Thứ Bảy, 20/02/2021, 14:27 (GMT+7)
.

Mở rộng giao thương, nâng cao vị thế

Cùng với cả nước, công tác hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT) của Tiền Giang đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Nếu so với các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), dù chịu tác động của nhiều khó khăn, nhưng với sự chung sức, đồng lòng, Tiền Giang tiếp tục nằm trong tốp đầu về quy mô và trình độ phát triển kinh tế.

Hội nhập kinh tế giúp kim ngạch xuất khẩu của Tiền Giang tăng nhanh.
Hội nhập kinh tế giúp kim ngạch xuất khẩu của Tiền Giang tăng nhanh.

MỞ CỬA VÀ HỘI NHẬP

Theo đánh giá chung, công tác hội nhập quốc tế nói chung và HNKTQT nói riêng của Tiền Giang trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giúp Tiền Giang không ngừng mở rộng giao thương, nâng cao vị thế.

Đánh giá về yếu tố này, theo nhận định của Giám đốc Sở Ngoại vụ Lưu Văn Phi, một số thành tựu chủ yếu của tỉnh về HNKTQT trong thời gian qua là các hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao chính quyền ngày càng được Tiền Giang củng cố và mở rộng đã giúp tạo nền tảng chính trị tin cậy và vững chắc để thúc đẩy các hoạt động HNKTQT. Một trong những điểm nhấn quan trọng là lãnh đạo tỉnh đã tổ chức tiếp xúc và làm việc với một số chính đảng của các nước, đặc biệt là với các nước láng giềng, bạn bè truyền thống. Về mặt chính quyền, Tiền Giang cũng đã thiết lập các hoạt động hợp tác kết nghĩa với chính quyền các tỉnh, thành và bộ, ngành các nước như: Tỉnh Pursat (Campuchia), tỉnh Khăm Muộn (Lào), tỉnh Maputo (Mozambique), Bộ Thủy sản (Mozambique), Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Ấn Độ… và trước đây với chính quyền bang Queensland (Úc), Trường Đại học Griffith (Úc)…

Nhóm đầu về xuất khẩu

Về kim ngạch xuất khẩu, Tiền Giang luôn nằm ở tốp đầu so với các tỉnh ở ĐBSCL với kim ngạch xuất khẩu hằng năm đều trên 3 tỷ USD. Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, toàn tỉnh hiện có 131 dự án vốn đầu tư đến từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2,73 tỷ USD. Về thu hút đầu tư ODA, năm 2019 trên địa bàn tỉnh có 4 dự án ODA còn hoạt động, hiện 3 dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, chỉ còn 1 dự án còn đang triển khai thực hiện (đã giải ngân được hơn 8,6 tỷ đồng, trong đó vốn ODA hơn 6 tỷ đồng, đối ứng tỉnh hơn 2,5 tỷ đồng).

Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh trong việc đi lại thực hiện các hoạt động hợp tác và xuất nhập khẩu hàng hóa đến các nước và vùng lãnh thổ thuộc APEC, từ năm 2016 đến nay, UBND tỉnh đã chấp thuận cho 127 doanh nhân được phép sử dụng thẻ ABTC.

Một trong những thành công khác trong lĩnh vực HNKTQT là UBND tỉnh tổ chức nhiều diễn đàn để trao đổi trực tiếp, thẳng thắn các vấn đề về chính sách và mời gọi đầu tư giữa đại diện chính quyền địa phương với các đối tác, nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài.

Điển hình như, Hội nghị gặp gỡ với các công ty tư vấn Nhật Bản; Hội thảo Hợp tác nông nghiệp giữa Ấn Độ và các tỉnh vùng ĐBSCL; Tổ chức Lễ công bố xuất khẩu lô hàng vú sữa đầu tiên đi Mỹ; Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang năm 2018; Hội thảo về cập nhật các hàng rào kỹ thuật đối với các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản hướng đến phát triển bền vững các tỉnh ĐBSCL...

Các sự kiện trên đã nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Qua đó, các nhà đầu tư, doanh nghiệp có được nhiều thông tin hơn về các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, các cơ hội đầu tư, cũng như các chính sách ưu đãi, thủ tục đầu tư và tình hình phát triển các khu, cụm công nghiệp, tình hình cung cấp nguồn lao động và các tiện ích phục vụ các dự án đầu tư trên địa bàn Tiền Giang.

Nhìn từ khía cạnh khác, theo đồng chí Lưu Văn Phi, thông qua công tác HNKTQT, tỉnh không chỉ mở rộng quan hệ giao thương với nhiều nước, mà còn giúp các doanh nghiệp, tăng cường giao lưu, học hỏi để ngày càng tiếp cận với các thành tựu khoa học - kỹ thuật tiên tiến của nhân loại. Hiện tại, các địa phương trong tỉnh đang triển khai vận dụng một số mô hình sản xuất học tập từ kinh nghiệm của các nước như: Mô hình trồng dưa lưới, cà chua bi, rau ăn trong nhà lưới áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel; Ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước và điện cho vùng trồng thanh long tại huyện Chợ Gạo; Mô hình trồng thanh long theo hàng; Xây dựng khu nông nghiệp ứng dựng công nghệ cao của tỉnh theo mô hình Trung tâm Cải tạo Giống nông nghiệp tại Đài Loan; Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới tại Hàn Quốc (Saemoul Undong)...

