Tiền Giang: Tích cực, chủ động phòng, chống hạn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 - 2021
Hiện nay khi mùa mưa sắp chấm dứt, nhân dân trong tỉnh Tiền Giang chưa biết hạn, xâm nhập mặn mùa khô năm nay sẽ diễn biến ở mức độ nào, ở mức độ thấp của mùa khô của năm 2018 - 2019, ở mức độ trung bình của mùa khô năm 2015 - 2016, hay ở mức độ cao của mùa khô 2019 - 2020 vừa qua (đã để lại hậu quả nặng nề mà đến nay chưa khắc phục xong, dù công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn rất hiệu quả).
Dĩ nhiên người dân thầm mong hạn, xâm mặn năm nay ở mức độ thấp hoặc cao lắm là ở mức độ trung bình nhưng cũng không khỏi băn khoăn, lo lắng bởi nếu năm nay cũng chịu ảnh hưởng hạn, xâm nhập mặn như mùa khô năm rồi thì sản xuất khó gượng dậy được. Chính vì vậy mà nhân dân trong tỉnh mong mỏi, tin tưởng các cấp, các ngành trong tỉnh sớm có kế hoạch chủ động phòng, chống hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2020 - 2021 này.
Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đưa ra những dự báo về tình hình hạn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 - 2021. |
Đáp lại kỳ vọng của nhân dân, vừa qua tại Hội nghị triển khai các giải pháp phòng, chống hạn, mặn mùa khô 2020 - 2021 do Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, do mực nước ở thượng nguồn năm 2020 ở mức thấp nên mùa khô năm 2020 - 2021 mặn trên các cửa sông Tiền, sông Vàm Cỏ và sông Hàm Luông có khả năng xuất hiện sớm, sớm hơn trung bình nhiều năm và lấn sâu vào nội đồng nhanh hơn so với trung bình nhiều năm, có khả năng xấp xỉ mùa khô năm 2019 - 2020.
Còn Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam thì từ thông tin về nguồn nước trên sông Mê Kông có được, đã dự báo, hạn, mặn mùa khô năm 2020 - 2021 sẽ nghiêm trọng, xuất hiện sớm và kéo dài so với nhiều năm.
Nếu đúng như dự báo thì sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất vụ đông xuân năm 2020 - 2021 vùng Ngọt hóa Gò Công, vụ hè thu và diện tích vườn cây ăn trái ở các huyện phía Tây của tỉnh…
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Văn Hưởng cho rằng, dựa trên những định hướng, giải pháp phòng, chống hạn, mặn tại Tiền Giang của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, thay đổi quan điểm của người dân và suy nghĩ của cán bộ, công chức là vấn đề lớn nhất trong thực hiện việc trữ nước trong dân.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương lập kế hoạch cụ thể trữ nước ngọt trong các ao, kinh mương nội đồng, vườn của người dân. Đồng thời, khẩn trương nạo vét các tuyến kinh, mương, rạch nội đồng, vườn để trữ nước ngọt, trục vớt lục bình, khơi thông dòng chảy...
Các sở, ngành và địa phương kiểm tra, khắc phục các cống không đảm bảo ngăn mặn trong Dự án Ba Rài - Phú An. Đồng thời, chuẩn bị phương án sẵn sàng đắp đập thép trên kinh Nguyễn Tấn Thành để ngăn mặn, trữ ngọt khi có quyết định (không để mặn lấn sâu vào nội đồng như ở mùa khô năm 2020 - 2021).
Liên hệ với tỉnh Long An thống nhất về việc triển khai đắp đập tạm tại các cống trên tuyến đường Quốc lộ 62 và việc điều tiết, sử dụng nguồn nước hợp lý giữa 2 tỉnh.
Thời gian tới, các cấp, các ngành cần tiếp tục theo dõi tình hình khí tượng, thủy văn và công tác vận hành công trình phục vụ sản xuất; tiếp tục triển khai Kế hoạch phòng chống hạn, mặn bảo vệ sản xuất mùa khô năm 2020 - 2021 trên địa bàn trên địa bàn toàn tỉnh…
Riêng vai trò của người dân cũng hết sức quan trọng. Trước tiên, không được hoang mang, dao động mà phải tích cực, tin tưởng, chủ động cùng các cấp, các ngành tham gia phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, với công việc hiện nay là trữ nước ngọt.
Phòng, chống hạn, mặn mùa khô 2020 - 2021 đang là nhiệm vụ trọng tâm mà cả hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh nhà phải tích cực, chủ động vào cuộc ngay từ bây giờ, trong đó có vai trò chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, sát sao của cấp ủy, Ủy ban nhân dân các cấp với quyết tâm đạt hiệu quả cao nhất nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại của nhân dân do hạn, xâm nhập mặn gây ra.
M.T