.

Tái cơ cấu tạo chuyển biến tích cực cho nông nghiệp Đồng Tháp

Cập nhật: 07:40, 18/01/2021 (GMT+7)

Đề án tái cơ cấu nông nghiệp từ “tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp” của tỉnh Đồng Tháp - địa phương đi đầu trong thực hiện đề án này tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - đã tạo ra những chuyển biến tích cực cho ngành nông nghiệp địa phương nói riêng và ĐBSCL nói chung.

Tỉnh Đồng Tháp đang ứng dụng mô hình sản xuất ươm mạ lúa trong khay để cấy, qua đó giảm lượng giống gieo sạ hơn 100 kg giống/ha, lợi nhuận cao hơn so với sạ lúa bằng tay từ 2 - 3 triệu đồng/ha. Ảnh: TTXVN
Tỉnh Đồng Tháp đang ứng dụng mô hình sản xuất ươm mạ lúa trong khay để cấy, qua đó giảm lượng giống gieo sạ hơn 100 kg giống/ha, lợi nhuận cao hơn so với sạ lúa bằng tay từ 2 - 3 triệu đồng/ha. Ảnh: TTXVN

Một trong những kết quả đáng chú ý mà Đồng Tháp đạt được trong nhiệm kỳ qua (nhiệm kỳ 2016 - 2020), đó là vẫn duy trì và phát triển nông nghiệp với tốc độ tăng trưởng đạt trên 3,5%/năm, theo thông tin từ ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp tại buổi họp mặt các cơ quan báo chí diễn ra ở địa phương này hôm 15-1.

“Đây là kết quả của nổ lực thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo định hướng tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của người nông dân, doanh nghiệp và các ngành, các cấp từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Theo đó, ông Nghĩa cho biết, tỉnh Đồng Tháp đã hình thành các hợp tác xã, hội quán nông dân để làm cầu nối, khơi dậy sức dân trong thay đổi tư duy. “Đây là điểm nhấn của tỉnh Đồng Tháp trong nhiệm kỳ qua và chúng tôi cũng đã thực hiện được rất tốt các mô hình sản xuất thông minh, sản xuất sạch và nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp”, ông cho biết.

Cụ thể, từ chỗ tập quán của người dân là chỉ sản xuất lúa IR 50404 (lúa cấp thấp) như trước đây, thì trong nhiệm kỳ vừa qua, đã chuyển sang sản xuất lúa chất lượng cao, giảm bón phân và phun thuốc trừ sâu. “Hiện nay, ở Đồng Tháp có trên 80% diện tích sản xuất là lúa chất lượng cao và nhờ đó chúng tôi đã phát huy được lợi thế, tức thay vì phải bán gạo xô, thì hiện Đồng Tháp đã trên 100 thương hiệu gạo”, ông Nghĩa dẫn chứng .

Điểm đặc biệt, theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, địa phương đã xây dựng được 3 chuỗi nông nghiệp về kinh tế tuần hoàn, dù mô hình này chỉ mới được đưa vào đề xuất trong dự thảo Nghị quyết của Trung ương. “Mô hình kinh tế tuần hoàn của Đồng Tháp đã áp dụng từ năm 2010, trong đó, với chuỗi sản xuất lúa gạo, ngoài sản phẩm chính là gạo, thì chúng tôi khuyến khích chế biến tinh và đã có trên 146 số sản phẩm sau gạo”, ông cho biết.

Còn với chuỗi cá tra, hiện nay mô hình của Công ty cổ phần thuỷ sản Vĩnh Hoàn gần như khép kín và không phân biệt sản phẩm chính, sản phẩm phụ, giúp nâng cao giá trị cho ngành thuỷ sản. “Chúng tôi cũng đã thực hiện được trên ngành cây ăn trái, nhất là xoài”, ông Nghĩa cho biết và nói rằng, sắp tới địa phương sẽ tập trung phát triển theo chiều sâu và nâng cao chất lượng tinh hơn để đáp ứng được nhu cầu thị trường khó tính nhất.

Ông Nghĩa cho biết, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã có 5, 6 nhà máy áp dụng theo công nghệ 4.0 và đáp ứng được các yêu cầu của chế biến tinh với công nghệ của các nước tiên tiến trên thế giới. “Trong đó, hai công nghệ sản xuất đáp ứng được yêu cầu, đó là chế biến gạo, cá tra và chế biến thức ăn thuỷ sản”, ông cho biết và nhấn mạnh: “Đây là một trong những dấu ấn về công nghiệp chế biến của Đồng Tháp, nó giúp tạo ra chuỗi giá trị và nâng cao giá trị nông nghiệp thời gian qua”.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, tái cơ cấu nông nghiệp địa phương đang đi đúng hướng. Ảnh: Trung Chánh
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, tái cơ cấu nông nghiệp địa phương đang đi đúng hướng. Ảnh: Trung Chánh

Về thương mại dịch vụ, Đồng Tháp hiện kết nối sản phẩm nông nghiệp sản xuất đạt tiêu chuẩn và đáp ứng được yêu cầu thị trường. “Thị trường chúng tôi tạm gọi là doanh nghiệp vì họ hiểu được thị trường, thì mới kích hoạt được sản xuất nông nghiệp và thời gian qua chúng tôi đã gắn kết được vấn đề này”, ông Nghĩa cho biết và thừa nhận, trước đây địa phương tách giữa nông nghiệp và thương mai, nghĩa là sản xuất, thì chỉ lo sản xuất, không gắn kết với người bán.

Từ việc kết nối vùng sản xuất theo đặt hàng của doanh nghiệp (thị trường) đã tạo ra được chuyển biến rất lớn, mà cụ thể hàng hoá của Đồng Tháp đã có mặt trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ của thế giới. “Chúng tôi đã có những mặt hàng đi trước các địa phương khác như: xoài Đồng Tháp có lô hàng đầu tiên sang Mỹ hoặc lô nhãn hay các sản phẩm phẩm gelatin, collagen cũng có trước”, vị chủ tịch tỉnh dẫn chứng.

Chính những yếu tố nêu trên đã góp phần đưa kinh tế của tỉnh Đồng Tháp trong nhiệm kỳ qua tiếp tục có bước phát triển, trở thành tỉnh khá trong vùng ĐBSCL. Trong đó, tính đến cuối năm 2020, quy mô kinh tế của địa phương đạt trên 87.000 tỉ đồng (theo giá thực tế), tăng 1,55 lần so với năm 2015; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 47 triệu đồng.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.