Thứ Bảy, 21/11/2020, 17:32 (GMT+7)
.

Kết quả hoạt động của Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (Dự án VnSAT) được triển khai trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong thời gian qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành hàng lúa - gạo, giúp nông dân tăng thu nhập…

Dự án VnSAT được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phê duyệt tại Quyết định 1992/QĐ-BNN-HTQT ngày 29-5-2015. Tiền Giang là 1 trong 13 tỉnh, thành được tham gia dự án từ năm 2016 đến nay. Mục tiêu của Dự án là tăng khả năng cạnh tranh của ngành hàng lúa - gạo, tăng thu nhập cho người trồng lúa, giảm tác động tiêu cực tới môi trường đối với sản xuất lúa.

Nhiều nông dân được hưởng lợi từ Dự án VnSAT.
Nhiều nông dân được hưởng lợi từ Dự án VnSAT.

THAY ĐỔI TẬP QUÁN SẢN XUẤT

Ngay từ khi bắt tay vào triển khai dự án, công tác đào tạo kỹ thuật cho nông dân thông qua các lớp tập huấn về quy trình canh tác lúa tiên tiến “3 giảm 3 tăng” (3G3T), “1 phải 5 giảm” (1P5G) kết hợp với các mô hình trình diễn nhằm thay đổi tập quán sản xuất của nông dân đã được thực hiện. Dự án sẽ hỗ trợ thành lập hợp tác xã (HTX) và qua đào tạo sản xuất theo các mô hình 3G3T, 1P5G. Nếu có 50% nông dân áp dụng thì dự án sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng như: Các công trình thủy lợi, đường giao thông nông thôn, hệ thống điện, nhà kho…. cho các HTX, tổ hợp tác.

Song song đó, công tác truyền thông giới thiệu, thông tin nội dung Dự án VnSAT đến các địa phương, tổ chức nông dân, các đoàn thể, nông dân trong vùng dự án cũng được triển khai như: Lắp đặt các pa nô tuyên truyền; phát tờ rơi, áp phích, tài liệu kỹ thuật; phóng sự, bài viết nhân rộng cách làm tốt, hướng đến sản xuất lúa bền vững nhằm từng bước thay đổi nhận thức và thói quen canh tác lúa theo kiểu truyền thống trước đây.

Tại Tiền Giang, Dự án VnSAT được triển khai ở huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy và TX. Cai Lậy; vùng dự án có 20 xã với diện tích 27.205 ha và 41.015 hộ. Đến nay, Ban Quản lý Dự án VnSAT Tiền Giang đã thực hiện 855 lớp đào tạo 3G3T và 476 lớp đào tạo 1P5G và 42 lớp chuyên đề về quản lý và phát triển HTX, đào tạo VietGAP, luân canh cây trồng, tận dụng sản phẩm phụ lúa - gạo, nhân giống lúa xác nhận... Dự án cũng tổ chức triển khai được 46 điểm trình diễn ứng dụng mô hình canh tác 3G3T, 1P5G, VietGAP…

Số lượng người hưởng lợi thông qua thực hiện công tác đào tạo từ đầu dự án đến nay là 93.612 người, đạt 131,8% mục tiêu. Đồng thời, Ban Quản lý Dự án VnSAT Tiền Giang đã chủ động thực hiện hoạt động lồng ghép giới thông qua khuyến khích phụ nữ tham gia vào các lớp đào tạo, tập huấn và các buổi tham vấn cộng đồng, kết quả đạt được 40% học viên là nữ tham gia.

Dự kiến, đến cuối năm 2020, diện tích áp dụng quy trình canh tác lúa 3G3T là 16.000 ha, đạt 100% so mục tiêu; diện tích áp dụng quy trình canh tác lúa 1P5G là 8.000  ha, đạt 100% so mục tiêu; hỗ trợ tổ chức nông dân (HTX, tổ hợp tác) hạ tầng, trang thiết bị (11/20 tổ chức nông dân), đạt 55% so mục tiêu; diện tích liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa đạt 4.650/5.500 ha, đạt 84,5% so mục tiêu; giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa là 98.011/106.667 tấn, đạt 91,9% so với mục tiêu.

