Chủ Nhật, 10/01/2021, 14:22 (GMT+7)
.

"Toàn ngành công thương phải lo phục vụ Tết cho nhân dân"

“Khi xuất hiện ca bệnh COVID-19 thứ 17 tại Hà Nội, nhiều người dân hoang mang, đổ xô đi tích trữ lương thực. Nhưng nhờ sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của các bộ ngành, doanh nghiệp, các siêu thị đã mở cửa đến đêm để người dân mua sắm, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá. Đó là thành tích đáng ghi nhận!”

Bộ Công Thương cho biết, hàng hoá Tết Nguyên đán dồi dào, giá cả cơ bản ổn định. Ảnh minh hoạ
Bộ Công Thương cho biết, hàng hoá Tết Nguyên đán dồi dào, giá cả cơ bản ổn định. Ảnh minh họa.

Đây là biểu dương của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đối với công tác chỉ đạo điều hành, xây dựng thể chế, cải cách hành chính, sự phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, nhất là việc điều hành giá mặt hàng xăng dầu, bình ổn thị trường trong nước của Bộ Công Thương trong giai đoạn 2016-2020 và đặc biệt trong năm 2020 khi đại dịch COVID-19 xảy ra.

Thị trường nội địa vững vàng trước cơn sóng COVID-19

Còn nhớ thời điểm đêm ngày 6/3, khi Hà Nội chính thức thông tin về việc 1 người đi từ nước ngoài về có xét nghiệm dương tính với COVID-19 đang được điều trị, cách ly tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 cùng cả gia đình và người thân. Trong đêm 6/3 và sáng ngày 7/3, người dân Thủ đô đã đổ xô ra chợ, siêu thị, trung tâm thương mại để mua hàng hóa tích trữ. Sức mua tăng đột biến chỉ sau một đêm khiến nhiều mặt hàng thiết yếu tại các siêu thị, tạp hoá trong tình trạng “cháy hàng".

Ngay trong sáng 7/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã họp khẩn với Sở Công Thương Hà Nội, các siêu thị lớn, các doanh nghiệp đầu mối cung cấp hàng hoá yêu cầu các đơn vị tăng cường nguồn cung, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của người dân; có phương án điều tiết nguồn hàng từ các nhà cung cấp, từ các điểm bán hàng ngoài Hà Nội để tăng lượng cung ứng cho địa bàn thành phố Hà Nội.

“Người dân cần hết sức bình tĩnh, bối cảnh đất nước đang khó khăn nên càng cần sự sẻ chia chung sức chung lòng. Các doanh nghiệp, nhà phân phối đều cam kết không thiếu hàng hóa, các lực lượng chức năng cũng đồng loạt ra quân kiểm soát thị trường. Người dân không nên đổ xô mua hàng tích trữ, tạo sốt hàng hóa ảo”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh kêu gọi.

Kết thúc năm 2020, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 đạt 5.059,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 12,23%).

Tính chung cả giai đoạn 2016 - 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng nhanh, qua đó đã cùng với xuất khẩu và đầu tư là trụ đỡ quan trọng để góp phần vào bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế chung của cả nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2016 - 2020 ước gấp 1,6 lần giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt gần 9,4%/năm.

“Sự nỗ lực của ngành công thương và các bộ ngành đã giúp bảo đảm đầy đủ nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, hàng hóa phòng chống dịch cho thị trường kể cả khi nhu cầu tăng cao trong giai đoạn cả nước tập trung chống dịch thực hiện giãn cách xã hội và trong các thời điểm xảy ra thiên tai lũ lụt”, Thủ tướng Chính phủ nhìn nhận.

Có thể thấy, thương mại nội địa năm 2020 là “bệ đỡ” cho sự thiếu hụt của các thị trường nước ngoài trong bối cảnh COVID-19 ảnh hưởng đến các nền kinh tế thế giới. Tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2020 là một trong số ít các chỉ tiêu vĩ mô duy trì được sự tăng trưởng ổn định. Doanh thu bán lẻ hàng hóa 12 tháng đạt 3.996,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,0% tổng mức và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 13,15%).

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, đây là chỉ số tăng duy nhất trong các yếu tố của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Điều đó cho thấy, bán lẻ hàng hóa tiếp tục là một trong những động lực quan trọng, không chỉ góp phần cho tăng trưởng thị trường nội địa, mà còn đóng góp quan trọng cho tăng trưởng GDP cả nước trong năm cực kỳ khó khăn này.

Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, trong bối cảnh khó khăn chung của dịch COVID-19, thị trường nội địa chính là cứu cánh cho doanh nghiệp cả trước mắt và lâu dài. Khi doanh nghiệp hướng tới thị trường nội địa, về mặt tổng thể sẽ tạo tính tự chủ cho hàng hóa Việt Nam hơn, doanh nghiệp làm chủ thị trường đất nước, đỡ phụ thuộc vào hàng hóa bên ngoài. Từ đó, tạo ra độ an toàn chắc chắn và yếu tố bền vững cao hơn cả ở trước mắt và tương lai. Về lâu dài, các doanh nghiệp mở rộng được thị trường nội địa sẽ tạo được một sân nhà vững chắc, là nền tảng để doanh nghiệp phát triển, bước tiếp sang thị trường khác một cách mạnh mẽ.

