Hiệu quả từ liên kết tiêu thụ sản phẩm
Trước xu thế diện tích sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do chuyển sang đất phi nông nghiệp, lao động nông nghiệp ngày càng thiếu, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền giang đã khuyến khích các hộ nông dân, tổ chức, doanh nghiệp… tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp hàng hóa thông qua các phương thức sản xuất mới, nhất là liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Huyện cũng đã xây dựng và phát triển được một số chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả.
Các HTX, tổ hợp tác và nghiệp đoàn khai thác liên kết chặt chẽ với các tàu hậu cần đánh bắt hải sản để cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá và tiêu thụ sản phẩm. |
Điển hình, trung bình hằng năm, trên địa bàn huyện Gò Công Đông xây dựng khoảng 22 lượt Cánh đồng lớn với tổng diện tích 2.228 ha. Trong năm 2020, có 1 công ty, 1 hợp tác xã (HTX) và 4 thương lái ở địa phương tham gia liên kết thực hiện 14 lượt Cánh đồng lớn tại 7 xã của huyện, với tổng diện tích 1.372 ha (chỉ sản xuất 2 vụ), phương thức liên kết chủ yếu là đầu tư giống - thu mua lúa. Hợp đồng tiêu thụ lúa theo giá thị trường hoặc giá cố định tùy theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp và nông dân.
Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện có 3 HTX nông nghiệp sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực rau màu (HTX Rau an toàn Tân Đông, HTX Rau an toàn Bình Nghị, HTX DVNN Tân Tây) cùng Tổ hợp tác Rau an toàn Xóm Đen (xã Bình Ân) ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm của nông dân cung cấp cho các siêu thị, chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh như: Công ty CPTM Bách Hóa Xanh, Saigon Co.op, Công ty Ống thép dầu khí, Công ty DVTM Mỹ Châu…
Ngoài ra, HTX Thương mại - Dịch vụ nông nghiệp Tân Tây đã ký kết với các công ty chuyên xuất khẩu nông sản ở TP. Hồ Chí Minh đối với sản phẩm ớt để xuất sang thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia… và được thị trường các nước này ưa chuộng. Hiện tại, HTX đang tập trung đáp ứng các điều kiện để cung ứng các mặt hàng rau màu khác.
Song song đó, triển khai thực hiện Đề án “Phát triển cây thanh long tỉnh Tiền Giang đến năm 2025”, huyện đã thành lập HTX Thanh long Kiểng Phước, qua đó hỗ trợ HTX áp dụng quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Thanh long Kiểng Phước cũng đã được cấp mã số vùng trồng.
Còn cây sơ ri trên địa bàn huyện có khoảng 252 ha, đã hình thành vùng trồng tập trung tại các xã Tân Đông, Tây Tây, Bình Nghị, Bình Ân, Kiểng Phước (với diện tích khoảng 175 ha). Trái sơ ri của huyện đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Hiện có 2 HTX sản xuất và chế biến sản phẩm từ sơ ri là HTX Sơ ri Bình Ân và HTX Sơ ri Gò Công làm đầu mối tiêu thụ sơ ri cho nông dân…
Đặc biệt, toàn huyện Gò Công Đông đã hình thành được 26 tổ hợp tác, 2 HTX và 2 nghiệp đoàn khai thác hải sản. Các tổ hợp tác, HTX và nghiệp đoàn này liên kết chặt chẽ với các tàu hậu cần đánh bắt hải sản để cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá và thu mua, tiêu thụ, vận chuyển phân phối hải sản đánh bắt được.
Hiện nay, tỉnh Tiền Giang đang hỗ trợ huyện tập trung đầu tư xây dựng Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá ở cửa sông Soài Rạp kết hợp Cảng cá Vàm Láng nhằm tạo ra khu phức hợp phục vụ nghề truyền thống đánh bắt hải sản địa phương phát triển ổn định và vững chắc.
LÊ HỒNG QUÂN