Thứ Sáu, 04/12/2020, 21:00 (GMT+7)
.

Kích cầu phát triển thương mại điện tử

Người tiêu dùng trải nghiệm công nghệ số và thương mại điện tử trong chương trình Online Friday.
Người tiêu dùng trải nghiệm công nghệ số và thương mại điện tử trong chương trình Online Friday.

Sự kiện bùng nổ của Ngày hội mua sắm trực tuyến Việt Nam (Online Friday) 2020 - “60 giờ mua sắm trực tuyến Việt Nam” sẽ diễn ra từ 0 giờ ngày 4-12 tới hết 12 giờ ngày 6-12, hứa hẹn mang tới người tiêu dùng hàng chục nghìn sản phẩm khuyến mãi hấp dẫn.

Trong bối cảnh thương mại điện tử (TMĐT) phần nào sụt giảm do tác động từ dịch Covid - 19, Online Friday 2020 được kỳ vọng sẽ không chỉ giúp người tiêu dùng sở hữu những món hàng chất lượng cao với giá cả phải chăng, giúp các doanh nghiệp tham gia hợp tác mở rộng cơ hội kinh doanh, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của TMĐT nói riêng và nền kinh tế cả nước nói chung.

Đáp ứng trọn vẹn nhu cầu mua sắm

Online Friday là chương trình mua sắm trực tuyến lớn nhất Việt Nam do Chính phủ giao Bộ Công thương chủ trì, Cục TMĐT và Kinh tế số tổ chức thường niên từ năm 2014 đến nay nhằm mang lại những lợi ích thiết thực cho cả người tiêu dùng và cộng đồng doanh nghiệp từ nhà sản xuất, nhà phân phối đến các đơn vị cung ứng dịch vụ hạ tầng cho TMĐT.

Qua sáu năm tổ chức, chương trình đã đạt được những thành công nhất định. Nếu năm 2014, tổng doanh số bán hàng của các doanh nghiệp tham gia Online Friday chỉ đạt khoảng 160 tỷ đồng thì đến năm 2019, chỉ trong 24 giờ vàng mua sắm, tổng doanh thu bán hàng của 3.840 doanh nghiệp tham gia đã đạt 2.500 tỷ đồng với khoảng ba triệu đơn hàng thành công. Có thể thấy, tác động thúc đẩy sự phát triển của TMĐT từ chương trình là rất đáng kể. 

Cục trưởng TMĐT và Kinh tế số Đặng Hoàng Hải cho biết, Online Friday 2020 sẽ được tổ chức khác biệt, hoàn toàn trực tuyến thông qua 12 nền tảng số, trang tin, ứng dụng hay mạng xã hội khác nhau như Facebook, TikTok hay các báo điện tử. Đây cũng là lần đầu Ban Tổ chức triển khai Voucher (phiếu giảm giá) chung thống nhất trên toàn quốc theo mã #OnlineFriday2020 hoặc #MuasamVietNam. Các doanh nghiệp sẽ thực hiện chương trình khuyến mại, giảm giá theo hai mã Voucher này và người tiêu dùng chỉ cần nhập mã ở bất kỳ đâu, trên bất kỳ trang điện tử nào đều được hưởng những ưu đãi giảm giá lên tới 100%. 

Bên cạnh đó, tính đến thời điểm hiện tại, Online Friday 2020 đã nhận được sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp như VNPost, Viettel Post, Napas, VnPay, Viettel Pay,… với tổng trị giá hỗ trợ tới 30 tỷ đồng. Cụ thể, các doanh nghiệp chuyển phát như VNPost, Viettel Post đã cam kết hỗ trợ chuyển phát với số lượng tới bốn triệu đơn hàng; các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng thanh toán như Napas, VnPay, Viettel Pay,… cũng triển khai các chương trình trợ giá, hoàn tiền cho khách hàng giao dịch qua phương thức điện tử.

Đặc biệt, nhiều giải thưởng và món quà giá trị sẽ được gửi tới khách hàng trong suốt thời gian diễn ra chương trình thông qua các tương tác trên ứng dụng Online Friday chính thức. Với sự chuẩn bị như vậy, Ban Tổ chức kỳ vọng sự góp mặt của hơn 10 nghìn trang điện tử, doanh nghiệp, thương nhân, thuộc đa dạng ngành hàng và lĩnh vực, hứa hẹn mang tới hàng triệu chủng loại sản phẩm khác nhau. Online Friday 2020 chắc chắn sẽ đáp ứng trọn vẹn nhu cầu mua sắm của người dân cả nước.

Hoàn thiện khung pháp lý

TMĐT Việt Nam hiện là một trong những thị trường phát triển năng động nhất trong khu vực. Doanh số TMĐT bán lẻ B2C (doanh nghiệp đến khách hàng) năm 2019 đạt khoảng 10,08 tỷ USD, chiếm 4,9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước; tỷ lệ dân số tham gia mua sắm trực tuyến đạt 42%.