THÍCH ỨNG VỚI XU THẾ

HNKTQT đã và đang là xu hướng quan trọng và cũng là hướng đi của mỗi quốc gia, nhất là trong giai đoạn gần đây Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) như: CPTPP, EVFTA, RCEP… Vị thế của Việt Nam theo đó đã và đang được nâng tầm trong khu vực và cả trên các diễn đàn thế giới. Đây là nền tảng vững vàng để các địa phương đẩy mạnh HNKTQT trong thời gian tới. Mặt khác, theo đánh giá của đồng chí Lưu Văn Phi, theo định hướng về công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, Bộ Ngoại giao sẽ chuyển giao nhiều phần việc về cho các địa phương và doanh nghiệp, nhất là công tác ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế trong thời gian tới. Bên cạnh những thuận lợi, thách thức đến từ bên ngoài cũng rất lớn.

Kết nối cộng đồng người Việt

Bên cạnh nỗ lực mời gọi đầu tư nước ngoài, trong thời gian qua tỉnh cũng đã chú trọng kết nối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là những người có quê gốc ở Tiền Giang. Tính đến nay, có khoảng 18.019 người Việt Nam quê gốc Tiền Giang định cư ở nước ngoài; có 18 doanh nghiệp có vốn đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài còn hoạt động tại tỉnh, với tổng vốn đăng ký hơn 123 tỷ đồng; có 3 tổ chức Hội thân nhân kiều bào, bao gồm Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài hiện đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Năm 2019, lượng kiều hối gửi về tỉnh đạt khoảng 80 triệu USD, tương đương 1.840 tỷ đồng, gần bằng 1/5 nguồn thu ngân sách của tỉnh.

Trên cơ sở Thỏa thuận hợp tác kinh tế - xã hội giữa Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh, tỉnh đã phối hợp Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP. Hồ Chí Minh tổ chức thành công Hội nghị Kết nối kiều bào với địa phương với chủ đề “Kiều bào chung sức xây dựng quê hương, hội nhập và phát triển” vào cuối năm 2019.

Trong tháng 6-2020, tỉnh cũng đã tiếp và làm việc với Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA) để trao đổi các nội dung có thể hợp tác phát triển trong thời gian tới, qua đó tạo cơ hội tiếp xúc với các quỹ đầu tư, nhà đầu tư lớn của Hàn Quốc trong thời gian tới.

Để thích ứng với xu thế này, đối với Tiền Giang, để nâng cao hiệu quả hoạt động HNKTQT, ngoài các giải pháp nâng cao nội lực của nền kinh tế địa phương như đẩy mạnh đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, nhất là mạng lưới giao thông đường bộ và đường thủy; tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cả cho khu vực công và tư..., sắp tới tỉnh sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm như sau: Tiếp tục củng cố và nâng chất các hoạt động hợp tác với chính quyền các tỉnh, thành các nước mà ta đã ký kết thời gian qua; đồng thời, thiết lập mới quan hệ hợp tác với các nước mà tỉnh Tiền Giang có quan hệ đầu tư, xuất nhập khẩu hàng hóa... để tạo ra các cơ hội làm ăn cho các doanh nghiệp và các đơn vị trong tỉnh; đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác ngoại giao kinh tế, nhất là công tác xúc tiến đầu tư và thương mại du lịch. Trong đó, chú trọng thu hút đầu tư các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp chế biến nông, thủy sản chất lượng cao và tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được Chính phủ cũng như UBND tỉnh phê duyệt để tạo quỹ đất kêu gọi đầu tư.

Một trong những giải pháp cũng không kém phần quan trọng là chính quyền các cấp cần chú trọng hơn nữa công tác kết nối, mời gọi kiều bào ở nước ngoài, nhất là các doanh nhân, trí thức về địa phương để thực hiện các hoạt động hợp tác, đầu tư. Đồng thời, các địa phương phối hợp kịp thời, chặt chẽ với các cơ quan liên quan để xử lý tốt công tác lãnh sự, bảo hộ công dân của ta ở nước ngoài và người nước ngoài đến sinh sống, làm việc, hoạt động trên địa bàn tỉnh; đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định, tạo sự an tâm cho người nước ngoài sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh; tiếp tục thực hiện cải cách hành chính; nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng phục vụ và trình độ ngoại ngữ của cán bộ, công chức, viên chức tại địa phương…

T.T

.
.
.