XÂY DỰNG TỔ CHỨC NÔNG DÂN, HỖ TRỢ HẠ TẦNG

Nhìn chung, mức gia tăng lợi nhuận sản xuất lúa trung bình trong vùng Dự án VnSAT là 29,1% so với trước khi triển khai dự án và 29,2% so với vùng sản xuất lúa ngoài dự án. Bên cạnh đó, việc thành lập các HTX thực hiện dịch vụ cung cấp các vật tư nông nghiệp (giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật...); gặt đập liên hợp, nhà kho trữ lúa và dịch vụ sấy đã góp phần tăng thu nhập và lợi nhuận cho các thành viên. Đến nay, Dự án VnSAT đã hỗ trợ thành lập mới 15 HTX, lũy kế toàn dự án hiện có 19 HTX, 1 hợp tác xã.

Từ việc hỗ trợ của dự án, hội đồng quản trị và các thành viên trong HTX đều được tập huấn về nâng cao năng lực cho Ban Giám đốc HTX; tập huấn về liên kết sản xuất - tiêu thụ góp phần hình thành và phát triển liên kết sản xuất - tiêu thụ với doanh nghiệp, làm cơ sở cho sản xuất lúa - gạo bền vững. Trong vùng Dự án VnSAT có 15 HTX tham gia liên kết tiêu thụ lúa trong Cánh đồng liên kết với diện tích 4.640 ha lúa được ký hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp. Ngoài ra, HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Trinh (xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè) còn tham gia liên kết chuỗi giá trị lúa - gạo (Dự án VnSAT vùng Đồng bằng sông Cửu Long).

Cầu giao thông được đầu tư trong vùng Dự án VnSAT.
Cầu giao thông được đầu tư trong vùng Dự án VnSAT.

Trên cơ sở đánh giá công tác đào tạo đạt các tiêu chí của dự án, Ban Quản lý Dự án VnSAT Tiền Giang đã phối hợp các địa phương đề xuất danh mục công trình hạ tầng đầu tư tại các HTX đã đạt tiêu chí đào tạo và thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định của Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Việt Nam. Kết quả triển khai đến nay, có 11 tiểu dự án và 1 công trình được đầu tư. Cụ thể, Dự án VnSAT tại Tiền Giang đã đầu tư nâng cấp 8 đường giao thông nông thôn với kết cấu láng nhựa, trải bê tông, trải đá cấp phối có tổng chiều dài 19,114 km; đầu tư 6 cây cầu giao thông, 10 cống, 4 cống kết hợp trạm bơm, 7 nhà kho tạm trữ, 4 nhà bao che lò sấy.

Ngoài ra, Dự án VnSAT đã hỗ trợ cho các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT xây dựng phòng thí nghiệm; nâng cấp, sửa chữa Kho lúa giống Trung Lương; xây nhà bao che hệ thống sấy, bin sấy phục vụ việc sơ chế và sấy lúa giống; trang bị máy cấy lúa, máy sàng làm sạch và phân loại hạt giống. Hàng hóa, trang thiết bị hỗ trợ cho các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT được đưa vào khai thác sử dụng, có hiệu quả khá tốt. Điều này đã góp phần thực hiện tốt công tác đào tạo quy trình canh tác 3G3T, 1P5G, nâng cao năng lực công tác sản xuất lúa giống; kiểm nghiệm, xét nghiệm và kiểm định hạt giống lúa; bộ phận kiểm nghiệm, xét nghiệm đã được cấp chứng nhận ISO 17025:2017.

Để đạt được kết quả khả quan này, trong quá trình triển khai thực hiện dự án đã được sự quan tâm, hỗ trợ của Ban Quản lý Dự án VnSAT Trung ương và các cơ quan chuyên môn của Bộ NN&PTNT. Đặc biệt là sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã, cùng sự đồng thuận và sự tham gia tích cực của nông dân, doanh nghiệp… Từ nền tảng của những kết quả đạt được sẽ góp phần thực hiện thành công Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệ­­­p tỉnh Tiền Giang.

BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN VNSAT TIỀN GIANG

.
.
.