Tiềm năng và triển vọng
Năm 2020, nông nghiệp Tiền Giang, trong đó có ngành hàng rau màu đối diện với rất nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của toàn ngành nên hoạt động trên lĩnh vực rau màu đã đạt được kết quả khả quan.
SẢN XUẤT AN TOÀN, CHẤT LƯỢNG
Trong năm qua, sản lượng rau, đậu toàn tỉnh đạt trên 1 triệu tấn (92% kế hoạch), vượt 9,5% so với kế hoạch 5 năm. Hiện có khoảng 90% diện tích các giống rau màu lai F1 được đưa vào sản xuất với thời gian sinh trưởng ngắn, kháng sâu bệnh, giúp tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm. Các kỹ thuật trồng rau tiên tiến được ứng dụng như trồng rau thủy canh, trồng rau trong nhà lưới, nhà màng, sử dụng màng phủ nông nghiệp, tưới nước tự động, tưới nước tiết kiệm... ngày càng được nông dân ứng dụng nhiều hơn.
Theo đó, toàn tỉnh hiện có khoảng 784 ha rau màu được trồng trong nhà lưới, nhà màng. Đến nay, có 209,75 ha rau được chứng nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn GAP, trong đó có 103,65 ha còn hiệu lực. Năm 2020, việc chuyển đổi cơ cấu cây màu trên nền đất lúa giúp nông dân gia tăng lợi nhuận từ 2 - 8 lần so với lúa.
Trồng dưa lưới trong nhà màng đang được nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang thực hiện. |
Trên địa bàn tỉnh có 11 điểm kiểm soát rau theo chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn được cấp Giấy xác nhận, sản lượng tiêu thụ bình quân hằng năm trên 6.400 tấn. Trong đó, có khoảng 6 - 8 hợp tác xã có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định. Để cung cấp sản phẩm đảm bảo chất lượng và đảm bảo uy tín với khách hàng, các hợp tác xã tuân thủ đúng quy trình sản xuất. Song song đó, việc kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường luôn được thực hiện thường xuyên và nghiêm túc.
ĐỊNH HƯỚNG THỜI GIAN TỚI
Từ những kết quả trên, ngành rau màu trong tỉnh tiếp tục phát huy thế mạnh trong việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; bởi vấn đề an toàn thực phẩm đang rất được ngành chức năng và xã hội quan tâm. Do đó, vấn đề đặt ra thời gian tới là ngành hàng rau màu cần tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ cao vào sản xuất nhằm nâng cao và phát triển rau an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; sản xuất rau thích ứng biến đổi khí hậu và xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng rau Tiền Giang...
Thời gian tới, ngành hàng rau màu cần có định hướng, quy hoạch để tạo hướng đi mới cho vùng rau chuyên canh của tỉnh; tiếp tục phát triển ngành hàng rau ở các huyện Châu Thành, Gò Công Tây, Gò Công Đông, TX. Gò Công...; tiếp tục thực hiện cắt vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các huyện phía Đông. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các cấp chính quyền địa phương và doanh nghiệp cùng chung tay xây dựng và thực hiện các mô hình sản xuất rau tiên tiến hiện đại; tăng cường việc giới thiệu quảng bá sản phẩm.
MAI NGỌC