Thứ Hai, 11/01/2021, 10:33 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Nhà vườn thấp thỏm chờ tết

Nhiều loại trái cây giảm giá trong thời gian dài gần đây tạo nên mối lo lớn cho nông dân khi tết đang đến gần.

Bưởi, cam, thanh long… là một trong những nhóm trái cây có mức giá thấp dẫn đến thu nhập của nông dân cũng khó khăn.

CHẠM ĐÁY

Dịch bệnh được cho là một trong những nguyên nhân tác động mạnh đến tình hình tiêu thụ của nhiều loại trái cây, trong đó nhóm trái bưởi là một trong những điển hình. Anh Khương, xã An Thạnh Thủy, huyện Chợ Gạo có gần 0,5 ha bưởi da xanh đang vào giai đoạn thu hoạch nhưng giá bán lại rất thấp so với cùng kỳ nhiều năm.

Anh Khương cho biết, ngày 25-11 (âm lịch) vừa qua vườn của anh đến đợt thu hoạch khoảng 500 kg bưởi da xanh chín nhưng tìm mãi mới có một thương lái đến mua. Cân đi tính lại, giá bán bình quân chỉ khoảng 15.000 đồng/kg, chỉ bằng khoảng 50% so với cùng thời điểm của năm trước. “Sản lượng lớn, tiêu thụ khó khăn nên phải chấp nhận bán với giá thấp do bưởi đã đến lứa phải thu hoạch, không thể neo thêm trên cây”- anh Khương cho biết.

Ông Đỗ Văn Xinh đang trông đợi bưởi da xanh sẽ tăng giá trong dịp tết.
Ông Đỗ Văn Xinh đang trông đợi bưởi da xanh sẽ tăng giá trong dịp tết.

Tình cảnh tiêu thụ bưởi khó khăn cũng tương tự ở vùng trọng điểm trồng bưởi da xanh ấp Bình Thành, xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho. Những thành viên trong Tổ hợp tác Bưởi da xanh Bình Thành cũng rất “đau đầu” do hiện nay lượng trái chín trên cây còn rất lớn nhưng tiêu thụ khó khăn, giá lại thấp.

Trầm ngâm về câu chuyện giá bưởi, Tổ trưởng Tổ hợp tác Bưởi da xanh Bình Thành Đỗ Văn Xinh cho biết, mức giá thấp này kéo dài khoảng 1 tháng qua và ngày càng có hướng xuống thấp hơn. Bên cạnh giá thấp, thay vì trước đây được lựa chọn là bưởi loại 1 để xuất khẩu thì nay bị dạt xuống bưởi loại 3, loại 4 và loại này hiện chỉ trên dưới 8.000 đồng/kg. Còn nếu tính bình quân, bưởi hiện nay bình quân chỉ khoảng 10.000 - 12.000 đồng/kg.

Bưởi da xanh là một trong những loại trái cây có xu hướng tăng nhanh về diện tích trồng, nhất là tập trung ở các xã vùng ven của TP. Mỹ Tho như: Đạo Thạnh, Mỹ Phong, Tân Mỹ Chánh và một số xã của huyện Chợ Gạo như Song Bình, Đăng Hưng Phước…; chưa kể các tỉnh, thành khác diện tích trồng bưởi này cũng tăng nhanh thời gian qua. Diện tích tăng nhanh nên sản lượng thu hoạch cũng tăng theo. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình tiêu thụ khó khăn khi thị trường có biến động và vào đợt cao điểm thu hoạch.

Theo thông tin của ông Xinh, ngay như ấp Bình Thành, xã Tân Mỹ Chánh trước đây trồng lúa “rặc ri” nay 100% là trồng bưởi da xanh. Mô hình trồng bưởi da xanh theo VietGAP cũng được tập trung xây dựng, Tổ hợp tác Bưởi da xanh Bình Thành ra đời trong những năm gần đây và hiện có 18 hộ trong tổ được công nhận đạt chuẩn VietGAP. Ngoài các hộ dân tham gia tổ hợp tác, hiện có rất nhiều hộ dân trên địa bàn xã Tân Mỹ Chánh tham gia mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ bưởi da xanh.

Nhiều năm qua, Tổ hợp tác cũng đã liên kết với đơn vị thu mua ở Bến Tre để tiêu thụ bưởi da xanh trong khu vực. Trên thực tế, người dân các xã Mỹ Phong, Song Bình, Đăng Hưng Phước cũng mang bưởi đến bán cho thương lái của Bến Tre. Chỉ tính riêng sản lượng bưởi cung ứng cho cơ sở ở Bến Tre sang thu mua tại điểm này cũng vào khoảng 450 tấn mỗi năm và có hướng tăng dần qua các năm.

 Nhà vườn thu hoạch thanh long ở huyện Chợ Gạo.    Ảnh: CAO LẬP ĐỨC
Nhà vườn thu hoạch thanh long ở huyện Chợ Gạo. Ảnh: CAO LẬP ĐỨC

Trao đổi với chúng tôi về tình hình tiêu thụ bưởi gần đây, chị Nguyễn Thanh Thúy, một thương lái chuyên thu bưởi của Tiền Giang để cung ứng, bán lẻ cho khu vực Châu Đốc (tỉnh An Giang) và vùng biên giới cho rằng, sở dĩ giá bưởi giảm nhanh là do tác động của dịch bệnh Covid-19, người dân thắt chặt chi tiêu hơn và do cùng thời điểm sản lượng bưởi đến đợt thu hoạch quá lớn.