Với mức tăng trưởng ổn định như vậy, doanh thu bán lẻ trực tuyến năm 2020 đã từng được dự tính đạt 13,6 tỷ USD. Tuy nhiên, do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng doanh thu TMĐT trong sáu tháng đầu năm 2020 đã giảm khoảng 6% so cùng kỳ năm 2019 dù số lượng giao dịch tăng 25% (do các mặt hàng giao dịch TMĐT giai đoạn Covid-19 có giá trị thấp). Dự báo, với kịch bản dịch bệnh được kiểm soát như hiện nay, tốc độ tăng trưởng TMĐT về doanh thu trong quý IV sẽ đạt 20%, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ cả năm đạt 12 tỷ USD.

Về phát triển TMĐT trong thời gian tới, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến; doanh số TMĐT B2C tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng;… Để đạt được mục tiêu đề ra, cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó quan trọng nhất cần sớm hoàn thiện khung khổ pháp luật cho TMĐT.

Hiện nay, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP (Nghị định 52) là công cụ pháp lý quan trọng đối với TMĐT. Nhưng theo các chuyên gia, sự phát triển của TMĐT đến nay đã phát sinh không ít vấn đề mới, dẫn tới yêu cầu sửa đổi Nghị định 52. Đó là vấn nạn hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng kém chất lượng trên môi trường điện tử.

Thực tế hiện nay, các sàn giao dịch TMĐT chính là nơi vấn nạn hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được phản ánh rõ nét nhất. Mặt khác, hoạt động TMĐT trên mạng xã hội cũng đang bùng nổ và khó kiểm soát. Để phù hợp với thực tiễn, cần có những yêu cầu cụ thể đối với đơn vị quản lý mạng xã hội có tính năng như sàn giao dịch TMĐT trong văn bản ở mức nghị định thay vì ở thông tư như hiện nay.

Ngoài ra, còn có khó khăn trong quản lý hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài. Hiện, người bán nước ngoài trên các sàn TMĐT Việt Nam đang gia tăng về số lượng. Thực tiễn này đặt ra yêu cầu cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động phân phối trong TMĐT, bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch trực tuyến.

Được biết, Bộ Công thương đã nghiên cứu, lập dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52. Nghị định dự kiến sẽ điều chỉnh những vấn đề lớn cùng quan điểm xây dựng như sau: Thứ nhất, tiếp tục khuyến khích TMĐT, xem xét bổ sung một số biện pháp quản lý với đối tượng mới (mạng xã hội, thương nhân có yếu tố nước ngoài).

Thứ hai, mở rộng đối tượng áp dụng, bao trùm cả thương nhân, tổ chức nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam nhưng phát sinh doanh thu từ TMĐT trên lãnh thổ Việt Nam.

Thứ ba, quy định chặt chẽ hơn về những thông tin bắt buộc phải có khi bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT, tăng trách nhiệm của chủ sàn trong việc gỡ bỏ thông tin hàng hóa vi phạm; bổ sung quy định riêng với mạng xã hội có hoạt động giao dịch TMĐT.

Thứ tư, sửa đổi, bổ sung theo hướng siết chặt quản lý như đối với thương nhân nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam; kiểm soát hoạt động đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực TMĐT là phù hợp với thực tiễn hiện nay, bảo đảm an ninh quốc gia, cam kết quốc tế và Luật Đầu tư (sửa đổi).

Hy vọng khi nghị định mới được ban hành sẽ giúp cho TMĐT của Việt Nam phát triển nhanh và bền vững hơn, mang lại thêm nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp.

Kích hoạt “60 giờ mua sắm trực tuyến Việt Nam”

Tối 3-12, Bộ Công thương tổ chức chương trình kích hoạt sự kiện “60 giờ mua sắm trực tuyến Việt Nam” trong khuôn khổ Online Friday 2020. Được kỳ vọng là ngày hội mua sắm đúng nghĩa dịp cuối năm, chương trình mang tới hàng trăm nghìn voucher (phiếu giảm giá) hấp dẫn dành tặng khán giả với ba loại voucher chính: Ngôi sao, Đồng hành và Mua sắm Việt Nam. Người tiêu dùng có thể “săn voucher” trên các nền tảng của Online Friday cũng như từ các trang điện tử đối tác và người có ảnh hưởng trên mạng xã hội. Với các voucher săn được, người tiêu dùng có thể sử dụng từ 0 giờ ngày 4-12 tới 12 giờ ngày 6-12 để mua sắm các sản phẩm với ưu đãi có thể lên tới 100%.


(Theo https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/kich-cau-phat-trien-thuong-mai-dien-tu-626889/)


 

.
.
.