.

Dấu ấn hạt gạo Việt Nam

Cập nhật: 21:01, 14/01/2021 (GMT+7)
Gạo xuất khẩu qua cảng Mỹ Thới (TP Long Xuyên, tỉnh An Giang). Ảnh: BỬU ĐẤU
Gạo xuất khẩu qua cảng Mỹ Thới (TP Long Xuyên, tỉnh An Giang). Ảnh: BỬU ĐẤU

Với kim ngạch xuất khẩu đạt 3,07 tỷ USD năm 2020, gạo đã trở thành điểm sáng trong lĩnh vực xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của cả nước. Đây cũng là thành quả ấn tượng của ngành lúa gạo trong nhiều năm qua, nhất là khi xuyên suốt năm 2020, nền nông nghiệp nước ta chịu thiệt hại nặng nề từ thiên tai, dịch bệnh trên cả lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu.

“Hạt gạo - hạt vàng”

Thành công của ngành hàng lúa gạo năm 2020 đã đưa câu ví “hạt gạo - hạt vàng” quay trở lại sau một thời gian dài ít được nhắc đến. Không tự hào sao được khi nhìn lại năm 2020, thiên tai khốc liệt như mưa đá, hạn mặn, lũ lụt đã tàn phá nặng nề nền sản xuất nông nghiệp ở cả ba miền bắc, trung, nam, nhưng, vượt lên tất cả, sản xuất lúa đã thắng lợi toàn diện trên cả nước với tổng sản lượng đạt 42,7 triệu tấn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu. Trong đó, những kết quả của xuất khẩu gạo được coi là kỳ tích.

Năm 2020, khi kim ngạch của nhiều mặt hàng nông nghiệp “kỳ cựu” bị sụt giảm do đại dịch Covid-19 thì xuất khẩu gạo luôn có sự tăng trưởng đều qua các tháng. Đáng chú ý, điểm nhấn xuất khẩu gạo lại không phải là sản lượng mà là về giá bán. Trong năm 2020, gạo là mặt hàng có giá xuất khẩu tăng mạnh nhất, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019, giá bình quân lên đến 496 USD/tấn.

Đầu tháng 12-2020, giá chào bán gạo trắng 5% tấm của Việt Nam dao động ở mức 493 đến 497 USD/tấn, cao hơn gạo Thái-lan khoảng 20 USD/tấn, cao hơn gạo Ấn Độ khoảng 120 USD/tấn. Đây được đánh giá là mức giá tốt nhất trong lịch sử xuất khẩu gạo của Việt Nam và phần nào minh chứng cho chất lượng hạt gạo Việt Nam đã nâng cao rõ rệt. 

Hoạt động xuất khẩu gạo nhanh chóng khởi sắc ngay sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8-2020. Theo EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm được hưởng thuế suất 0% (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát  và 30.000 tấn gạo thơm); đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 đến 5 năm.

Tận dụng lợi thế đó, từ tháng 9-2020, Việt Nam đã xuất những lô gạo đầu tiên vào EU với giá bán tăng khá cao so với trước. Cụ thể, trước EVFTA, giá gạo ST20 xuất khẩu sang EU khoảng 800 USD/tấn, còn gạo Jasmine là 520 USD/tấn, thì giờ đây mức giá lần lượt là hơn 1.000 USD/tấn và 600 USD/tấn. Với thị trường có những đòi hỏi khắt khe bậc nhất thế giới về chất lượng như EU, mức giá này được coi là một thành tích đáng tự hào của gạo Việt Nam. 

Nhiều cơ hội tăng trưởng

Nhận định về bước phát triển ấn tượng của xuất khẩu gạo trong năm 2020, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng: Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, có thể nói lúa gạo là một trong những ngành hàng thực hiện tái cơ cấu rất thành công. Nếu như 5, 6 năm trước, chúng ta chỉ có cơ cấu 35 đến 40% các giống lúa chất lượng thì hiện nay con số này đã đạt 75 đến 80%, thậm chí tại nhiều địa phương, việc sử dụng giống lúa chất lượng lên đến 90%. Đây là một trong những nguyên nhân chính nâng cao chất lượng gạo, đưa giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng lên rất nhanh.

Cùng đó, EU cấp cho Việt Nam hạn ngạch 30.000 tấn gạo thơm với mức thuế 0% theo EVFTA trở thành cơ hội lớn để gạo thơm, gạo đặc sản của Việt Nam khẳng định chất lượng, uy tín trên thị trường thế giới. Hiện có chín giống lúa thơm xuất khẩu sang EU được hưởng hạn ngạch về thuế quan gồm: Jasmine 85, ST5, ST20, Nàng Hoa 9, VĐ 20, RVT, OM 4900, OM 5451, Tài nguyên Chợ Đào. Đây cũng là những loại gạo mà Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển, cho nên thời gian tới, nếu chúng ta làm tốt các khâu liên quan chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm thì hạn ngạch này chắc chắn sẽ được phía EU tăng lên. Tất cả những điều đó sẽ góp phần xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam một cách rõ nét và bền vững. 

Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý I-2021 vẫn rất khả quan, các thị trường chính như Phi-li-pin, châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của nước ta. Thị trường gạo châu Á cũng bắt đầu nóng trở lại khi hàng loạt khách hàng tiềm năng đẩy mạnh mua vào, như Trung Quốc, Băng-la-đét…

Năm 2021, chắc chắn EVFTA và một số hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam đã ký kết sẽ có tác động rõ nét hơn đối với hoạt động xuất khẩu gạo. Với sự mở màn từ một số lô hàng năm 2020, hy vọng năm 2021, lượng gạo được hưởng thuế ưu đãi 0% sẽ thâm nhập vào EU nhiều hơn với mức giá cao hơn. Theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo cũng nên ưu tiên tập trung khai thác và chinh phục thị trường EU, bởi lẽ ngoài vấn đề tận dụng ưu đãi về thuế thì việc gạo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào EU sẽ là một “tín chỉ” để có thể xuất đi bất cứ thị trường nào trên thế giới. 

Như vậy, cùng với thành tựu đã đạt được, xuất khẩu gạo của Việt Nam còn nhiều cơ hội để tăng trưởng cả về sản lượng và kim ngạch. Điều quan trọng là ngành hàng cần duy trì và phát huy hướng đi của mình trên cơ sở quan tâm nhiều hơn nữa đến chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, và nhiều yếu tố liên quan đến phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thị trường lớn.

Cuối tháng 12-2020, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức hội thảo “Góp ý đánh giá kết quả thực hiện đề án tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo và đề xuất bổ sung, chỉnh sửa đề án tái cơ cấu lúa gạo đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030”. Mục tiêu của đề án là nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững ngành lúa gạo. Theo đó, ngoài việc đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước còn phải hình thành và nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo, nhất là, tái cơ cấu lúa gạo giai đoạn mới phải mang lại hiệu quả nâng cao thu nhập cho nông dân và lợi ích cho người tiêu dùng, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu gạo theo hướng chất lượng cao và giá trị cao.

(Theo https://nhandan.com.vn/nhan-dinh/dau-an-hat-gao-viet-nam-631723)
 

.
.
.