Thứ Hai, 04/01/2021, 22:12 (GMT+7)
.

Xuất khẩu chật vật

Sau thời gian tăng trưởng liên tục, năm 2020 khép lại đánh dấu sự sụt giảm của kim ngạch xuất khẩu do tác động của nhiều yếu tố, trong đó dịch Covid-19 được xem là một trong những tác nhân chính. Thủy sản, rau quả là những nhóm ngành có tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu giảm sâu sau khi năm 2020 chính thức khép lại.

TÁC ĐỘNG CỦA DỊCH BỆNH

Theo đánh giá của Sở Công thương tỉnh Tiền Giang, năm 2020 vừa qua, tình hình sản xuất, xuất khẩu đối với nhóm hàng nông, thủy sản khá khó khăn cả về nguyên liệu đầu vào (do thiên tai, hạn, mặn...) và thị trường đầu ra. Các mặt hàng chính trong nhóm ngành hàng này đều có tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu giảm sâu. Chẳng hạn, thủy sản chế biến xuất khẩu chỉ đạt hơn 279 triệu USD, giảm hơn 20% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu thủy sản chủ yếu là mặt hàng cá tra, chiếm khoảng 88% trị giá trong kim ngạch xuất khẩu thủy sản; còn lại hàng nghêu, sò, mực, thủy sản đóng hộp chiếm khoảng 12% giá trị. Nguyên nhân là do thị trường tiêu thụ cá tra lớn nhất hiện nay là Trung Quốc (chiếm hơn 34% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của tỉnh) nhưng bị ngưng trệ giao thương vì dịch Covid-19. Còn các thị trường tiêu thụ khác như: Châu Mỹ, EU cũng đều giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn trong năm 2020.
Xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn trong năm 2020.

Thủy sản xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề trong năm 2020 cũng đã được các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu lường trước khi dịch bệnh mới xuất hiện vào đầu năm 2020. Đánh giá về yếu tố này, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc GODACO cho rằng, hiện nay, hàng hóa nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam phần lớn sang thị trường Trung Quốc, do đây là thị trường lớn, sức tiêu thụ rất cao nhờ vào dân số đông và thuận tiện về mặt điều kiện địa lý với Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận rằng nếu chỉ tập trung vào một vài thị trường tiêu thụ khi có sự cố xảy ra chắc chắn sẽ gặp khó khăn nhất định, chẳng hạn như trong thời điểm dịch bệnh đang diễn ra như hiện nay. Đây là kinh nghiệm cho các doanh nghiệp trong việc tính toán cơ cấu thị trường tiêu thụ và hướng đến việc đa dạng hóa thị trường, phân bổ thị trường một cách hợp lý hơn.

Cùng chung “tình cảnh” với thủy sản, hàng rau quả xuất khẩu của Tiền Giang trong năm 2020 cũng chỉ đạt gần 25 triệu USD, giảm hơn 38% so với cùng kỳ. Xuất khẩu rau quả chủ yếu là sản phẩm chế biến như: Thanh long, xoài, sầu riêng, chuối, củ sen, sả cây, khoai mì, bắp, ớt... và chưa có thị trường chiếm tỷ trọng cao.

Những năm gần đây, các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh cũng đã mở rộng thị trường xuất khẩu, thâm nhập vào các thị trường “khó tính” như Hoa Kỳ (nhãn, chôm chôm, thanh long, vú sữa), Nhật Bản, Hàn Quốc (thanh long, xoài), Singapore (cam, quýt, thanh long). Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 cũng là nhân tố quan trọng làm suy giảm tỷ trọng xuất khẩu của nhóm ngành hàng này.

Một trong những điểm sáng trong xuất khẩu thuộc nhóm ngành nông, lâm, thủy sản là mặt hàng gạo, với kim ngạch đạt gần 132 triệu USD, tăng gần 92% so với cùng kỳ. Theo đánh giá của Sở Công thương, xuất khẩu gạo tăng khá so với năm 2019 là vì năm 2019 xuất khẩu gạo sụt giảm mạnh (do không xuất được sang thị trường Trung Quốc, sản lượng và kim ngạch chỉ đạt khoảng 50% năm 2018).

Cho nên, dù năm 2020 vừa qua xuất khẩu gạo tăng khá nhưng vẫn còn thấp hơn con số thực tế của năm 2018. Nhìn vào thực tế, Trung Quốc vẫn là thị trường chính của xuất khẩu gạo, chiếm hơn 41% và Philippines chiếm hơn 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của tỉnh.

NỖ LỰC HỒI PHỤC

Sau nhiều năm tăng trưởng liên tục, năm 2020 được đánh dấu là năm xuất khẩu chật vật. Theo đánh giá của Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu năm 2020 của Tiền Giang chỉ đạt khoảng 3 tỷ USD, đạt hơn 88% kế hoạch (kế hoạch 3,4 tỷ USD) và giảm 1,8% so với cùng kỳ. Một trong những điểm quan trọng là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 78% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Tuy nhiên, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Tiền Giang tiếp tục chuyển biến theo hướng tích cực, chiếm tỷ trọng cao nhất vẫn là nhóm hàng công nghiệp (may mặc, giày, túi xách, ống đồng, sản phẩm nhựa) với hơn 76%; tiếp đến là nhóm hàng nông, thủy sản chiếm hơn 14%.

Sự chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho thấy bước tiến của nền sản xuất trong tỉnh có sự phát triển mạnh mẽ, tạo nguồn cung dồi dào cho hàng hóa xuất khẩu. Các mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu cao gồm có: Ống đồng ước đạt hơn 601 triệu USD, may mặc ước đạt hơn 541 triệu USD, giày đạt khoảng 450 triệu USD, túi xách ước đạt hơn 253 triệu USD…

Trong giai đoạn khó khăn, nếu nhìn kỹ vào cơ cấu thị trường xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Tiền Giang cũng ghi nhận một số điểm sáng. Điểm đáng chú ý là thị trường xuất khẩu ống đồng chủ yếu là Hoa Kỳ, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Anh. Kim ngạch xuất khẩu sang cả 5 thị trường này đều ghi nhận tăng trưởng dương trong năm 2020.

Xuất khẩu hàng may mặc qua thị trường Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng gần 50%, còn lại là xuất sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh, Nga. Giày chủ yếu xuất sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản và ASEAN. Túi xách có thị trường Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng cao nhất với hơn 61%, các thị trường khác tỷ trọng không nhiều như Hà Lan,Trung Quốc, Hồng Kông… Những yếu tố này tạo nên tiền đề rất quan trọng cho chặng đường xuất khẩu sắp tới, nhất là khi dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ.

Theo đánh giá của Sở Công thương, trong năm 2021 tình hình dịch bệnh Covid-19 với những tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới, triển vọng phục hồi còn tùy thuộc vào thời gian kéo dài của dịch bệnh. Tuy nhiên, tình hình trong nước, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn, khu vực tư nhân ngày càng có sự đóng góp lớn hơn vào nền kinh tế.

Đây là những cơ sở quan trọng để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xây dựng chiến lược phù hợp và thích ứng với tình hình dịch bệnh và các yếu tố tác động khác. Riêng về lĩnh vực xuất khẩu, ngành Công thương cũng đặt ra mục tiêu trong năm 2021 đạt khoảng 3,25 tỷ USD, tăng 8,3% so với kết quả thực hiện của năm 2020.

T.T

.
.
.