Thứ Sáu, 22/01/2021, 09:02 (GMT+7)
.

Làng nghề vào vụ tết

Còn khoảng 20 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán 2021, nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang tất bật sản xuất các sản phẩm truyền thống phục vụ tết.

ĐẾN HẸN LẠI LÊN...

Những ngày này, Làng nghề Bánh tráng Hậu Thành (xã Hậu Thành, huyện Cái Bè) lại tất bật. Ông Bảy Hùng (ấp Hậu Thuận) cho biết, năm trước, gia đình ông thường làm bánh tráng trắng (loại bánh nhúng nước cuốn khi ăn) để đóng gói xuất khẩu… Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc xuất khẩu gặp khó, bánh chỉ tiêu thụ trong nước nên gia đình ông chuyển sang làm bánh tráng dừa truyền thống (bánh tráng nướng). Mỗi ngày, cơ sở của ông sản xuất gần 2.400 bánh giao cho các thương lái đến từ các tỉnh Vĩnh Long, Long An...

Mỗi ngày, cơ sở sản xuất lạp xưởng Tám Vui cung ứng cho thị trường khoảng 1 tấn lạp xưởng.
Mỗi ngày, cơ sở sản xuất lạp xưởng Tám Vui cung ứng cho thị trường khoảng 1 tấn lạp xưởng.

Không riêng gì gia đình ông Hùng, không khí làm bánh tráng tại các hộ dân khác trên địa bàn cũng đang khá nhộn nhịp. Chị Nguyễn Thị Kim Yến (xã Hậu Thành) cho biết, sau thời gian yên ắng do dịch bệnh, công việc làm bánh tráng dừa đã sôi động trở lại vào những ngày cuối năm. Những ngày qua, gia đình chị làm khoảng 500 - 700 bánh/ngày và dự kiến sẽ tăng thêm 300 - 400 bánh/ngày vào những ngày sắp tới.

Những năm qua, làm lạp xưởng trở thành nghề truyền thống của người dân huyện Cai Lậy, đặc biệt là mỗi dịp tết đến, xuân về. Nơi đây dần hình thành làng nghề sản xuất lạp xưởng. Hiện nhiều cơ sở, hộ gia đình nơi đây đang tất bật sản xuất để cung ứng cho thị trường tết. Theo bà Nguyễn Thị Vui, chủ cơ sở sản xuất lạp xưởng Tám Vui (xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy), năm nay giá nguyên liệu đầu vào, chủ yếu thịt heo tăng khoảng 10%, nhưng cơ sở vẫn giữ giá bán như ngày thường.

Tuy nhiên, nếu dịp cận tết giá tiếp tục tăng thì cơ sở sẽ tăng giá. Mỗi ngày, cơ sở cung ứng cho thị trường trên 1 tấn lạp xưởng, tăng gấp đôi sản lượng so với ngày thường, chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng. Hiện cơ sở sản xuất 3 loại lạp xưởng gồm: Trứng muối, truyền thống và sa tế. Thị trường tiêu thụ lạp xưởng của cơ sở chị chủ yếu tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Kiên Giang…

Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành Nam Nguyễn Văn Hùng Cưng cho biết, thời gian gần đây, nghề làm lạp xưởng phát triển mạnh ở xã và dần hình thành làng nghề truyền thống. Thời điểm cận tết, không khí sản xuất rất nhộn nhịp. Hiện có nhiều người đã mua về làm quà tết cho gia đình, họ hàng. Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, xã đã quản lý chặt nguồn nguyên liệu đầu vào của từng hộ kinh doanh. Nhìn chung, nguồn thịt heo đều được kiểm dịch, đảm bảo chất lượng.

... NHƯNG KÉM NHỘN NHỊP

Nhiều ngày qua, hoạt động sản xuất tại các làng nghề tăng cao so với ngày thường. Tuy nhiên, qua ghi nhận, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên không khí sản xuất có phần kém nhộn nhịp hơn những năm trước.

Trước đây, cơ sở sản xuất bánh phồng Quang Long (xã Đông Hòa Hiệp) thuộc Làng nghề Bánh phồng Cái Bè cung ứng từ 4.000 - 5.000 bánh/ngày cho các cơ sở du lịch, đầu mối. Từ khi dịch bệnh xuất hiện, số đơn hàng ít hơn, tiền cũng thanh toán chậm. Mức thu nhập của thợ làm bánh giảm nhiều, nên cơ sở phải tìm nguồn tiêu thụ nội địa khác để duy trì sản xuất và thu nhập cho công nhân. Thời điểm hiện tại, cơ sở chỉ sản xuất 2 ngày/tuần với 8.000 bánh, chưa bằng 1/3 so với cùng thời điểm năm 2019.

 Năm nay, Làng nghề Cá khô Vàm Láng kém nhộn nhịp.
Năm nay, Làng nghề Cá khô Vàm Láng kém nhộn nhịp.

Năm nay, đến thời điểm này, không khí sản xuất tại Làng nghề Lạp xưởng Gò Công (xã Bình Đông, TX. Gò Công) cũng kém tất bật hơn mọi năm. Nhiều cơ sở vẫn chưa đẩy mạnh sản xuất do nhu cầu thị trường chưa cao. Chị Ung Thị Mỹ Hạnh, chủ cơ sở sản xuất lạp xưởng Kim Anh (xã Bình Đông) cho biết, hiện nhu cầu tiêu thụ lạp xưởng vẫn chưa tăng nhiều so với ngày thường.

Năm nay, giá thịt heo vẫn duy trì ở mức cao, song cơ sở và những điểm bán ở đây vẫn giữ mức giá 230.000 đồng/kg như năm trước. Hiện khoảng 3 đến 4 ngày, cơ sở mới sản xuất 1 mẻ lạp xưởng hơn 100 kg. Mấy năm trước, thời điểm này, ngày nào cơ sở cũng sản xuất, không khí rất tất bật. Theo dự đoán, khoảng 20 tháng Chạp nhu cầu tiêu thụ lạp xưởng có khả năng mới cao.

Cũng qua ghi nhận tại Làng nghề Cá khô Vàm Láng (thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông), không khí sản xuất nơi đây đang khá yên ắng. Hiện tại, nhiều cơ sở sản xuất cá khô nơi đây gặp khó vì nguồn nguyên liệu khan hiếm, do nhiều ghe tàu đánh bắt xa bờ đã cập bến nghỉ tết. Theo chủ vựa cá khô Thắng Loan (thị trấn Vàm Láng), do ảnh hưởng của không khí lạnh cùng với việc cuối năm biển sóng to, gió lớn nên hầu hết ghe tàu ở Vàm Láng, Kiểng Phước đã vào bờ nghỉ tết sớm. Mọi năm, thời điểm này cơ sở tấp nập công nhân, nhưng hiện không có hàng nên rất vắng.

Chủ vựa cá khô Thắng Loan cho biết: “Năm nay, số lượng cá khô sản xuất mùa tết tại cơ sở giảm khoảng 40% so với năm 2019. Năm trước, chúng tôi sản xuất đến 22 âm lịch mới tạm ngừng, còn năm nay chắc vài ngày nữa là có thể nghỉ. Năm nay, khô cá mặn tiêu thụ cao, nhưng các loại khác như khô mực thì sức tiêu thụ không cao do ảnh hưởng của dịch bệnh. Các thương lái chỉ lấy với số lượng ít. Cụ thể, mọi năm cơ sở bán khoảng 2 tấn khô mực, còn năm nay chỉ bán khoảng 1 tấn”.

M. THÀNH - T. LÂM

.
.
Liên kết hữu ích
.