Nỗ lực đưa sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của Tiền Giang đến tay người tiêu dùng
Tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của Tiền Giang là một trong những hướng tiếp cận mới đã và đang được ngành Công thương phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện.
Nhiều sản phẩm được công nhận kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và rất nhiều sản phẩm mang tính đặc trưng, đặc biệt là các sản phẩm chế biến từ nông sản và thủy sản mở ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh tiếp cận với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Giới thiệu sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của Tiền Giang. |
ĐA DẠNG SẢN PHẨM
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là Chương trình OCOP - One commune one product) được UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện gần đây và đã đạt được những hiệu ứng tích cực. Nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Với 4 sản phẩm được chứng nhận OCOP, bà Trần Thị Luôn, đại diện Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Thiên Ân (huyện Gò Công Tây) cho biết, công ty đã xây dựng hoàn chỉnh quy trình nuôi cấy khép kín và chế biến các sản phẩm từ đông trùng hạ thảo.
Trong định hướng phát triển, công ty sẽ từng bước đa dạng hóa nhiều dòng sản phẩm từ nấm đông trùng sấy khô, nước uống, rượu, trà, bột dinh dưỡng. Công ty luôn xác định xây dựng nền tảng ban đầu vững chắc, đi từng bước ổn định, chú trọng về chất lượng và tập trung xây dựng quy trình an toàn thực phẩm. Nhờ đó, đến nay quy trình sản xuất của công ty đạt tiêu chuẩn ISO 2000, các dòng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, sản phẩm nông thôn tiêu biểu của tỉnh và của khu vực. “Trong tương lai, công ty tập trung củng cố sản phẩm chủ lực, đa dạng hóa các dòng sản phẩm để ngày càng tiếp cận nhiều hơn với thị trường, như cháo dinh dưỡng, bánh kết hợp với nhân sâm hay cây dược liệu…”- bà Luôn cho biết.
Với truyền thống hơn 20 năm trong nghề, bà Huỳnh Thị Thanh Vân, chủ Cơ sở Chế biến củ cải Thanh Vân cho rằng, sản phẩm của cơ sở được sản xuất theo một quy trình khép kín, được quản lý chặt chẽ ngay từ nguyên liệu đầu vào đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Ngay khâu đầu vào, cơ sở cũng thực hiện bao tiêu sản phẩm với nhà vườn, với tiêu chuẩn kỹ thuật bắt buộc và khâu sản xuất tuyệt đối không sử dụng hóa chất. Đây là sản phẩm truyền thống, quy trình sản xuất được cải tiến dần, hướng đến hoàn thiện tốt nhất quy trình sản xuất từ khâu đầu vào đến đầu ra để tiếp cận ngày càng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng không chỉ nội địa, mà còn theo hướng xuất khẩu.
TẬP TRUNG CHẤT LƯỢNG
Nâng cao chất lượng là một trong những mục tiêu quan trọng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Điều này nhằm hướng đến mục tiêu sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững và an toàn thực phẩm. Đề cập đến vấn đề này, bà Huỳnh Thị Vẹn, chủ Cơ sở Sản xuất mắm Bà Hai Một, với truyền thống sản xuất nhiều năm, sản phẩm của cơ sở cũng được xem là một trong những đặc sản của Gò Công nói riêng và Tiền Giang nói chung. Hiện nay, sản phẩm của cơ sở đã đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và đang thực hiện các bước thủ tục để được đánh giá, xếp hạng OCOP. “Tất nhiên, trong sản xuất, kinh doanh ai cũng mong muốn mở rộng thị trường tiêu thụ để sản phẩm đến được với người tiêu dùng trong và ngoài nước”- bà Vẹn cho biết.
Hàng nông sản và thủy sản chế biến cũng là một trong những lợi thế của Tiền Giang và đang được các doanh nghiệp, hợp tác xã hướng đến. Bà Nguyễn Thị Minh Thy, đại diện Công ty TNHH Sản xuất TMDV Bắc Mỹ Thuận (huyện Cái Bè) chuyên chế biến các sản phẩm từ trái cây, cho biết công ty đang triển khai thực hiện các thủ tục để sản phẩm được chứng nhận OCOP. Hiện nay, công ty đang tập trung nâng cao chất lượng một cách tốt nhất có thể, theo hướng không sử dụng chất bảo quản, ít đường và hướng đến không sử dụng các hương liệu, phẩm màu; đồng thời, cải tiến mẫu mã, bao bì theo hướng thân thiện với môi trường.
Hiện nay, sản phẩm của công ty còn tương đối mới mẻ với người tiêu dùng nên chủ yếu tập trung khai thác thị trường trong nước và tiếp cận dần với thị trường xuất khẩu thông qua hình thức gia công sản phẩm cho một số đơn vị nhưng số lượng vẫn còn khiêm tốn. “Chúng tôi đang tập trung đầu tư xây dựng nhà xưởng, nâng cao chất lượng sản phẩm đúng chuẩn OCOP để phục vụ tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng”- bà Thy cho biết.
Bên cạnh tập trung nâng cao chất lượng, việc tập trung quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ cũng được các doanh nghiệp hướng đến. Ông Trần Tuấn Anh, đại diện Công ty TNHH MTV Rau củ quả Minh Long cho rằng, hiện nay các mặt hàng của công ty đã có mặt ở các siêu thị, trung tâm thương mại ở TP. Mỹ Tho, tỉnh Bến Tre, một số bếp ăn công nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Trong thời gian tới, công ty cũng chuẩn bị mở rộng thêm một số cơ sở sản xuất, đẩy mạnh cung ứng vào một số bếp ăn công nghiệp ở một số tỉnh, thành. Đồng thời, công ty cũng từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua kiểm soát chặt đầu vào và khâu sơ chế…
Với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất và thông qua việc tổ chức Điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của tỉnh Tiền Giang, không chỉ riêng Sở Công thương mà tất cả các cơ quan, ban, ngành chức năng của tỉnh hy vọng mở ra một hướng đi mới hiệu quả trong việc quảng bá các sản phẩm đặc trưng của Tiền Giang trong thời gian tới.
T.T