Đánh thức tiềm năng du lịch nông nghiệp
Tiền Giang có nhiều tiềm năng phát triển loại hình du lịch nông nghiệp. Tuy nhiên, loại hình du lịch này ở tỉnh vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục để tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
MÔ HÌNH ĐA DẠNG
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), loại hình du lịch nông nghiệp xuất hiện ở Tiền Giang rất sớm và phát triển mạnh từ năm 1995 đến nay do có hơn 80.000 ha vườn cây ăn trái đặc sản; nhiều món ăn đặc trưng; làng nghề truyền thống; nhiều sông, kinh, rạch…
Đến nay, toàn tỉnh có 16 điểm du lịch nông nghiệp. Nhiều điểm du lịch nông nghiệp đã mang lại những trải nghiệm mới cho du khách và tạo thêm đầu ra cho nông sản. Sau khi gặp khó khăn về đầu ra do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Công ty TNHH Ca cao Xuân Ron (huyện Chợ Gạo) đã mở rộng thêm dịch vụ đón khách đến tham quan và trải nghiệm trực tiếp quy trình sản xuất socola từ hạt ca cao.
Bà Nguyễn Ngọc Điệp (Công ty TNHH Ca cao Xuân Ron) cho biết: “Tour tham quan quy trình sản xuất socola của công ty đã tạo được sự thích thú đối với du khách khi được trải nghiệm trực tiếp việc sản xuất và dùng thử sản phẩm do mình làm ra. Thời gian qua, lượng khách đến với công ty chủ yếu vào 3 ngày cuối tuần với hơn 100 khách/ngày”.
Khách tham quan trải nghiệm làm socola tại Công ty TNHH Ca cao Xuân Ron (ảnh chụp trong tháng 11). |
Du lịch nông nghiệp còn được xem là cách làm hiệu quả để quảng bá nông sản của nông dân, đơn vị. Theo bà Lê Khắc Đông Nhi, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Đông Nghi (xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành), được sự gợi ý của Sở VH-TT&DL, từ năm 2020, HTX bắt đầu đón các đoàn khách đến tham quan trang trại nuôi dê hơn 200 con của HTX.
Khách tham quan được hướng dẫn vắt sữa dê và tham quan quy trình sản xuất các sản phẩm từ sữa dê như bánh plan, yaourt tươi và sấy khô. “Mỗi ngày, HTX đón khoảng 1 đoàn khách tham quan từ 10 - 20 người. Từ hoạt động du lịch, HTX có thêm nguồn thu và có cơ hội giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu. Qua đó, HTX có thêm nhiều đơn đặt hàng từ các khách hàng ở ngoài tỉnh” - bà Nghi chia sẻ.
Du khách được trải nghiệm cuộc sống nông thôn tại Điểm du lịch Nhà Dì Sáu, xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành (ảnh chụp trong tháng 11). |
Bên cạnh các cách làm truyền thống, loại hình du lịch nông nghiệp còn cho ra đời những mô hình trải nghiệm mới như mô hình Eco-homestay giúp cho du khách trải nghiệm gần nhất với cuộc sống nông thôn. Bên cạnh sử dụng các đồ dùng, vật dụng được làm từ chất liệu tự nhiên…, du khách còn được trải nghiệm các hoạt động của làng nghề truyền thống, vùng trồng rau sạch...
KHAI THÁC NHƯ THẾ NÀO ĐỂ NÂNG CAO HIỆU QUẢ?
Thời gian qua, các mô hình du lịch nông nghiệp ở Tiền Giang đã phát huy hiệu quả lợi thế sông nước miệt vườn, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm. Cụ thể, năm 2019 tỉnh Tiền Giang đón gần 2,14 triệu lượt khách, trong đó có 850.293 lượt khách quốc tế. Tuy nhiên, thực tế du lịch nông nghiệp ở Tiền Giang vẫn chưa đáp ứng kịp theo nhu cầu phát triển. Theo ông Nguyễn Hoàng Vũ, Giám đốc Công ty Du lịch nông thôn tỉnh Tiền Giang, tuy có tiềm năng lớn, nhưng du lịch nông nghiệp ở Tiền Giang vẫn chưa thực sự bài bản để đáp ứng nhu cầu của khách tham quan, nhất là về vườn cây ăn trái thế mạnh của tỉnh. Các điểm phát triển du lịch vẫn còn cục bộ và có phần đơn điệu, chưa đáp ứng hết nhu cầu trải nghiệm, tìm hiểu của khách tham quan.
Khách tham quan thưởng thức các sản phẩm làm từ sữa dê ở HTX Nông nghiệp Đông Nghi (ảnh chụp trong tháng 11). |
Cùng với đó, các điểm du lịch nông nghiệp hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm trong việc quản lý, cũng như tiếp đón khách tham quan. Bà Nguyễn Ngọc Điệp cho biết, do nhân sự của Công ty TNHH Ca cao Xuân Ron chuyên về sản xuất nên thiếu kinh nghiệm phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó, do công ty hoạt động sâu trong vùng nguyên liệu nên không thuận tiện cho việc đón khách đến tham quan.
Theo Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Võ Phạm Tân, để du lịch nông nghiệp tiếp tục phát triển, chính quyền địa phương cần xây dựng và phổ biến các mô hình du lịch nông nghiệp tiêu biểu, phù hợp với lợi thế của các địa phương. Các doanh nghiệp du lịch nghiên cứu xây dựng tour, tuyến để khai thác sản phẩm du lịch nông nghiệp. Đồng thời, tăng cường thu hút và đào tạo phát triển nguồn nhân lực; phát triển sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường nông thôn. Nông dân địa phương phải cải tạo, chỉnh trang cơ sở vật chất phục vụ du lịch, giữ gìn cảnh quan môi trường; có thái độ ứng xử thân thiện, mến khách, tôn trọng và hỗ trợ khách du lịch.
CAO THẮNG