Thứ Tư, 11/11/2020, 10:12 (GMT+7)
.

TP. Mỹ Tho: Chuyển đổi theo hướng nông nghiệp đô thị

Qua gần 5 năm thực hiện Đề án 16 ngày 3-4-2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ 2015 - 2020 về phát triển nghề sản xuất hoa - cá kiểng và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nông nghiệp đô thị (gọi tắt là Đề án 16), thành phố đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Để thực hiện hiệu quả Đề án 16, UBND TP. Mỹ Tho đã ban hành Kế hoạch 3383 ngày 29-5-2017 về việc thực hiện phát triển nghề sản xuất hoa - cá kiểng và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nông nghiệp đô thị và đã triển khai cho các ban, ngành, địa phương phối hợp tổ chức thực hiện. Qua triển khai, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên và đồng tình hưởng ứng thực hiện Đề án. Kết quả từ năm 2017 - 2020, thành phố đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

làng hoa Mỹ Phong trong mùa vụ hoa phục vụ Tết Nguyên đán.
Làng hoa Mỹ Phong trong mùa vụ hoa phục vụ Tết Nguyên đán.

CHUYỂN ĐỔI SẢN XUẤT

Cụ thể, lĩnh vực trồng trọt, thành phố đã phát triển sản xuất hoa, kiểng và chuyển đổi cây trồng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gắn với sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế của địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ theo hướng nông nghiệp đô thị nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm tổn thất sau thu hoạch.

Từ đó, giá trị ngành trồng trọt tăng bình quân 2,9%/năm, các sản phẩm nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị chiếm 40%. Đến nay, trên địa bàn thành phố không còn diện tích trồng lúa. Về cây hoa, kiểng, thành phố đã duy trì phát triển vùng trồng hoa tập trung chủ yếu ở các xã: Tân Mỹ Chánh, Mỹ Phong và phường 9 với khoảng 343 hộ sản xuất hoa, kiểng phục vụ tết.

Về cây rau màu, thành phố tiếp tục duy trì diện tích trồng rau màu nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa và do tình hình xâm nhập mặn từ đầu năm 2020 gây ra nên diện tích trồng rau màu chỉ duy trì từ 600 - 900 ha/năm.

 Mô hình trồng rau thủy canh của chị Nguyễn Thị Ngọc Diệp ở ấp Bình Tạo, xã Trung An, TP. Mỹ Tho.  Ảnh: PHƯƠNG MAI
Mô hình trồng rau thủy canh của chị Nguyễn Thị Ngọc Diệp ở ấp Bình Tạo, xã Trung An, TP. Mỹ Tho. Ảnh: PHƯƠNG MAI

Trong lĩnh vực chăn nuôi, ngành chức năng thành phố khuyến khích người dân chuyển đổi sang nuôi cá kiểng có giá trị kinh tế cao; tăng quy mô nuôi heo, bò, dê theo hướng trang trại, không nuôi gia súc, gia cầm trong nội ô thành phố; chuyển đổi chăn nuôi nhỏ, lẻ, phân tán sang nuôi trang trại, gia trại, từng bước áp dụng mô hình chăn nuôi đệm lót sinh học, áp dụng công nghệ giống, quy trình phòng chống dịch, xử lý ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Vì thế đàn bò và đàn gia cầm vẫn duy trì, phát triển nhằm cung cấp sản phẩm phục vụ thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi. Đối với lĩnh vực nuôi cá kiểng, năm 2017 thành phố có khoảng 26 hộ nuôi và sản xuất cá kiểng giống, với diện tích khoảng 18.420 m2. Hiện nay, toàn thành phố có khoảng 41 hộ nuôi cá kiểng và sản xuất giống với diện tích khoảng 23.000 m2, tập trung chủ yếu ở xã Trung An, Phước Thạnh và phường 5.

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO

Để phát triển nghề sản xuất hoa - cá kiểng và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nông nghiệp đô thị, thành phố đã triển khai nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt và được nhân rộng trên địa bàn thành phố như: Mô hình Trồng rau, dưa lưới trong nhà màng, nhà lưới sử dụng hệ thống tưới tự động; mô hình Tưới nhỏ giọt, tưới tự động kết hợp với bón phân trên các loại cây ăn trái; quản lý sâu bệnh bằng biện pháp sinh học.

Thành phố còn thực hiện hiệu quả việc liên kết chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ. Theo đó, thành phố đã gắn việc xây dựng hợp tác xã với các mô hình liên kết chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ như: Bưởi da xanh, mô hình Chăn nuôi VietGAP, mô hình Sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP cho hợp tác xã; Tổ hợp tác Chăn nuôi gà đẻ thương phẩm theo hướng VietGAP. Song song với hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, thành phố còn xây dựng vùng trồng, tìm kiếm mở rộng thị trường, tạo điều kiện trong tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Có thể nói, việc thực hiện Đề án 16 đã thúc đẩy gia tăng năng suất sản xuất và hiệu quả lao động nông thôn, phát triển kinh tế của địa phương, nâng cao hiệu quả thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

THANH TÙNG

.
.
Liên kết hữu ích
.