Phát triển các mô hình sản xuất "thông minh"
Thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang đã tập trung làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quán triệt tư tưởng trong cán bộ từ huyện đến cơ sở, tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về công tác giảm nghèo.
Theo đó, huyện đề ra nhiều giải pháp thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững. Trong đó, tập trung phát triển các mô hình sản xuất “thông minh”, thích ứng biến đổi khí hậu, tăng thu nhập cho người dân.
MÔ HÌNH TÔM - LÚA
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Bùi Thái Sơn cho biết: “Các ban, ngành huyện luôn khuyến cáo, tuyên truyền, vận động người dân chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, luân canh trồng lúa kết hợp nuôi tôm là mô hình sáng tạo, bởi mô hình này thích ứng với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn mà huyện đã và đang triển khai thực hiện. Trên địa bàn huyện hiện có gần 200 ha nuôi trồng theo mô hình tôm - lúa, chủ yếu tập trung ở xã Phú Tân. Mục đích sản xuất “lúa thơm, tôm sạch”, đảm bảo lợi ích, sức khỏe người tiêu dùng đã và đang được Tân Phú Đông hướng đến”.
Mô hình nuôi tôm - lúa của gia đình bà Nguyễn Thị Nhành, ở ấp Phú Hữu, xã Phú Tân. |
Thật vậy, huyện Tân Phú Đông vừa được Công ty TNHH Thương mại HK hỗ trợ người dân trồng xen giống lúa VD20 (gạo VD20 đã được chứng nhận OCOP, xếp hạng 3 sao) trong ao tôm. Ông Châu Minh Hải, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại HK cho biết: “Công ty HK hiện đã triển khai cho nông dân trồng lúa hữu cơ VD20 ở 5 địa phương của tỉnh Tiền Giang, với diện tích trên 500 ha; đồng thời, sản xuất gạo VD20. Công ty đang tiến hành đăng ký thương hiệu sản xuất lúa hữu cơ. Việc sản xuất lúa chất lượng đồng nghĩa với việc sử dụng ít phân bón. Điều này cũng có ý nghĩa quan trọng đối với việc nuôi tôm của người dân. Con tôm vì thế cũng sạch, không có kháng sinh, chất lượng cao. Công ty sẽ hỗ trợ giống lúa VD20, quy trình sản xuất và bao tiêu sản phẩm gạo cho bà con”.
"Ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và chăn nuôi là xu thế phát triển. Đối với ngành Nông nghiệp huyện Tân Phú Đông, việc thực hiện nuôi trồng theo mô hình tôm - lúa và nuôi tôm công nghệ cao tạo ra bước phát triển mới, triển vọng cho huyện. Trước tình hình biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, người dân cần lắng nghe những khuyến cáo, thông tin của cơ quan chức năng về vấn đề hạn, mặn để có thể bố trí sản xuất hợp lý. Chính người nông dân sẽ đúc kết kinh nghiệm qua từng vụ mùa sản xuất. Tình hình hạn, mặn năm 2020 là kinh nghiệm lớn để huyện đề ra những giải pháp thực hiện tốt việc nuôi trồng thủy, hải sản nhằm nâng cao đời sống nhân dân trong năm 2021 và những năm tiếp theo". BÍ THƯ HUYỆN ỦY, CHỦ TỊCH UBND HUYỆN TÂN PHÚ ĐÔNG BÙI THÁI SƠN |
Gia đình bà Nguyễn Thị Nhành, ở ấp Phú Hữu, xã Phú Tân đang trồng hơn 1,5 ha lúa VD20 trong ao tôm. Bà Nhành phấn khởi cho biết: “Trước đây gia đình cũng có trồng lúa trong ao tôm, chủ yếu là các giống lúa thường, phải phun xịt thuốc bảo vệ thực vật rất nhiều. Từ khi được Công ty HK hỗ trợ giống, quy trình sản xuất trồng lúa VD20, tôi không phải dùng thuốc bảo vệ thực vật nên không ảnh hưởng đến việc nuôi tôm. Bên cạnh đó, tỷ lệ bón phân vi lượng cũng giảm. Việc bón phân vi lượng có thể giúp tạo nguồn thức ăn cho tôm. Từ đó, chi phí phân, thuốc, công lao động giảm đáng kể, chất lượng lúa đạt rất cao. Với 1,5 ha lúa 1 vụ/năm có thể cho thu nhập thêm gần 30 triệu đồng”.
