Huyện Cai Lậy: Chủ động các biện pháp phòng, chống hạn, mặn
Rút kinh nghiệm từ đợt hạn, mặn trong năm 2020, năm 2021 các cấp chính quyền và nhân dân trên địa bàn huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã có nhiều biện pháp chủ động để phòng, chống hạn, mặn.
Xác định công tác tuyên truyền có ý nghĩa quan trọng, do đó UBND huyện Cai Lậy đã chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn thường xuyên theo dõi thông tin dự báo tình hình hạn hán, xâm nhập mặn của ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương. Do vậy, nhiều hộ nông dân đã chủ động thực hiện các biện pháp theo khuyến cáo của chính quyền địa phương và ngành chức năng như: Chủ động nạo vét ao, mương trong vườn để trữ nước ngọt; dành một phần diện tích trong vườn để đào ao, rửa phèn và trữ nước ngọt; linh hoạt trong việc chuyển đổi mùa vụ…
Nông dân dành một phần diện tích để đào ao dự trữ nước ngọt. |
Bên cạnh đó, các địa phương còn tích cực vận động nhân dân sử dụng tiết kiệm nước và giữ vệ sinh nguồn nước, không xả rác và nước nhiễm bẩn vào nguồn nước ngọt; vận động nhân dân thường xuyên tham gia trục vớt lục bình, làm cỏ, các chướng ngại vật nhằm duy trì thông thoáng lòng sông, kinh, rạch trên địa bàn huyện.
Ngoài ra, huyện Cai Lậy còn có kế hoạch duy tu, sửa chữa, nâng cấp các công trình ngăn mặn, dẫn và trữ nước ngọt, rà soát những khu vực có khả năng thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn. Bên cạnh đó, chủ động lập kế hoạch phòng, chống hạn, mặn cụ thể cho từng khu vực, từng địa phương để chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có tình huống xấu xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ).
Đồng thời, các địa phương đang phối hợp chặt chẽ với ngành chuyên môn nắm chắc diễn biến độ mặn trên sông Tiền, nhằm thông tin kịp thời cho nhân dân, tăng cường hướng dẫn nhà vườn các giải pháp bảo vệ vườn cây ăn trái đối phó với mặn xâm nhập. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị phòng, chống hạn, mặn trên địa bàn huyện được người dân và các xã chuẩn bị ứng phó. Ông Đào Ngọc Thoại (ấp 11, xã Long Trung) chia sẻ: “Để chủ động bảo vệ diện tích vườn nhà trong điều kiện thời tiết thất thường, tôi thường xuyên thăm vườn, nạo vét mương dự trữ nước trong mùa hạn, mặn để có nước cung cấp cho cây trồng. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra nguồn nước và mầm bệnh của cây để kịp thời có giải pháp khắc phục, đảm bảo năng suất cây trồng”.
Song song đó, UBND huyện Cai Lậy cũng chỉ đạo các ngành chức năng và các xã theo dõi và kịp thời báo cáo về huyện để có chỉ đạo ứng phó hạn, mặn hiệu quả. Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy Trần Quốc Bình cho biết: “Huyện nghiên cứu rất kỹ các văn bản, kịch bản của tỉnh để xây dựng kế hoạch cụ thể phù hợp với địa bàn huyện. Huyện cũng thường xuyên rà soát, hoàn thiện các phương án phòng, chống hạn, mặn; tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết, mực nước, diễn biến mặn, lịch vận hành các công trình để kịp thời thông báo cho các địa phương để ứng phó hiệu quả. Đồng thời, vận động người dân thực hiện đúng theo các khuyến cáo của ngành chuyên môn và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm thiểu các tác động của thiên tai”.
HỒNG LINH