.

Philippines tiếp tục là thị trường "ăn" gạo nhiều nhất của Việt Nam

Cập nhật: 20:41, 17/02/2021 (GMT+7)

Trong tháng đầu năm 2021, tổng lượng gạo Việt Nam xuất đi các thị trường đã quay đầu giảm so với tháng trước đó cũng như cùng kỳ năm ngoái. Riêng, Philippines dù sụt giảm mạnh so với tháng trước đó, nhưng vẫn tiếp tục duy trì là thị trường “ăn” gạo lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1-2021.

Chuyển gạo vào kho tại chợ đầu mối lương thực Bà Đắc, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Trung Chánh
Chuyển gạo vào kho tại chợ đầu mối lương thực Bà Đắc, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Trung Chánh

Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 1-2021, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 551,7 đô la Mỹ/tấn, tăng 3,4% so với tháng 12-2020 và tăng đến 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy giá xuất khẩu gạo Việt Nam trong tháng đầu năm 2021 tăng, nhưng do lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm đến 36,4% (đạt gần 348.000 tấn trong tháng 1-2021) khiến kim ngạch xuất khẩu cũng giảm 34,2% (đạt gần 192 triệu đô la Mỹ trong tháng 1-2021) so với tháng 12-2020 và lần lượt giảm 15,4% về lượng và 2,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, đầu năm nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước chủ lực thường thấp, trong khi đó, giá bán gần đây ở mức cao cũng như việc vận chuyển gặp khó khăn đã tác động cộng hưởng, dẫn đến xuất khẩu gạo "hạ nhiệt".

Tuy nhiên, theo dự báo của vị này, năm 2021 xuất khẩu gạo Việt Nam khả năng sẽ tiếp tục gặt hái được thành công, bởi nhu cầu của thị trường năm 2021 vẫn ở mức cao. "Đặc biệt, khi Việt Nam đã định hình được phân khúc gạo chủ lực có sức cạnh tranh so với gạo thơm của Thái Lan, nhưng chiếm ưu thế hơn so với gạo giá rẻ từ Ấn Độ, Pakistan", vị này cho biết.

Trong bối cảnh xuất khẩu gạo sụt giảm ở tháng đầu năm, thì Philippines tuy vẫn tiếp tục duy trì là thị trường “ăn” gạo lớn nhất của Việt Nam như năm ngoái, nhưng vẫn không nằm ngoài xu hướng đó, tức sụt giảm rất mạnh.

Theo đó, trong tháng đầu năm 2021, tổng lượng gạo bán riêng sang Philippines đạt gần 170.00 tấn với trị giá trên 91 triệu đô la Mỹ, giảm 38,73% về lượng và 37,46% về giá trị so với tháng 12-2020. Philippines chiếm 48,85% tổng lượng và 47,62% tổng giá trị xuất khẩu gạo cả nước trong tháng đầu năm 2021.

Tiếp theo là thị trường Trung Quốc với khối lượng xuất khẩu sang đây trong tháng 1-2021 đạt gần 58.000 tấn với trị giá đạt trên 30 triệu đô la Mỹ, giảm 1,17% về lượng và 3,91% về giá trị so với tháng 12-2020. Trung Quốc chiếm 16,63% về lượng và 15,7% về giá trị trong tổng xuất khẩu gạo cả nước trong tháng đầu năm 2021.

Ghana là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ 3 của Việt Nam trong tháng 1-2021 với khối lượng trên 39.000 tấn và giá trị trên 23 triệu đô la Mỹ, chiếm 11,31% về lượng và 12,09% về giá trị trong tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam ở tháng đầu năm 2021.

Ngoài những thị trường nêu trên, thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu gạo Việt Nam trong tháng đầu năm 2021 có sự tăng, giảm ở những thị trường khác nhau. Thế nhưng, tính chung xuất khẩu gạo cả nước đã có sự sụt giảm như nêu ở trên.

Tuy xuất khẩu gạo Việt Nam sụt giảm, nhưng do nguồn cung ít, nên giá lúa thị trường nội địa hiện vẫn được “neo” ở mức rất cao.

Cụ thể, lúa IR 50404 tươi được giao dịch trên thị trường rơi vào khoảng 6.700-6.900 đồng/kg; lúa OM 18, OM 5451, Đài Thơm 8 tươi được giao dịch với mức giá 6.800-7.000 đồng/kg. Tuy nhiên, mức giá thương lái đặt cọc thu hoạch sau 10-15 ngày có giá thấp hơn khoảng 100-200 đồng/kg.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.