Ngành thủ công mỹ nghệ phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 5 tỷ USD vào năm 2025
Hiện nay, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam mới chỉ chiếm hơn 2% so với nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này. |
Tiêu dùng hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) rất lớn, có tổng giá trị hơn 100 tỷ USD, nhưng Việt Nam mới chỉ chiếm hơn 2%. Để gia tăng thị phần xuất khẩu, việc tập trung nâng cao năng lực xuất khẩu (XK) chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu ngành gắn với xúc tiến thương mại là những yêu cầu cần đặt ra.
Kim ngạch xuất khẩu tăng trung bình 9,5%/năm
Theo báo cáo từ Bộ Công thương, kim ngạch XK hàng TCMN Việt Nam giai đoạn 2015 - 2019 tăng trung bình 9,5%/năm, từ 1,62 tỷ USD (2015) lên đến 2,23 tỷ USD (2019). Thị trường Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất cho các sản phẩm TCMN Việt Nam (với doanh số chiếm 35% kim ngạch XK hằng năm), bên cạnh đó là các thị trường như: Nhật Bản, EU (đặc biệt là Đức, Anh, Pháp, Hà Lan…), Australia, Hàn Quốc…
Hàng TCMN XK chủ yếu bao gồm năm nhóm: Túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù; đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận; hàng gốm sứ; sản phẩm mây, tre, cói, thảm; gỗ mỹ nghệ. Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng thời trang, quà tặng đã được XK tại chỗ thông qua việc phục vụ nhu cầu mua sắm của khách nước ngoài đến Việt Nam, hiện chiếm khoảng 15% tổng chi tiêu - khoảng 15 USD/khách. Tuy nhiên, thị trường XK tại chỗ của Việt Nam thời gian qua chưa được chú trọng một cách chiến lược.
Theo thống kê của Hiệp hội XK hàng TCMN Việt Nam, cứ một triệu USD XK của ngành TCMN mang lại lợi nhuận gấp 5 - 10 lần so với ngành khai thác; giải quyết việc làm từ ba nghìn đến năm nghìn lao động, nhóm hàng TCMN được xếp vào nhóm sản phẩm có tiềm năng XK lớn và có tỷ suất lợi nhuận cao. Ngoài ra, kim ngạch XK của mặt hàng này mang lại giá trị gia tăng lớn và được coi là ngành hàng mũi nhọn để tập trung phát triển XK trong các năm tới.
Cần trang bị những nền tảng cơ bản theo yêu cầu thị trường
Những cơ hội lớn mở ra từ các hiệp định CPTPP và EVFTA đối với ngành hàng này, trong khi Việt Nam đang nổi lên là một điểm đến an toàn sau thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát dịch bệnh.
Ông Filip Graovac, Phó Trưởng đại diện Quỹ châu Á tại Việt Nam, nhận định: Việt Nam có tiềm năng XK hàng TCMN và nông sản, có những sản phẩm tốt và những nhà sản xuất có trách nhiệm. Vấn đề là làm sao để thể hiện được những yếu tố này với người mua ngoài biên giới.
Người tiêu dùng cũng ngày càng quan tâm hơn về các vấn đề liên quan đến môi trường và xã hội, trong đó đặc biệt là các vấn đề liên quan đến nguồn gốc và tính hợp pháp của nguyên liệu sử dụng, các vấn đề liên quan đến các tập quán lao động, an toàn và sức khỏe của công nhân, sản xuất sạch - thân thiện với môi trường… Các sản phẩm TCMN sử dụng nguyên liệu tận dụng và tái chế và kênh thị trường thương mại bình đẳng được dự báo sẽ ngày càng được phát triển. Tuy nhiên, ông Filip Graovac nhận định, người Việt Nam áp dụng chưa tốt truy xuất nguồn gốc hàng hóa dù khá nhạy bén trong kinh doanh.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội XK hàng TCMN Việt Nam (VIETCRAFT), nhận định: Truy xuất nguồn gốc đang thách thức tăng trưởng của toàn ngành TCMN với khoảng 1,5 triệu lao động và mang lại giá trị kim ngạch XK đạt khoảng 1,7 tỷ USD/năm.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, dù có tiềm năng tăng trưởng rất lớn, song ngành TCMN của Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề tồn tại. Theo đó, việc phát triển sản xuất cũng còn nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị; hạn chế về đào tạo kỹ thuật cơ bản, ý tưởng thiết kế sáng tạo và phát triển sản phẩm mới. Đặc biệt yêu cầu hợp chuẩn quốc tế ngày càng tăng, trong khi số doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn, hợp chuẩn còn rất ít.
Mặc dù, TCMN không phải là ngành hàng thiết yếu nhưng trong một xã hội phát triển, nhu cầu hàng trang trí đóng vai trò ngày càng cao. Tiêu dùng hàng TCMN rất lớn, hơn 100 tỷ USD, nhưng Việt Nam mới chỉ chiếm hơn 2%. Do đó dư địa phát triển cho ngành hàng này là rất lớn. Để nắm bắt cơ hội thị trường, ông Lê Bá Ngọc khuyến nghị các doanh nghiệp cần trang bị những nền tảng cơ bản theo yêu cầu thị trường, trong đó, có truy xuất nguồn gốc.
Tiến trình sự hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đang mở ra rất nhiều cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp TCMN của Việt Nam. Do đó, để ngành hàng TCMN Việt Nam có thể mạnh mẽ vươn ra thế giới, ngành TCMN cần xác định dịnh hướng chiến lược XK hàng TCMN giai đoạn 2021 – 2025.
Bộ Công thương cho biết, trong thời gian tới sẽ tập trung nâng cao năng lực XK chuỗi giá trị hàng TCMN Việt Nam trên cơ sở tập trung vào các nhóm mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, gia tăng giá trị sản phẩm, tăng cường hợp chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng được nhiều phân khúc thị trường khác nhau, trong đó tập trung vào phân khúc thị trường trung và cao cấp. Tăng cường tính gắn kết ngành và xây dựng thương hiệu ngành gắn với xúc tiến thương mại, phát triển bền vững nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh trên bình diện khu vực – phấn đấu đạt kim ngạch XK năm tỷ USD vào năm 2025.
Để phát triển bền vững ngành TCMN cần nâng cao giá trị thương mại của sản phẩm và phát triển thị trường XK bảo đảm đầu ra ổn định cho các mặt hàng này. Đây cũng là định hướng mà Bộ Công thương đã chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình triển khai Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương nhằm hỗ trợ phát triển các ngành hàng XK trong đó có ngành TCMN và các dự án hợp tác quốc tế. |
Theo nhandan.com.vn