Bí thư Đảng ủy xã Phú Tân Nguyễn Trung Hòa cho biết: “Ngoài gần 200 ha nuôi tôm theo mô hình tôm - lúa, thì tại xã Phú Tân còn có hàng trăm ha nuôi tôm quảng canh. Để tăng thêm thu nhập, bà con nuôi tôm còn trồng xen thêm 1 vụ lúa. Mô hình tôm - lúa giúp hạn chế sử dụng hóa chất độc hại, sử dụng tài nguyên nước hợp lý theo từng thời điểm và mùa trong năm, thích ứng với điều kiện tự nhiên, thời tiết khí tượng thủy văn, tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp với sản xuất nông nghiệp, từ đó nâng cao giá trị hàng hóa. Ngoài ra, mô hình này giải quyết được vấn đề ô nhiễm nguồn nước, lão hóa vùng nuôi tôm, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh, tạo điều kiện giúp nghề nuôi tôm phát triển bền vững”.
NUÔI TÔM CÔNG NGHỆ CAO
Nhằm ứng phó cũng như thích nghi với biến đổi khí hậu để tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế của địa phương, huyện Tân Phú Đông đã quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt là mô hình nuôi tôm công nghệ cao, góp phần nâng cao hiệu quả, giá trị canh tác.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Tuấn Hiền, xã Phú Tân. |
Tạo ra môi trường ao nuôi ổn định, giúp thủy sản nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế tối đa những tác động bất thường của thời tiết, thiên tai, dịch bệnh, có thể giúp tăng mùa vụ nuôi tôm trong năm. Sản phẩm tôm sạch, nhanh lớn, không sử dụng hóa chất kháng sinh, bền vững, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu… Đó là những kết quả khả quan mà mô hình nuôi tôm trong ao bạt công nghệ cao của Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Tuấn Hiền (xã Phú Tân) đạt được trong hơn 3 năm qua.
Ông Ngô Minh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Tuấn Hiền cho biết: “Nuôi tôm công nghệ cao là một mô hình giúp tăng năng suất sản phẩm nhờ kiểm soát toàn bộ chu trình nuôi. Thông qua các công nghệ cho ăn tự động, ứng dụng công nghệ để kiểm soát các chỉ tiêu môi trường nước. Hệ thống công trình nuôi được sắp xếp, bố trí hợp lý, liên hoàn từ hệ thống ao nuôi, ao lắng, trữ nước, ao chứa chất thải và hệ thống xử lý chất thải. Công ty đang có 80% diện tích nước trong ao lắng, ao chứa, ao sẵn sàng và ao xử lý nước thải, còn 20% là ao nuôi”.
Ông Ngô Minh Tuấn khuyến cáo: “Với môi trường, thời tiết ngày càng khắc nghiệt, người nuôi tôm cần chủ động thực hiện các giải pháp như có thể chia tôm nuôi thành 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn khoảng 30 ngày, thả tôm giảm mật độ theo từng giai đoạn để quản lý được môi trường hoặc có thể làm ao nhỏ lại để dễ quản lý nhằm hạn chế rủi ro”.
***
Có thể thấy, những mô hình thích ứng biến đổi khí hậu, giúp người dân phát triển kinh tế là những nhân tố quan trọng góp phần từng bước hiện thực hóa quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Đồng thời, từng bước thực hiện mục tiêu nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Tân Phú Đông là đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, đưa Tân Phú Đông phát triển nhanh và bền vững.
PHƯƠNG MAI