Bộ Công thương: Hàng hóa rất nhiều, không sợ thiếu
Triển khai cấp bách các nhiệm vụ phòng, chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán, Bộ Công thương báo cáo, hiện nguồn cung các mặt hàng rau, củ, quả, gạo, mì, thịt, gia vị… trong hệ thống các siêu thị với số lượng nhiều, giá được niêm yết rõ ràng, đầy đủ và ổn định, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chủ trì cuộc họp cấp bách ứng phó dịch Covid-19 trong tình hình mới chiều 28-1 |
Chiều 28-1, Bộ Công thương tổ chức cuộc họp khẩn với các địa phương và các đơn vị liên quan để triển khai nhiệm vụ cấp bách ứng phó với dịch Covid-19 tái phát, đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa trong dịp Tết Tân Sửu và tình hình mới, do Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh chủ trì.
Tham dự cuộc họp có các lãnh đạo của Vụ Kế hoạch, Vụ Thị trường trong nước, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Cục Xuất nhập khẩu...
Tại cuộc họp này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh yêu cầu các đơn vị trong Bộ Công thương phải bắt tay ngay vào triển khai đảm bảo cung ứng hàng hóa trong các khu bị phong tỏa, các khu vực cửa khẩu cũng như kiểm soát thị trường. “Đặc biệt, phải phát hành ngay chỉ thị về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, tại các chợ và siêu thị, hiện nay hàng hóa đang ăm ắp, không lo thiếu |
Trước tình hình dịch đang tái phát, Bộ Công thương đã chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp chủ động ứng phó với các tình huống diễn biến mới, có phương án điều tiết nguồn hàng từ các nhà cung cấp, các vùng sản xuất, tăng lượng cung ứng cho địa bàn các tỉnh, thành phố có dịch bệnh, cần cách ly hoặc giãn cách xã hội. Trong mọi tình huống đều phải đảm bảo cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu, không để xảy ra tình trạng xáo trộn đời sống của nhân dân.
Qua cập nhật báo cáo, các doanh nghiệp phân phối đã dự báo được nhu cầu của người dân đối với hàng hóa sẽ tăng nên đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn cung để đáp ứng nhu cầu của người dân. Hiện nguồn cung các mặt hàng rau, củ, quả, gạo, mì, thịt, gia vị… đang được cung cấp, bày bán trong hệ thống các siêu thị với số lượng nhiều, giá được niêm yết rõ ràng, đầy đủ và ổn định, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá.
Tại cuộc họp, các địa phương báo cáo, hàng hóa rất dồi dào, không sợ thiếu |
Cùng ngày 28-1, Bộ Công thương có văn bản gửi sở công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị triển khai “Bản đồ chung sống an toàn với dịch Covid-19”.
Trước đó, nhằm thực hiện Quyết định 2225 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 ban hành “Hướng dẫn phòng, chống, đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng”, Bộ Công thương đã ban hành công văn số 10087 gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc triển khai công tác đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 và công văn số 10218 về việc trển khai “Bản đồ chung sống an toàn với dịch Covid-19”.
Theo Bộ Công thương báo cáo, tính đến chiều 28-1, đã có 41 tỉnh có báo cáo cung cấp thông tin về trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng.
Danh sách gồm: Hải Phòng, Ninh Bình, Quảng Ninh, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Nam, Gia Lai, Lâm Đồng, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, Cần Thơ, Trà Vinh, Tây Ninh, Sóc Trăng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hà Nội, Thanh Hóa, Cao Bằng, Đồng Nai, Lai Châu, Bắc Giang, Nam Định, Sơn La, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Hải Dương, Quảng Bình, Nghệ An, Hậu Giang, Lạng Sơn, Hòa Bình, Tiền Giang, Thái Bình, Cà Mau, An Giang, Hà Giang, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Điện Biên.
Trong đó, có 12 tỉnh (Lào Cai, Yên Bái, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bắc Kạn, Đồng Nai, Quảng Bình, Hải Dương, Tiền Giang, Cà Mau, An Giang, Phú Thọ) đã cập nhật thông tin tương đối đầy đủ theo yêu cầu của Bộ Y tế.
Còn 29/41 tỉnh còn lại vẫn thiếu nhiều thông tin liên hệ (điện thoại, email, tên đầu mối liên hệ).
Có 19/41 tỉnh thiếu dữ liệu về nhà hàng: Ninh Bình, Quảng Ninh, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Nam, Gia Lai, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Tây Ninh, Sóc Trăng, Thái Nguyên, Hà Nội, Thanh Hóa, Sơn La, Hải Dương, Hậu Giang, Lạng Sơn, Tiền Giang.
Tuy nhiên do tình hình thực tế tại các địa phương (nhất là tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa) vẫn tồn tại chợ phiên, chợ tự phát, khó xác định được địa chỉ, cơ sở hạ tầng chưa có cũng như không có người quản lý… vì vậy, tại những khu chợ này chỉ có địa chỉ đến xã (phường) và để thông tin liên hệ là thông tin của chuyên viên theo dõi chợ tại phòng kinh tế của các huyện, thị xã, thành phố.
Theo báo cáo của các địa phương, hiện tại, có 22 tỉnh đã có văn bản chỉ đạo và có 3 tỉnh đã có đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Bộ Công thương đang đốc thúc các địa phương khẩn trương xây dựng bản đồ ứng phó theo yêu cầu của Bộ Y tế.
Theo sggp.org.vn