Nguồn cung hàng Tết dồi dào, giá cả ổn định

Mặc dù đạt được nhiều kết quả, nhưng Thủ tướng Chính phủ vẫn nêu một số tồn tại, hạn chế của ngành công thương trong việc thực hiện nhiệm vụ điều hành thị trường trong nước như: Xuất khẩu tăng mạnh nhưng nhập khẩu vẫn còn lớn, nhiều ngành công nghiệp vẫn chưa chủ động nguồn cung cấp trong nước; tính đa dạng hóa về thị trường và sản phẩm chưa cao; lợi thế cạnh tranh của hàng Việt Nam chủ yếu vẫn dựa trên giá cả chứ chưa phải dựa trên giá trị; chưa có nhiều thương hiệu quốc gia tầm cỡ; nhiều quốc sản của Việt Nam vẫn chưa hiện diện trên bản đồ thế giới; hiện chưa có một chiến lược quốc gia đưa hàng từ nông thôn lên thành thị; hàng Việt Nam trong các siêu thị vẫn còn lép vế so với hàng có nguồn gốc nhập khẩu.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: “Toàn ngành công thương phải lo phục vụ tết cho nhân dân, không để thiếu hàng hóa, nhất là vùng xa, các trung tâm lớn”.

Đối với yêu cầu của Thủ tướng, đại diện Bộ Công Thương cho biết, đến thời điểm hiện tại, nguồn cung hàng hóa Tết Nguyên đán dồi dào, giá cả cơ bản ổn định, các chương trình bình ổn thị trường được triển khai tích cực đã góp phần ổn định thị trường chung của cả nước.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội cho hay, cơ quan này đã xây dựng và triển khai Kế hoạch đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Đến nay, 100% các địa phương, 30 quận huyện thị xã đã xây dựng kế hoạch, ước tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn Thành phố đạt 39.400 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn Hà Nội đã xây dựng kế hoạch khai thác, tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết 2021 tăng trung bình từ 7% đến 22% so với kế hoạch Tết 2020. Dự báo, nguồn cung các mặt hàng dồi dào, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tiếp tục duy trì, thực hiện phương án đảm bảo nhu yếu phẩm thiết yếu đã xây dựng, lượng hàng hóa ký kết tăng 2-3 lần so với ngày thường để sẵn sàng ứng phó với dịch COVID-19.

Tại Đà Nẵng, Sở Công Thương Đà Nẵng cũng cho biết, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối trên địa bàn thành phố Đà Nẵng chủ động xây dựng kế hoạch dự dự trữ hàng hóa phục vụ trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 với tổng giá trị dự trữ hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán 2021 dự kiến khoảng 1.710 tỷ đồng.

Để chuẩn bị nguồn hàng hóa cung ứng Tết Tân Sửu 2021, Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các doanh nghiệp chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng Tết là 19.679,7 tỷ đồng, tăng 652,4 tỷ đồng (3,43%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Canh Tý 2020 (19.027,3 tỷ đồng), trong đó giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.132,6 tỷ đồng.

Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết (từ ngày 1 đến ngày 30 tháng Chạp), tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị là 10.425,6 tỷ đồng, hàng bình ổn thị trường là 4.172,4 tỷ đồng. Lượng hàng chuẩn bị tăng từ 4,4% – 17,3% so với kế hoạch thành phố giao và tăng 12% – 21,2% so với kết quả thực hiện Tết Canh Tý 2020.

Trong trường hợp dịch bệnh COVID-19 có diễn biến phức tạp, căn cứ Quyết định số 1115/QĐ-UBND, lượng hàng bình ổn thị trường sẽ được tăng cường, đảm bảo từ 35% - 50% nhu cầu thị trường.

Riêng về thị trường thịt lợn Tết Nguyên đán năm 2021, Bộ Công Thương nhìn nhận, vẫn có yếu tố khó dự đoán do dịch tả lợn châu Phi tái phát tại nhiều tỉnh thành trong cả nước khiến ngành chăn nuôi lợn vẫn gặp rủi ro. Tuy nhiên, nhìn chung, Tết Nguyên đán năm 2021 khó xảy ra tình trạng thịt lợn khan hàng, sốt giá vì hiện tại nguồn cung lợn khá dồi dào. Trong khi, tiêu thụ mặt hàng thịt lợn thời gian qua khá chậm nên nhu cầu tiêu thụ thịt lợn dịp Tết Nguyên đán 2021 sẽ giảm hơn so với hàng năm.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, đối với mặt hàng thịt lợn có thể thiếu hụt 5-7%, tuy nhiên, với sự vào cuộc của Sở, cũng như kế hoạch chuẩn bị từ rất sớm của các nhà phân phối, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, dịp Tết này dự kiến thịt lợn sẽ không có những sự tăng giá đột biến.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cũng đề nghị các nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà sản xuất điều tiết lượng cung cũng như kế hoạch bán hàng, chung tay cùng cơ quan quản lý nhà nước, chia sẻ lợi nhuận của mình, có trách nhiệm với người tiêu dùng, không để giá lợn tăng nóng, ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát kinh tế vĩ mô của nhà nước.

Nhìn chung, trong bối cảnh dịch bệnh còn nhiều diễn biến khó lường, hoạt động xuất khẩu vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thị trường nội địa với 100 triệu dân được đánh giá vẫn là thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp khai thác. Vì lẽ đó, Bộ Công Thương đặt mục tiêu tiếp tục triển khai Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong giai đoạn tới. Theo đó, bổ sung thêm các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp trong nước tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ, mở rộng kênh phân phối hàng Việt Nam thuận tiện, linh hoạt.

(Theo baochinhphu.vn)

.
.
Chính sách chiết khấu quà tết cho doanh nghiệp tốt nhất
.