Thứ Sáu, 06/11/2020, 15:20 (GMT+7)
.

Khẩn trương xuống giống vụ lúa đông xuân

So với kế hoạch xuống giống vụ lúa đông xuân năm nay, nông dân các huyện, thị phía Đông, tỉnh Tiền Giang gieo sạ muộn hơn lịch thời vụ.

CHẦN CHỪ XUỐNG GIỐNG

Căn cứ vào dự báo tình hình xâm nhập mặn mùa khô cuối năm 2020, đầu năm 2021, hầu hết người dân các huyện, thị phía Đông đã tuân thủ khuyến cáo cắt vụ lúa thu đông. Tuy nhiên, thời điểm này, dù đã qua thời điểm xuống giống lúa vụ đông xuân theo lịch khuyến cáo, nhưng nhiều nông dân vẫn chưa gieo sạ. Anh Phan Văn Huệ (ấp 2, xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông) cho biết, khoảng 10 ngày nữa anh mới xuống giống vụ lúa đông xuân. Do các hộ dân xung quanh gieo sạ trễ nên anh cũng phải xuống giống trễ theo.

Anh Phan Văn Huệ (ấp 2, xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông) chuẩn bị giống vụ lúa đông xuân.
Anh Phan Văn Huệ chuẩn bị giống vụ lúa đông xuân.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Tân Tây Nguyễn Thanh Bình, vụ lúa đông xuân năm nay, xã dự kiến xuống giống 640 ha. Hiện toàn xã mới gieo sạ được hơn 130 ha. Hầu hết người dân đều tuân thủ việc cắt vụ, song vẫn có một số ít sạ 3 vụ.

Để chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất, trong năm 2020, xã đã tiến hành nạo vét 4 tuyến kinh, trục vớt lục bình ở các kinh, rạch trên địa bàn xã. Ngoài ra, xã còn tổ chức các cuộc hội thảo đầu vụ để khuyến cáo, vận động người dân xuống giống theo lịch thời vụ, chọn giống và cắt vụ.

Còn theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Gò Công Tây Ngô Văn Dũng, vụ lúa đông xuân năm nay, huyện gieo sạ 8.800 ha. Đến thời điểm này, địa phương đã xuống giống được hơn 1.700 ha.

“Hiện người dân đang ngưng lại, khoảng 10 ngày nữa mới xuống giống để thu hoạch lúa khi vừa qua Tết Nguyên đán. Bởi thời điểm này, nông dân cho rằng, nếu xuống giống sớm khi lúa trổ sẽ gặp sương muối; thu hoạch lúa vào thời điểm cận tết dễ bị thương lái ép giá. Vừa qua, có một số diện tích xuống giống sớm do người dân tranh thủ để trồng màu trong vụ đông xuân” - đồng chí Ngô Văn Dũng cho biết thêm.

Tại TX. Gò Công, thời điểm này, nhiều diện tích cũng chưa xuống giống vụ lúa đông xuân. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Xuân (TX. Gò Công) Huỳnh Hồng Huệ cho biết, năm nay, toàn xã xuống giống khoảng 1.400 ha, đến thời điểm này đã gieo sạ được khoảng 60%. Đến cuối tuần này, xã sẽ hoàn thành việc xuống giống.

XUỐNG GIỐNG CÀNG SỚM CÀNG TỐT

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Gò Công Đông Nguyễn Văn Quí cho biết, vụ lúa đông xuân năm nay, huyện dự kiến xuống giống 9.500 ha. Đến nay, toàn huyện đã xuống giống được khoảng 3.000 ha. Căn cứ dự báo về nguồn nước của ngành chuyên môn, địa phương đã khuyến cáo cho người dân về việc gieo sạ. Do ảnh hưởng của đợt mặn vừa qua, nên đến tháng 8 nhiều diện tích lúa ở huyện mới xuống giống vụ hè thu. Do đó, huyện Gò Công Đông xin gia hạn lịch xuống giống đến hết ngày 20-11.

Nhiều nông dân gieo sạ trễ trong vụ lúa đông xuân năm nay.
Nhiều nông dân gieo sạ trễ trong vụ lúa đông xuân năm nay.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang) Võ Văn Men, ngành Nông nghiệp ban hành lịch xuống giống vụ lúa đông xuân cho các huyện, thị phía Đông, tỉnh Tiền Giang từ ngày 20 đến 30-10.

Vừa qua, vào tháng 9-2020, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị ở tỉnh Tiền Giang về công tác phòng, chống hạn, mặn trong mùa khô tới đây. Theo đó, Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các địa phương rút ngắn thời gian xuống giống do nhận định mức độ hạn, mặn sẽ diễn ra như cuối năm 2019, đầu năm 2020. Vùng ven biển của các tỉnh phải gieo sạ càng sớm càng tốt.

Cũng theo đồng chí Võ Văn Men, nếu gieo sạ trong thời điểm từ ngày 1 đến 15-11, lúa sẽ thu hoạch ngay tết, do đó ngành Nông nghiệp đã điều chỉnh lịch xuống giống sớm hơn để thu hoạch trước Tết Nguyên đán. Nếu xuống giống từ ngày 10 đến 20-11 thì quá trễ.

Trong 23.160 ha, các huyện phía Đông hiện chỉ xuống giống được khoảng 10.000 ha. Riêng huyện Gò Công Đông, ngành Nông nghiệp cho hơn 3.000 ha nằm giáp đê biển xuống giống từ ngày 10 đến 20-11 do những diện tích này xuống giống vụ hè thu trễ. Để đảm bảo nguồn nước sản xuất, Chi cục Thủy lợi đang có kế hoạch và phương án để vận hành nước, trữ nước.

Tuy nhiên, nếu mặn xâm nhập gay gắt, không vận hành lấy nước được thì không có nước để trữ. Ngành Nông nghiệp đã đề nghị các địa phương, vận động người dân xuống giống sớm để tránh ảnh hưởng do hạn, mặn.

TRỌNG ĐẠT

 

.
.
.