Xuất khẩu gạo vào EU chỉ bằng 1/6 so với Thái Lan
Theo Cục Trồng trọt, tổng nhu cầu nhập khẩu gạo của EU là 2,3 triệu tấn gạo/năm với giá trị là 1,4 tỷ Euro năm 2019; so với các nước ASEAN khác, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào EU chỉ bằng 1/6 với Thái Lan, 1/10 Myanmar, 1/4 Campuchia.
Sáng 4-11, Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN-PTNT) đã tổ chức Hội thảo quốc tế về các quy định đối với xuất khẩu gạo vào thị trường Liên minh châu Âu, để hướng dẫn các quy định đối với chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU nhằm tận dụng ưu đãi thuế quan trong hạn ngạch do EU cấp phép hàng năm.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo thơm sang EU sau khi tham gia Hiệp định EVFTA |
Theo Cục Trồng trọt, tổng nhu cầu nhập khẩu gạo của EU là 2,3 triệu tấn gạo/năm với giá trị là 1,4 tỷ Euro năm 2019; so với các nước ASEAN khác, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào EU chỉ bằng 1/6 với Thái Lan, 1/10 Myanmar, 1/4 Campuchia.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo sang EU đạt trên 10 triệu USD tăng 23,49% so với cùng kỳ năm 2019. Hàng năm Việt Nam xuất khẩu từ 6,4 - 7,0 triệu tấn gạo với hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, các giống thuộc danh mục gạo thơm xuất khẩu sang EU được hưởng hạn ngạch ưu đãi thuế quan chiếm khoảng 43% đến 46% tổng lượng gạo xuất khẩu hàng năm với khoảng trên 3 triệu tấn.
Gạo là mặt hàng có tiềm năng lớn để xuất khẩu vào EU khi mở rộng được hạn ngạch. Đây là thị trường còn nhiều dư địa, dự báo xuất khẩu gạo trong đó có gạo thơm sang EU từ nay đến hết năm dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Trong thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã tích cực tái cơ cấu ngành, thực thi các cam kết quốc tế, trong đó đã dự thảo, sửa đổi trình Chính phủ và Quốc Hội phê duyệt các văn bản pháp luật để phù hợp với Hiệp định EVFTA trong quá trình đàm phán EVFTA.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo thơm sang EU sau khi tham gia Hiệp định EVFTA |
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ đầu tháng 9 đến hết tháng 10 đã có 10 doanh nghiệp nộp đơn xin chứng nhận với khối lượng khoảng 5.932 tấn gạo thơm. Kỳ vọng xuất khẩu gạo thơm sang EU trong thời gian tới sẽ lạc quan hơn vì đây là cơ hội rất lớn để gạo Việt Nam có thể cạnh tranh trên thị trường này về giá và chất lượng. Để chuẩn bị cho những bước tiến dài và chắc trong thời gian tới, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải tự xây dựng vị thế riêng để có thể nắm bắt và thực tiễn hóa cơ hội này.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các doanh nghiệp nên nghiên cứu, cải tiến công nghệ và tổ chức dây chuyền sản xuất khép kín theo các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như HACPP, HALAL hay BRC nhằm đảm bảo khả năng cung ứng các sản phẩm phù hợp với thị hiếu và yêu cầu khó tính của các thị trường tiêu dùng cao cấp như EU.
Bên cạnh đó, việc đạt được các giấy chứng nhận tự nguyện khác phổ biến tại EU sẽ giúp các thương nhân thuận lợi hơn trong việc xuất khẩu gạo sang thị trường này. Chú trọng thiết lập mối liên kết chặt chẽ giữa Cục Trồng trọt, hợp tác xã, doanh nghiệp với bà con nông dân để xác định và xây dựng các vùng chuyên canh lúa thơm, phù hợp với điều kiện thích ứng biến đổi khí hậu, sinh thái tự nhiên và khả năng đồng bộ hạ tầng. Từ đó hình thành một quy trình khép kín từ tổ chức nguyên liệu cho đến chế biến sâu: thực hiện đúng cam kết về truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, an toàn thực phẩm; đặc biệt chú ý đến bao bì, nhãn mác và kênh phân phối nội địa nơi đến khi bước vào thị trường EU.
(Theo sggp.org.vn)