Dòng chảy Mekong xuống thấp, xâm nhập mặn ở ĐBSCL sẽ rất nghiêm trọng?
Viện khoa học thuỷ lợi miền Nam dự báo lưu lượng dòng chảy sông Mekong trong tháng 2-2021 về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ở mức rất thấp. Điều này, khiến xâm nhập mặn ở ĐBSCL trong tháng 2-2021 sẽ rất nghiêm trọng.
Khô hạn, xâm nhập mặn 2021 sẽ khốc liệt. Ảnh: Trung Chánh |
Ông Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện khoa học thuỷ lợi miền Nam thuộc Viện khoa học thuỷ lợi Việt Nam vừa có văn bản gửi Tổng cục thuỷ lợi cùng sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương vùng ĐBSCL về dự báo xâm nhập mặn ở khu vực này trong tháng 2-2021.
Theo đó, ông Hoằng dự báo, dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong về ĐBSCL có khả năng ở mức rất thấp. Điều này, kéo theo xâm nhập mặn trong tháng 2-2021 ở ĐBSCL có khả năng rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân trong vùng.
Cụ thể, ranh mặn 4 gam/lít trên sông Vàm Cỏ (Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây) có phạm vi ảnh hưởng từ 85-90 km, chỉ thấp hơn cùng kỳ mùa khô 2016 và 2020 từ 2 đến 8 km.
Ở cửa sông Cửu Long, thì tại sông cửa Tiểu, cửa Đại phạm vi ảnh hưởng là 60 km, xâm nhập sâu hơn cùng kỳ tháng 2-2016 khoảng 10 km, nhưng thấp hơn 2020 khoảng 28 km; sông Hàm Luông phạm vi ảnh hưởng là 70 km, sâu hơn cùng kỳ 2016 khoảng 10 km, nhưng thấp hơn 2020 khoảng 8 km; trên sông Cổ Chiên phạm vi ảnh hưởng là 65 km, tương đương cùng kỳ năm 2016, nhưng thấp hơn 2020 khoảng 3 km; còn trên sông Hậu phạm vi ảnh hưởng khoảng 60 km, tương đương 2016 và thấp hơn 2020 khoảng 5 km.
Trên sông Cái Lớn, dự báo phạm vi ảnh hưởng sâu nhất khoảng 50-55 km, thấp hơn cùng kỳ 2016 khoảng 7-10 km và thấp hơn 2020 khoảng 3-5 km.
Tuy vậy, ông Hoằng dự báo, từ nay đến ngày 8-2 và 16 đến 22-2-2021, tức vào các thời điểm triều kém, độ mặn ở khu vực cửa sông Cửu Long giảm, nước ngọt có khả năng xuất hiện tại khu vực cách biển từ 35-45 km. Chính vì vậy, các địa phương có thể tăng cường lấy nước ngọt trong các thời gian trên nhằm ứng phó khi mặn tăng cao như dự báo.
Thi công đập ngăn mặn ở Tiền Giang. Ảnh: Trung Chánh |
Viện khoa học thuỷ lợi miền Nam cho biết, trước đó vào ngày 22-12-2020 và ngày 8-1-2021, đơn vị này cũng đã phát đi hai bản tin dự báo nguồn nước về ĐBSCL thuộc năm thuỷ văn cực hạn, xâm nhập mặn thuộc nhóm năm nghiêm trọng và thực tế mặn cũng đã xuất hiện.
Liên quan đến tình hình xâm nhập mặn, UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã ban hành công văn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban quản lý dự án thuỷ lợi 10 cho vận hành cống Cái Bé (thuộc hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn- Cái Bé- PV) để phục vụ ngăn mặn, giữ ngọt mùa khô 2021.
Trong khi đó, tại tỉnh Tiền Giang, UBND địa phương này cũng đã cho xây dựng đập thép ngăn mặn trữ ngọt trên tuyến kênh xáng Long Định tại km 01+070 thuộc xã Song Thuận và xã Bình Đức của huyện Châu Thành.
Ngoài đập thép ngăn mặn nêu trên, UBND tỉnh Tiền Giang cũng quyết định cho đầu tư xây dựng 7 đập ngăn mặn khác trên các tuyến kênh, rạch thông qua tuyến đường huyện 35, gồm Ông Hổ, cầu Sao, rạch Me, Mỹ Long, Chín Tương, Bà Trà và Ông Mười thuộc địa bàn huyện Châu Thành và Cai Lậy của tỉnh Tiền Giang.
Theo đó, việc xây dựng các đập nêu trên nhằm mục tiêu đảm bảo nước tưới cho 128.250 héc ta đất sản xuất nông nghiệp và nguồn nước bổ cấp cho 3 nhà máy nước phục vụ nước sinh hoạt cho khoảng 1,1 triệu người dân của hai tỉnh Tiền Giang và Long An.
(Theo thesaigontimes.vn)