Phát triển bền vững: Động lực từ kinh tế số
(Ảnh minh họa: Reuters) |
Sự phát triển của kinh tế số sẽ mang lại cho Việt Nam cơ hội để cải thiện mạnh mẽ năng suất lao động trong tổng thể nền kinh tế, từ đó kinh tế có đạt được phát triển bền vững, đồng thời chống đỡ được các cú sốc từ bên ngoài.
Những ứng dụng trong đời sống
Ông Nguyễn Anh Tú là người đầu tiên trải nghiệm dịch vụ kê khai nộp lệ phí trước bạ và cấp đăng ký, biển số xe trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG). Chỉ mất 5 phút thao tác trên máy, ông Nguyễn Anh Tú đã hoàn tất các thủ tục và được nhận biển số cùng chứng nhận đăng ký ô-tô.
Trước đây, thủ tục đăng ký ô-tô gồm sáu loại giấy tờ. Người dân phải trực tiếp đến chi cục thuế kê khai thuế, nộp lệ phí trước bạ tại kho bạc rồi mới đem hồ sơ đến cơ quan cảnh sát giao thông chờ được cấp biển. Với thủ tục trực tuyến, người dân có thể điền tờ khai đăng ký xe, nộp lệ phí trước bạ trên Cổng DVCQG. Ở công đoạn cuối mới phải trực tiếp đến cơ quan Cảnh sát giao thông để bấm biển số, nhận giấy tờ xe.
Kê khai, nộp lệ phí trước bạ đăng ký ô-tô và xe máy là dịch vụ dịch vụ thứ 1.000 trên Cổng DVCQG. Tròn một năm đưa vào vận hành chỉ với tám dịch vụ công đầu tiên, đến ngày 30-12-2020, Cổng DVCQG đã có 2.700 dịch vụ công được tích hợp, cung cấp trên tổng số gần 6.700 thủ tục hành chính tại bốn cấp chính quyền.
Cổng DVCQG cũng tiếp nhận hơn 99 triệu lượt truy cập, hơn 412 nghìn tài khoản đăng ký; hơn 27,2 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 719 nghìn hồ sơ thực hiện trực tuyến và hơn 46 nghìn giao dịch thanh toán điện tử…
Tổng chi phí tiết kiệm khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG từ khi khai trương đến nay là khoảng 8.000 tỷ đồng/năm. Việc hoàn thành việc tích hợp các dịch vụ công thiết yếu trên Cổng DVCQG để phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN) cũng chính là cơ sở hình thành DN, công dân điện tử, góp phần tạo dựng nền kinh tế số và xã hội số.
Trong những năm gần đây, Việt Nam không ngừng tìm kiếm động lực mới cho tăng trưởng. Một trong những hướng đi là chủ động tiếp cận cơ hội từ kỹ thuật số và thương mại điện tử cho tăng trưởng kinh tế. Dịch Covid-19 càng khiến cho sự quan tâm của Chính phủ và DN đối với kỹ thuật số mạnh mẽ hơn.
GS, TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế quốc dân nhận định: Dịch Covid-19 đã vô tình tạo ra một cơ hội thay đổi phương thức phát triển và cấu trúc kinh tế Việt Nam theo hướng áp dụng ngày càng nhiều hơn kinh tế số.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, kinh tế số Việt Nam dự kiến vượt 43 tỷ USD vào năm 2025 và tăng trưởng nóng nhất trong lĩnh vực thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến, gọi xe công nghệ.
Tại báo cáo Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2019 với chủ đề Cải thiện năng suất lao động (NSLĐ) trong bối cảnh kinh tế số do trường Đại học Kinh tế quốc dân công bố mới đây cũng chỉ rõ: Kinh tế số sẽ là một trong những động lực tăng năng suất mới. Sự phát triển nhanh chóng của kinh tế số sẽ mang lại cho Việt Nam cơ hội để cải thiện mạnh mẽ mức NSLĐ trong tổng thể nền kinh tế, từ đó kinh tế có đạt được phát triển bền vững và đồng thời chống đỡ được các cú sốc từ bên ngoài.
Báo cáo đưa ra bốn kịch bản của kinh tế số và dự báo NSLĐ đến năm 2030 trong bối cảnh kinh tế số. Nếu phát triển kinh tế số theo bốn kịch bản chuyển đổi số từ mức chậm đến các mức gia tăng ứng dụng công nghệ số khác nhau, tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam sẽ đạt mức trung bình thấp nhất là 6,25%, cao nhất là 6,97%.
