"Quả ngọt" của sự chung lòng
Về xã Đông Hòa (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) hôm nay, người dân phấn khởi trước diện mạo quê hương đang đổi mới. Những con đường quê phẳng phiu trải dài khắp xóm ấp, đêm đêm sáng choang ánh đèn điện; các trường học, nhà văn hóa, trạm y tế như được “thay áo mới”.
CÙNG ĐỒNG LÒNG
Đông Hòa là xã có xuất phát điểm thấp của huyện Châu Thành và trong giai đoạn về đích lại gặp khó khăn do dịch Covid -19. Tuy nhiên, khó khăn là rào cản nhưng cũng là động lực để xã có hướng đi phù hợp, phấn đấu vượt qua hoàn thành các mục tiêu để ra mắt xã nông thôn mới (NTM).
Chủ tịch UBND xã Đông Hòa Bùi Thanh Hùng cho biết, 5 năm xây dựng NTM, chính quyền xã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ - sáng tạo - linh hoạt, phát huy sức mạnh của toàn Đảng bộ, tạo được sự đồng thuận toàn dân. Muốn vậy, chính quyền xã phải hiểu người dân muốn gì, không áp đặt chủ trương, chính sách máy móc, gây lãng phí tiền của, công sức của nhân dân.
Ông Lợi thăm khu vườn sai trái. |
Trên tinh thần đó, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu hơn về chủ trương xây dựng NTM, để chung sức, đồng lòng vun vén cho “cây NTM” đơm hoa. Từ đó, người người nhà nhà có ý thức hơn trong công tác bảo vệ môi trường, tự nguyện hiến đất, vật kiến trúc, ngày công… thực hiện các công trình công cộng xây dựng NTM. Việc xây dựng 1,5 km tuyến đường ấp Dầu là một ví dụ minh chứng cho sự đồng lòng của người dân trong xây dựng NTM ở xã Đông Hòa.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Hòa Nguyễn Văn Thiện chia sẻ: “Trước đây, tuyến đường ấp Dầu khá chật hẹp, một bên đầy rẫy ổ voi, ổ gà và còn một bên là kinh, mương nên di chuyển khó khăn. Thế nhưng, với quyết tâm đầu tư của tỉnh Tiền Giang cùng với sự đồng lòng của người dân, nay đường đã được bê tông hóa 5 m, phẳng phiu, ô tô chạy thẳng về tận nhà”.
… VÀ NHỮNG “QUẢ NGỌT”
Về xã Đông Hòa hôm nay, “trái ngọt” nhận thấy đầu tiên là hạ tầng nông thôn được cải thiện, nâng chất. Những tuyến đường chính từ xã đến ấp được nhựa hóa, bê tông hóa đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa cũng như phát triển kinh tế của người dân.
Cụ thể, 47 tuyến giao thông nông thôn sửa chữa đảm bảo thuận lợi cho việc giao thông, 26 tuyến đường và 5 cầu được đầu tư xây dựng, với tổng vốn đầu tư, sửa chữa gần 83 tỷ đồng; 100% đường ấp, đường dân sinh cứng hóa và không lầy lội vào mùa mưa. Cùng với đó, cơ sở vật chất giáo dục được đầu tư, nâng cấp đáp ứng nhu cầu dạy và học.
Các công trình thủy lợi được bảo dưỡng, nạo vét định kỳ, khai thông dòng chảy thường xuyên hằng năm đảm bảo đủ tưới tiêu phục vụ tốt trong sản xuất nông nghiệp, qua đó đảm bảo sẵn sàng công tác phòng, chống hạn, mặn.
Không chỉ diện mạo đổi mới, kinh tế - xã hội của xã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống người dân ngày càng được nâng lên. Có được kết quả đó là nhờ thời gian qua xã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng phát triển cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, giúp nâng cao thu nhập người dân.
Đến thăm vườn cây ăn trái của ông Nguyễn Văn Lợi (ấp Bình Thạnh), trước mắt chúng tôi là 12 công dừa, bưởi đang sai trái, còn bên dưới xanh rợp màu lá dứa. Ông Lợi cho biết, nhờ sự hỗ trợ địa phương, nắm rõ các ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên ông bắt đầu tái cơ cấu vườn cây vú sữa bị thiệt hại do biến đổi khí hậu và cho kết quả hôm nay. Chỉ 1 năm vừa qua, vườn nhà ông thu hoạch trừ chi phí lãi hàng trăm triệu đồng.
Không riêng vườn bưởi của hộ ông Lợi, chính quyền địa phương đã chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng thương mại - dịch vụ, nâng cao chất lượng - hiệu quả sản xuất. Qua đó, sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, một số cây trồng, vật nuôi chuyển đổi có hiệu quả cao như: Bưởi da xanh, sa pô, nuôi dê, gia cầm... Từ đó, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 50 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm xuống còn 2,8%.
Có thể thấy với quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, với những cách làm cụ thể đối với từng mục tiêu và nhiệm vụ đề ra, Đông Hòa tự tin xây dựng thành công xã NTM và hướng đến xã NTM nâng cao.
TUẤN LÂM