hàng niêm yết giá, bán theo giá niêm yết, cải tạo lại hệ thống cửa hàng, sử dụng các hàng hóa và buôn bán hàng hóa tại cửa hàng đảm bảo nguồn gốc, để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.

Hàng hóa trưng bày trên quầy, kệ vừa đẹp mắt vừa giúp khách hàng dễ dàng lựa chọn

Thời gian qua, chất lượng hàng Việt ngày một tăng, không những đáp ứng nhu cầu trong nước, hàng Việt còn xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Trong cả nước, tỷ trọng hàng Việt ngày càng tăng, một số đối tượng khách hàng có điều kiện kinh tế, “sính ngoại” sẽ lựa chọn mặt hàng nước ngoài, số đông khách hàng vẫn lựa chọn hàng Việt. Để cạnh tranh với hàng ngoại, thì hàng Việt phải nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, bên cạnh đó các cơ quan, ban, ngành cũng cần đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp tuyên truyền để nâng cao nhận thức, đồng thời giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn về hàng Việt.

Ngoài ra, chủ cửa hàng  phải từng bước nâng cao cách phục vụ, trang bị cơ sở vật chất tại cửa hàng tạo thuận lợi cho người mua sắm, để có thể cạnh tranh với các đối tượng khác trên thị trường.

LÝ OANH

.
.
.