Thứ Ba, 15/12/2020, 14:42 (GMT+7)
.

Chạy nước rút giải ngân đầu tư công

Những thông tin được công bố tại cuộc họp thường kỳ của Chính phủ mới đây cho thấy, ở thời điểm chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa kết thúc năm 2020, nếu không có những cú sốc bất thường thì kinh tế Việt Nam nhiều khả năng sẽ đạt mức tăng trưởng 2%-3%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân dưới ngưỡng mục tiêu 4%.

Nhà ga của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: CAO THĂNG
Nhà ga của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: CAO THĂNG

Trong bối cảnh cả nước phải căng sức phòng chống dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay, kết quả nói trên là hết sức khả quan. Đóng góp đáng kể vào thành công này là chiến lược đẩy mạnh đầu tư công cao nhất có thể. Cụ thể, trong 11 tháng qua, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 406.800 tỷ đồng, bằng 79,3% kế hoạch năm và tăng 34% so với cùng kỳ năm 2019.

Có thể thấy rõ, Chính phủ đã rất quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành với hàng loạt hội nghị, giao ban về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; cử nhiều đoàn công tác đến từng địa phương để trực tiếp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án...  

Tuy nhiên, khối lượng công việc trước mắt không nhỏ khi khoảng 200.000 tỷ đồng, tức 1/3 số vốn đầu tư công, đã phân bổ vẫn chưa giải ngân xong. Tỷ lệ này ở nguồn vốn viện trợ phát triển nước ngoài (ODA) còn thấp hơn: sau 10 tháng mới có hơn 18.000 tỷ đồng được đưa vào thực hiện, chưa bằng 1/3 tổng số vốn được giao. 

Vì thế, mới đây, Bộ Tài chính đã tiếp tục tổ chức hội nghị với các bộ ngành, địa phương, các nhà tài trợ nước ngoài về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ 11 tháng năm 2020.

Tại hội nghị, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục rà soát và làm việc cụ thể với các địa phương và các dự án có số dư tài khoản đặc biệt lớn. Đối với các dự án giải ngân theo kết quả đầu ra, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương làm việc chặt chẽ với các cơ quan chủ quản chương trình, dự án để hoàn tất thủ tục giải ngân ngay sau khi có kết quả kiểm đếm.

Đối với vốn tạm ứng đã chuyển về tài khoản của dự án tại Kho bạc Nhà nước, các chủ dự án khẩn trương giải ngân, thanh toán cho các hoạt động của dự án và gửi thông tin lại cho Bộ Tài chính…

Đối với các dự án không sử dụng hết kế hoạch vốn được giao phải đề xuất cắt giảm, Bộ Tài chính đề nghị các bộ ngành xác định cụ thể là cắt giảm của dự án nào; đồng thời trong thời gian tới cần làm rõ dự án nào hoàn toàn không giải ngân được trong năm 2020, dự án nào chỉ giải ngân được một phần; phối hợp với Bộ KH-ĐT xác định số vốn đã được phân bổ trong giai đoạn 2016-2020 và số vốn đã giải ngân thực tế, nếu thiếu vốn và còn được tiếp tục giải ngân trong các năm sau phải đề xuất đưa vào kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch vốn đầu tư năm 2021.

Mặc dù thông thường tiến độ giải ngân sẽ tăng rất mạnh trong tháng cuối năm nhưng vấn đề không chỉ là giải ngân cho hết nguồn vốn kế hoạch trong năm, mà còn phải đảm bảo hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí (cả nguồn lực lẫn cơ hội đầu tư), qua đó tạo đà phát triển cho năm 2021.

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.