Cụ thể, ở kịch bản nền kinh tế chuyển đổi số chậm: Tốc độ tăng NSLĐ trung bình là 6,25%/năm. Trong đó, riêng kinh tế số đóng góp 0,43%.
Ở kịch bản lạc quan nhất: Việt Nam đã hoàn thành xây dựng nền kinh tế số, gia tăng ứng dụng công nghệ số và phát triển ngành công nghệ thông tin, tốc độ tăng NSLĐ trung bình là 6,97%/năm. Trong đó, riêng kinh tế số đóng góp 1,15%.
Thể chế cho kinh tế số
Tại sự kiện Ngày Internet Việt Nam được tổ chức trong tháng 12-2020 vừa qua, các chuyên gia công nghệ thông tin nêu quan điểm: Ngành công nghệ thông tin và truyền thông đã giải cứu thế giới trong đại dịch Covid-19, nhờ công nghệ số đóng một vai trò quan trọng trong việc giữ cho xã hội hoạt động thông suốt.
Sự gia tăng sử dụng các giải pháp kỹ thuật số của cả DN và người tiêu dùng đã đưa xã hội đến ngưỡng "nền kinh tế thông minh".
Nhận thức được mô hình mới này, một số chính phủ đã đặt lĩnh vực kỹ thuật số vào vị trí trọng tâm của các kế hoạch phục hồi kinh tế vĩ mô.
Theo GS, TS Trần Thọ Đạt, tuy có sự tăng trưởng về quy mô kinh tế số nhưng mức độ sẵn sàng cho số hóa của Việt Nam chỉ đứng ở mức trung bình, xếp thứ 70/141 quốc gia, có khoảng cách khá xa so với Malaysia (đứng thứ 38) và Thái Lan (đứng thứ 55).
Để tăng tốc phát triển kinh tế số, Việt Nam cần có chiến lược khung làm nền tảng cho các định hướng và hành lang pháp lý, thể chế cho việc chuyển đổi số. Đồng thời tạo điều kiện căn bản để thu hút được nguồn vốn dành cho đầu tư số hóa nền kinh tế, cụ thể là hạ tầng và dịch vụ số.
Theo Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Trần Thị Hồng Minh, quá trình hoạch định chính sách cũng như thực tiễn phát triển kinh tế số của Việt Nam về cơ bản thể hiện sự nhất quán với kinh nghiệm quốc tế.
Đó là, hành lang chính sách phát triển kinh tế số được xây dựng và hoàn thiện theo hướng mở, hỗ trợ DN. Chính phủ và khu vực kinh tế nhà nước giữ vai trò động lực quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế số. Bên cạnh đó, quyết tâm chuyển đổi số, cũng như tinh thần đổi mới sáng tạo của DN được thể hiện khá rõ nét.
Trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; NSLĐ hàng năm tăng tối thiểu 7%. Đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; NSLĐ hàng năm tăng tối thiểu 8%.
Thời gian qua, sự phát triển khá nhanh của khoa học công nghệ, kinh tế số và các phương thức, mô hình kinh doanh mới đang khiến cơ quan quản lý khá lúng túng. Môi trường pháp lý và thể chế cho phát triển kinh tế số ở Việt Nam hiện chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ, minh bạch và chưa mang tính kiến tạo.
Do đó, trong các nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng chuyển đổi số, cần nhấn mạnh vấn đề kiến tạo thể chế, xây dựng chiến lược quốc gia về chuyển đổi số, kinh tế số.
Theo TS Trần Thị Hồng Minh, phát triển kinh tế số phải được triển khai nhanh và quyết liệt ngay từ thời điểm này. Chuyển đổi số cần phải rộng khắp và bao trùm từ khu vực nhà nước đến tư nhân mới có thể thực sự tạo ra động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho nền kinh tế. Phát triển kinh tế số cần phải bao trùm để mọi người dân được hưởng thành quả của kinh tế số, không một ai bị bỏ lại phía sau.
Bên cạnh đó, sự phát triển kinh tế số đặt ra những thách thức về an toàn, an ninh mạng, bảo vệ thông tin quốc gia và của người dân đòi hỏi phải có hệ thống pháp luật để hạn chế những tác động tiêu cực của các vụ tấn công, lấy cắp thông tin mạng, tin tức giả….Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng hơn, các quy định về an ninh mạng cần phù hợp với các cam kết quốc tế, Viện trưởng CIEM Trần Thị Hồng Minh nói.
Theo nhandan.com.vn