“Có lẽ năm nay do hạn, mặn kéo dài, người dân không dám lấy trái, đến khi mưa xuống bưởi ra hoa đồng loạt và đến nay là bước vào cao điểm thu hoạch cùng lúc trong khi nhu cầu tiêu thụ thấp. Lượng bưởi đợt này rất lớn nên thương lái chỉ ưu tiên thu mua của những nhà vườn “mối” lâu năm chứ không thể mua của các vườn khác” - chị Thúy cho biết thêm.

CHỜ MÙA TẾT

Câu chuyện giá thấp không chỉ diễn ra đối với trái bưởi, mà còn cam, thanh long và một số loại nông sản khác. Điển hình như cam, giá hiện nay cũng chỉ ở mức xấp xỉ 50% của năm trước. Trao đổi liên quan đến tình hình tiêu thụ một số loại trái cây gần đây, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lương (huyện Cái Bè) Huỳnh Nguyên Anh cho biết, nếu như giá cam năm trước dao động ở mức 40.000 đồng/kg tại nhà vườn thì hiện nay cũng chỉ ở mức 20.000 đồng/kg đối với cam đẹp. Dịch bệnh có thể được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hiện nay. Ngoài bưởi, cam, mận cũng thuộc nhóm có giá xuống thấp. Theo tính toán, mận vào mùa chỉ dao động ở mức 10.000 - 15.000 đồng/kg, cao điểm lên mức 30.000 - 40.000 đồng/kg.

“Nhiều năm qua, hợp tác xã hợp tác làm ăn với một đối tác ở Hà Nội để cung ứng trái cây sang thị trường này nhưng gần đây đối tác cũng gặp khó khăn nên lượng trái cây giao dịch của hợp tác xã cũng ảnh hưởng rất lớn, dẫn đến nhiều khó khăn hơn” - ông Huỳnh Nguyên Anh cho biết.

Trên thực tế, thanh long cũng thuộc nhóm rớt giá trong thời gian dài vừa qua. Vào những ngày cuối năm 2020, giá thanh long xuống rất thấp, chỉ ở mức từ 6.000 - 8.000 đồng/kg đối với loại ruột đỏ và từ 5.000 - 6.000 đồng/kg đối với loại ruột trắng. Với giá này, người trồng chỉ thu về được một nửa chi phí sản xuất. Thanh long ruột đỏ từng là loại đặc sản mang lại thu nhập cao cho người trồng vì mặt hàng này được thị trường xuất khẩu ưa chuộng. Lúc cao điểm, khi trái thanh long xuất khẩu tốt, thương lái sẵn sàng trả giá 40.000 - 50.000 đồng/kg, thậm chí lên đến 60.000 đồng/kg hàng loại 1 để xuất đi các nước. Theo nhiều thương lái tại địa phương, giá thanh long trong gần 1 tháng qua giảm mạnh.

Cụ thể, nếu như đầu tháng 12-2020, giá của loại trái cây này vẫn còn ở mức 18.000 - 22.000 đồng/kg thì từ ngày 15-12 chỉ còn dưới 10.000 đồng/kg. Anh Nguyễn Hoàng Thắng, thương lái tại huyện Chợ Gạo, cho biết giá thanh long giảm mạnh là do nguồn cung trên thị trường đang dồi dào. Theo đó, từ đầu vụ xông đèn đến nay, thanh long luôn có các lứa chín liên tiếp nhau, không bị đứt đoạn nguồn cung. Hầu hết các vườn xông đèn trái vụ đều cho năng suất ổn định nên thanh long chín đều ở nhiều nơi. “Bên cạnh nguồn cung thanh long nhiều, thị trường tiêu thụ cũng đang gặp nhiều khó khăn. Do đó, thương lái cũng hạn chế thu mua thanh long ở thời điểm này” - anh Thắng cho biết.

Trong nền kinh tế thị trường, giá nông sản nói riêng và các mặt hàng khác nói chung chịu tác động của nhiều yếu tố, nên việc tăng hay giảm là do thị trường điều tiết. Đó cũng là câu chuyện rất bình thường, nhất là đối với các loại nông sản. Tuy nhiên, rơi vào cùng một thời điểm, giá nhiều loại nông sản xuống thấp dẫn đến đời sống nông dân chắc chắn sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, những nông dân đang giữ lượng lớn trái cây có khả năng phục vụ cho mùa tết sắp đến như bưởi, thanh long… cũng đang hy vọng giá sẽ tăng trong những ngày giáp tết. Nói như ông Đỗ Văn Xinh khi chia tay chúng tôi: “Số bưởi da xanh nào có thể neo được chúng tôi vẫn cố neo đến tháng Chạp, chờ cho một mùa bưởi tết sắp tới”.

T.T

.
.
.