.
Giải pháp khôi phục thị trường du lịch:

Định vị lại thị trường và sản phẩm

Cập nhật: 12:42, 22/11/2020 (GMT+7)

 

a
 

Nhìn nhận đại dịch Covid-19 như một “phép thử”, một cơ hội thanh lọc và điều chỉnh lại thị trường du lịch, PGS, TS BÙI THANH HƯƠNG (trong ảnh), Trường đại học Châu Á - Thái Bình Dương (Nhật Bản) cho rằng, ngành du lịch Việt Nam cần định vị lại thị trường và sản phẩm, kiên quyết loại bỏ những hình thái du lịch không mang lại nhiều lợi ích.

- Những diễn biến khó lường của dịch Covid-19 đang khiến cho ngành du lịch nội địa gặp khó trong cả việc lựa chọn phương thức hồi phục, cũng như thích ứng và phát triển. Từ góc nhìn của bà, du lịch Việt Nam nên tập trung vào mục tiêu nào trong ngắn hạn và dài hạn?

- Tình hình dịch bệnh tiến triển phức tạp tại các thị trường du lịch trọng điểm trong năm 2020 ảnh hưởng rất lớn đến ngành du lịch. Việc đóng biên, không vận hành các chuyến bay thương mại, cũng như quy định cách ly 14 ngày áp dụng cho cả đầu đi và đầu đến khiến cho du lịch quốc tế giảm 80-90% theo thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO). Cũng giống như chiến lược của nhiều nước khác, trong ngắn hạn, Việt Nam tập trung chủ yếu vào thị trường nội địa. Thay vì kích cầu bằng hỗ trợ tài chính, doanh nghiệp cần đầu tư xây dựng sản phẩm mới, và nâng cao chất lượng phục vụ. Một giải pháp ngắn hạn khác là sử dụng hệ thống khách sạn gần các sân bay chính làm cơ sở cách ly có trả phí, và sớm nâng cao năng lực xét nghiệm tại sân bay, cho phép nhập cảnh và yêu cầu cách ly tại cơ sở lưu trú được chỉ định. Cách thức này tạo thêm doanh thu cho khách sạn và vẫn bảo đảm an toàn cách ly.

Về dài hạn, để dần khôi phục thị trường quốc tế, các thị trường có kiểm soát tốt dịch bệnh như Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Nhật Bản có thể dần được cấp phép mở biên. Các nghiên cứu chuyên ngành dự đoán thị trường sẽ khôi phục trong quãng thời gian 3-5 năm. Xu hướng du lịch mới sẽ tìm về thiên nhiên, tránh tập trung ở các đô thị đông người, và mở rộng du lịch ở các vùng nông thôn, dựa vào thiên nhiên. Nhu cầu du lịch sẽ vẫn tồn tại và sẽ trở lại với hình thái khác. Tâm lý du lịch cũng sẽ khác, hướng tới chất lượng. Ngành du lịch cũng cần định vị lại thị trường và sản phẩm, không chạy theo số lượng khách, mà cần nâng cao thời gian lưu trú cũng như chi tiêu trung bình. Đây là cơ hội tốt để loại bỏ các hình thái du lịch quốc tế không mang lại nhiều lợi ích cho địa phương như tour 0 đồng mà báo chí đã phản ánh nhiều. 

- Chuyển đổi số đang là một hướng mở, thậm chí được nhiều người cho là điểm tựa đối với ngành du lịch tại thời điểm này. Quan điểm của bà như thế nào?

- Đây là xu hướng tất yếu của tương lai, mà dịch bệnh là một tác nhân để đẩy nhanh tiến trình số hóa. Trên nguyên lý của nền kinh tế chia sẻ (sharing economy), khi công nghệ thông tin phát triển, các kênh phân phối truyền thống mất dần lợi thế và bị thay thế bằng các nền tảng chia sẻ quyền sử dụng, như Grab, AirBnb. Hệ thống đặt chỗ, trao đổi thông tin, thanh toán đã được số hóa rất nhanh từ trước khi dịch bệnh xảy ra. Do tác động của dịch bệnh, các công ty, tổ chức trên rất nhiều nơi trên thế giới đã chuyển sang phương thức làm việc từ xa, trao đổi, họp hành, học tập đều được tiến hành trực tuyến. Sau khi đại dịch đi qua, thì những lợi thế tiết kiệm chi phí, thời gian, tính tiện lợi và hiệu quả của làm việc trực tuyến chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thị trường du lịch công vụ và giáo dục. Ngành du lịch cần thích nghi với xu hướng này. Việc số hóa, theo tôi, sẽ hiệu quả trong việc xây dựng kênh thông tin, ảnh hưởng mạnh đến kênh phân phối, và nhất là nhân sự của ngành du lịch. Các nền tảng an toàn thanh toán cũng là một vấn đề ngành du lịch cần khắc phục. Tuy nhiên, bản chất của du lịch là sự trải nghiệm tại điểm du lịch, và sự tổng hòa của các dịch vụ liên quan như di chuyển, ăn ở, vui chơi, mà công nghệ không thể số hóa nổi. Trải nghiệm du lịch cần sự dịch chuyển của bản thân du khách theo không gian và thời gian, nên không thể số hóa hoàn toàn. Thêm vào đó bản chất của dịch vụ là sự tương tác giữa người và người, giữa con người và thiên nhiên… Bởi vậy số hóa chỉ giới hạn ở khâu bổ trợ, không thay thế được sản phẩm chính. Tuy nhiên, số hóa giúp mở rộng thị trường, tiết kiệm chi phí, và cũng trao quyền lựa chọn nhiều hơn cho khách hàng, đồng nghĩa với việc sẽ cạnh tranh hơn và cần doanh nghiệp cung cấp dịch vụ năng động, hiện đại và quốc tế hóa hơn.

- Có một thực tế là, hầu hết các doanh nghiệp du lịch đều đã kiệt sức sau một thời gian dài ngưng trệ hoạt động, trong khi, tất cả các giải pháp từ công nghệ, kích cầu… đều đòi hỏi thời gian, nhân lực và sự đầu tư về tài chính. Giải quyết vòng luẩn quẩn này theo cách nào, thưa bà?

- Tôi không cho rằng đây là vòng luẩn quẩn. Mà đây là một phép thử chọn lọc doanh nghiệp. Theo quy luật của thị trường, những khó khăn thử thách, thay đổi môi trường sẽ là những thử thách cho doanh nghiệp, có tiềm lực, có đổi mới, trường vốn và có tích lũy thì sẽ sống sót. Khả năng tồn tại và chuyển đổi của doanh nghiệp nằm trong nội lực của chính doanh nghiệp, còn các hình thức kích cầu, giải pháp… chỉ mang tính ngắn hạn, thời vụ, và là tác nhân bên ngoài thôi. Đây là thời gian thanh lọc và điều chỉnh, là cách thức “lửa thử vàng”, để lại những doanh nghiệp thật sự có nội lực, chất lượng và có khả năng chuyển đổi thích nghi nhất với sự khốc liệt của thị trường. Hỗ trợ của Nhà nước, nếu có, nên tập trung vào các doanh nghiệp xã hội (social entrepreneur), doanh nghiệp phi lợi nhuận, doanh nghiệp địa phương và các hộ kinh doanh cá thể trong thời này.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của bà.

Theo nhandan.com.vn

 

.
.
.