.
DỰ ÁN VNSAT:

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật gắn với xây dựng Cánh đồng liên kết

Cập nhật: 15:57, 10/11/2020 (GMT+7)

(ABO) Thông qua các hoạt động của Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (Dự án VnSAT), nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng thành công tiến bộ kỹ thuật trong canh tác lúa.

Nông dân tham gia lớp tập huấn quy trình sản xuất “3G3T” tại Tiền Giang.
Nông dân tham gia lớp tập huấn quy trình sản xuất “3G3T” tại Tiền Giang.

Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, tầm nhìn 2030, những năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Tiền Giang đã triển khai nhiều hoạt động, giải pháp phát triển. Trong đó, ngành Nông nghiệp định hướng nông dân sản xuất lúa theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững là một trong những giải pháp then chốt trong thực hiện tái cơ cấu ngành hàng lúa - gạo.

ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG TIẾN BỘ KỸ THUẬT

Ngoài nội lực, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tranh thủ hỗ trợ từ các nguồn lực quốc tế, trong đó có Ngân hàng Thế giới (WB) với Dự án VnSAT. Thông qua các hoạt động của dự án, nhiều HTX thuộc 3 huyện, thị của tỉnh là Cái Bè, Cai Lậy và TX. Cai Lậy đã ứng dụng thành công tiến bộ kỹ thuật gắn với xây dựng Cánh đồng liên kết. Đây là tiền đề cho việc xây dựng chuỗi giá trị lúa - gạo, hướng đến nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Sau gần 5 năm triển khai thực hiện, Ban Quản lý Dự án VnSAT Tiền Giang đã thực hiện 855 lớp đào tạo “3 giảm 3 tăng” (3G3T) với gần 33.000 lượt nông dân tham gia; 476 lớp đào tạo “1 phải 5 giảm” (1P5G) với gần 18.000 lượt nông dân tham gia và 42 lớp chuyên đề về quản lý và phát triển HTX, đào tạo VietGAP, luân canh cây trồng, tận dụng sản phẩm phụ lúa - gạo, nhân giống lúa xác nhận với 1.626 người tham dự.

Dự án VnSAT cũng tổ chức triển khai được 46 điểm trình diễn ứng dụng mô hình canh tác 3G3T, 1P5G, VietGAP… Nhờ thực hiện tốt công tác đào tạo, tuyên truyền, đã có những sự thay đổi trong tư duy canh tác của nông dân vùng dự án. Cụ thể, gần 84% hộ trong các HTX thuộc vùng dự án sử dụng lượng giống gieo sạ trong mức khuyến cáo; 100% hộ nông dân sử dụng lượng phân đạm theo mức từ 60 - 120 kg/ha; số lần phun thuốc bảo vệ thực vật trung bình là 3.47 lần/vụ - đạt tiêu chí của dự án; hầu hết các hộ đã ghi chép nhật ký sản xuất đầy đủ.

Diện tích canh tác bình quân của từng hộ nông dân Tiền Giang rất nhỏ, chỉ khoảng 0,57 ha/hộ. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu đồng nhất về chất và lượng, gieo trồng theo quy trình có thể truy xuất nguồn gốc, việc canh tác theo mô hình Cánh đồng liên kết là yêu cầu tất yếu.

Ngay từ khi triển khai xây dựng, mô hình đã nhận được sự đồng thuận cao của chính quyền cũng như người dân, nhất là những hộ trực tiếp tham gia vào chuỗi giá trị lúa - gạo. Vụ đông xuân 2019 - 2020, trong vùng Dự án VnSAT có 15 tổ chức nông dân/HTX tham gia liên kết tiêu thụ lúa trong Cánh đồng lớn với diện tích 4.640 ha được ký hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp.

CỦNG CỐ HTX

Được thành lập từ năm 1999, bước đầu phục vụ tưới tiêu và cung cấp nước sinh hoạt nông thôn là chính, HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Quới (xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè) đã dần chuyển sang hình thức Cánh đồng liên kết, sản xuất lúa theo hướng bền vững với diện tích hơn 500 ha.

