.

Thu nhập khá từ trồng sen lấy ngó

Cập nhật: 09:00, 12/12/2020 (GMT+7)

Sau nhiều năm trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế gia đình, cuối cùng chị Nguyễn Thị Lẹ (ấp Hậu Phú 1, xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) đã bén duyên với nghề trồng sen lấy ngó. Nhờ tính cần cù, ham học hỏi, nghề trồng sen lấy ngó đã mang lại cho chị thu nhập khá, ổn định cuộc sống.

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất quanh năm trồng lúa của xã Hậu Mỹ Bắc A, chị Lẹ lúc nào cũng đau đáu trước cảnh “mất mùa, được giá” của nông dân trồng lúa. Chị và chồng đã tìm hiểu rất nhiều mô hình từ trồng trọt đến chăn nuôi nhưng vẫn không thấy mô hình nào phù hợp, hiệu quả.

Chị Lẹ thu hoạch ngó sen.
Chị Lẹ thu hoạch ngó sen.

Mãi đến năm 2019, tình cờ chị được một người bạn ở tỉnh Long An giới thiệu mô hình trồng sen lấy ngó. Thế là chị và chồng quyết định mua sen về trồng thử trên 7 công đất lúa của gia đình. Chị Lẹ cho biết, trồng sen không khó, chỉ cần cải tạo đất ruộng cho tơi xốp, bón phân tổng hợp, các cây sen trồng cách nhau khoảng 3 m; mặt ao lúc nào cũng giữ đủ nước. Người trồng phải thường xuyên làm cỏ, tuyệt đối không phun thuốc diệt cỏ.

Cây sen rất phù hợp với vùng đất này, ít bị nhiễm bệnh, thời gian từ khi trồng đến thu hoạch ngó chỉ khoảng 2 tháng, chi phí đầu tư thấp, khoảng 3 triệu đồng/ha. Đất đã không phụ người, các cây sen nhà chị đã phát triển rất tốt. Trung bình mỗi ngày chị Lẹ thu hoạch khoảng 30 kg ngó sen, bán với giá 30 - 45 ngàn/kg, trừ chi phí còn lãi từ 500 đến 600 ngàn đồng. Tính bình quân mỗi tháng, chị Lẹ thu nhập từ bán ngó sen trên 10 triệu đồng. Nhờ thu nhập khá từ trồng sen đã giúp gia đình chị cải thiện cuộc sống. “Nghề trồng sen tuy thu nhập khá, nhưng khâu thu hoạch cũng lắm vất vả. Người trồng sen phải quan sát kỹ, khi mầm sen nhú lên khoảng 30 cm là thu hoạch, không để nhô quá cao” - chị Lẹ chia sẻ.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hậu Mỹ Bắc A Nguyễn Thị Reo cho biết, mô hình trồng sen lấy ngó của chị Lẹ đã mang lại thu nhập khá, giúp gia đình chị cải thiện đời sống, nuôi các con ăn học. Bản thân chị Lẹ là gương phụ nữ tiêu biểu của xã. Chị Lẹ quản lý 4 tổ góp vốn xoay vòng, 1 tổ heo đất, hướng dẫn, giúp đỡ khoảng 150 phụ nữ trên địa bàn xã phát triển kinh tế.                             

PHƯƠNG PHƯƠNG

.
.
.