Thu hoạch lúa trên Cánh đồng liên kết tại huyện Cái Bè.
Thu hoạch lúa trên Cánh đồng liên kết tại huyện Cái Bè.

Đại diện Hội đồng quản trị HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Quới cho biết: “Mục tiêu của HTX là liên kết các hộ dân trong Cánh đồng liên kết nhằm hình thành vùng sản xuất lúa sạch, áp dụng quy trình 3G3T và 1P5G để giảm chi phí sản xuất, tạo nguồn nguyên liệu lớn cung cấp cho doanh nghiệp.

Hiện HTX đã đứng ra ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ 618 ha trồng lúa của toàn bộ 600 hộ dân thành viên với một doanh nghiệp kinh doanh lúa - gạo trên địa bàn tỉnh để sản xuất giống lúa đặc sản ST24. Việc tiêu thụ lúa đồng loạt và thỏa thuận giá cả trước khi thu hoạch đã giúp các thành viên yên tâm sản xuất, lợi nhuận theo đó cũng nâng cao hơn”.

Để xây dựng Cánh đồng liên kết, vai trò của HTX nông nghiệp là vô cùng quan trọng. HTX vừa là cầu nối liên kết nông dân lại cùng áp dụng đồng bộ một quy trình sản xuất trên Cánh đồng liên kết, vừa là cầu nối để nông dân liên kết với doanh nghiệp nhằm hình thành vùng sản xuất lúa - gạo theo đơn đặt hàng. Trên cơ sở đó, tổ chức sản xuất theo hướng hình thành chuỗi sản xuất - chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Nhiệm vụ xây dựng, củng cố, phát triển năng lực HTX, tổ chức nông dân được ngành Nông nghiệp tỉnh đẩy mạnh thực hiện. Trong khuôn khổ Dự án VnSAT, dự án đã hỗ trợ thành lập mới 15 HTX, lũy kế toàn dự án hiện có 19 HTX và 1 tổ hợp tác; triển khai thực hiện các lớp đào tạo hướng dẫn thành lập mới HTX và lớp bồi dưỡng năng lực HTX. Dự án cũng hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho 11 HTX. Các hạng mục cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất trên Cánh đồng liên kết như: Các công trình thủy lợi, đường giao thông nội đồng, nhà kho, lò sấy…

Với mục tiêu đến cuối năm 2020 toàn tỉnh có 20.000 ha Cánh đồng liên kết được doanh nghiệp đầu tư và bao tiêu sản phẩm, tăng thu nhập từ 10% - 15% so với sản xuất theo tập quán truyền thống, đại diện ngành Nông nghiệp tỉnh cho biết, trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân tham gia xây dựng Cánh đồng liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ theo chuỗi giá trị thực hiện Nghị định 98/2018 của Chính phủ.

Đồng thời, triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ HTX nông nghiệp để nâng cao năng lực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; định hướng xây dựng dòng sản phẩm lúa - gạo trong vùng dự án đạt chứng nhận sản phẩm OCOP, tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực tổ hợp tác, HTX.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp sẽ áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nằm trong kế hoạch Cánh đồng liên kết; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia liên kết, xây dựng các phương án Cánh đồng liên kết.

Nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cao Văn Hóa cho rằng: “Tỉnh Tiền Giang triển khai với phương châm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chậm nhưng chắc, chứ không làm ồ ạt. Để mô hình Cánh đồng liên kết thành công, tôi đề nghị chủ trương phải thống nhất, đó là ràng buộc điều kiện doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải tham gia thực hiện liên kết tại Nghị định 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ và có vùng nguyên liệu hơn 3.000 ha.

Nếu không ràng buộc thì chỉ có vài doanh nghiệp xuất khẩu tham gia Cánh đồng liên kết, trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu khác đứng ngoài cuộc là điều không bình đẳng trong cạnh tranh. Khi nào thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia thì quy mô Cánh đồng liên kết mới phát triển đột phá và bền vững được”.

                                                  Ban Quản lý Dự án VnSAT Tiền Giang

.
.
.