Thứ Hai, 08/02/2021, 09:01 (GMT+7)
.

Vui xuân không quên phòng, chống hạn, mặn

Đợt xâm nhập mặn dịp Tết Nguyên đán 2021 được dự báo sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Bên cạnh triển khai các công trình, ngành Nông nghiệp cũng đang triển khai đồng bộ các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ sản xuất.

ỨNG PHÓ KỊP THỜI

Theo Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Thanh Tùng, dự báo diễn biến hạn, mặn mùa khô 2020 - 2021 được đánh giá sẽ gay gắt hơn mùa khô 2015 - 2016, thấp hơn mùa khô 2019 - 2020. “Qua thực tế diễn biến cho đến nay, hạn, mặn đã diễn ra như dự báo. Tuy nhiên, mùa khô năm nay có 2 điểm đặc biệt: Một là nước mặn xâm nhập với tốc độ rất nhanh, hai là nồng độ mặn có thể diễn biến với biên độ rất rộng. Mặn có thể hôm nay 0,5 g/l, nhưng ngày mai là 4 g/l tại một điểm đo. Do đó, chúng ta phải luôn luôn ứng phó với biến động mà chưa lường trước được” - đồng chí Lê Thanh Tùng cho biết thêm.

Lãnh đạo tỉnh tham quan mô hình trữ nước ngọt phục vụ sản xuất.
Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang tham quan mô hình trữ nước ngọt phục vụ sản xuất.

Đồng chí Lê Thanh Tùng cho biết, hiện chưa thấy thiệt hại xảy ra trong sản xuất lúa cũng như vườn cây ăn trái, do sự chuẩn bị, chỉ đạo sát sao của ngành Nông nghiệp và nhận thức của nông dân. Tại tỉnh Tiền Giang, vùng Ngọt hóa Gò Công đã được cắt 1 vụ và bố trí thời vụ vụ đông xuân sớm hơn hằng năm. Đến thời điểm này, các trà lúa đã trổ và chín.

Nếu khoảng 5 - 7 ngày nữa các cống đều đóng để ngăn mặn thì nước ở đồng ruộng vẫn giữ ẩm cho cây lúa phát triển được 20 ngày nữa và lúc này lúa đã thu hoạch. Cũng qua khảo sát thực tế, bước chuẩn bị của tỉnh Tiền Giang đối với công tác phòng, chống hạn, mặn cho vườn cây ăn trái rất tốt. Hiện chưa thấy những biến động về nguồn nước cung cấp cho cây ăn trái. Mặt khác, thông tin tuyên truyền về chất lượng nguồn nước cho các loại cây trồng cũng được thực hiện thường xuyên.

Ý thức của nông dân đã được nâng lên qua việc tích trữ nước, chứa nước bằng các túi ni lông, giữ ẩm cho cây, phương pháp tưới… đều được chú trọng một cách toàn diện. Có những nhà vườn đã đầu tư rất lớn để trữ nước ngọt và chuẩn bị rất tốt khi bước vào mùa khô.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, trong hơn 21.800 ha lúa đông xuân ở các huyện phía Đông, đến nay có hơn 2.300 ha đã thu hoạch, gần 11.000 ha đang trong giai đoạn đòng trổ, hơn 8.500 ha chín. Với diễn biến nguồn nước như hiện tại, các diện tích này đảm bảo ăn chắc. Riêng nguồn nước phục vụ sản xuất cho vùng chuyên canh cây ăn trái của tỉnh đến thời điểm này vẫn đảm bảo.

CHỦ ĐỘNG TRỮ NƯỚC

Theo đồng chí Lê Thanh Tùng, dù công tác trữ nước ngọt để tưới các vườn cây ăn trái đã được thực hiện tốt, song vẫn còn một số ít nông dân vẫn trông chờ vào nguồn nước ngọt tự nhiên. Nguồn nước về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày càng khó khăn và xâm nhập mặn ngày càng sâu hơn với nồng độ mặn gia tăng bất ngờ.

Đập thép ngăn mặn, trữ ngọt trên kinh Nguyễn Tấn Thành đã hợp long.
Đập thép ngăn mặn, trữ ngọt trên kinh Nguyễn Tấn Thành đã hợp long.

Do đó, người dân không thể trông chờ vào nguồn nước ngọt này. Bởi ĐBSCL chỉ có 2 nguồn nước cung cấp chính, một là từ sông Mê Kông qua sông Tiền, sông Hậu, chiếm khoảng 90% tổng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của vùng này; 10% nguồn nước còn lại từ nguồn nước mưa và nước ngầm. Tuy nhiên, nguồn nước này không thể đáp ứng cho nhu cầu sản xuất và không chủ động được. Do đó, việc trữ nước, tưới nước tiết kiệm trong mùa khô của các nhà vườn là điều tất cả nông dân cần thực hiện.

Còn theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh - Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang Võ Văn Men, độ mặn sẽ tăng cao vào đợt triều cường dịp Tết Nguyên đán 2021. Từ nay đến Tết Nguyên đán, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục theo dõi, kiểm tra độ mặn thường xuyên để thông báo kịp thời cho địa phương và nông dân có biện pháp kịp thời ngăn mặn, lấy nước ngọt tưới cây. Ngành Nông nghiệp cũng đề nghị nông dân, nhất là những hộ trồng cây sầu riêng vui tết nhưng phải quan tâm đến diễn biến hạn, mặn để chủ động sản xuất.

Đối với cây sầu riêng, ngay từ thời điểm này, phải tiến hành trữ nước tối đa để tưới cho cây, giữ ẩm cho cây. Đồng thời, dưới mương vườn phải giữ nước, không để khô ảnh hưởng đến cây sầu riêng. Thực tế cho thấy, qua kinh nghiệm từ 2 đợt hạn, mặn trước đây, người dân đã nâng cao ý thức trong việc phòng, chống hạn, mặn bằng việc nạo vét mương vườn, tăng cường trữ nước để phục vụ sản xuất.

Rút kinh nghiệm từ mùa hạn, mặn năm 2019 - 2020, anh Huỳnh Văn Út (ấp Hòa An, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy) đã mạnh dạn dành một phần đất vườn để đào ao trữ nước. “Nếu xâm nhập mặn gay gắt thì không đủ nước để tưới cho cây sầu riêng. Vì thế, tôi đào ao trữ khoảng hơn 5.000 m3 nước. Ao này sẽ tưới cho vườn sầu riêng được khoảng 4 tháng” - anh Út cho biết.

Còn tại xã Tam Bình (huyện Cai Lậy), hiện có nhiều hộ dân đã mạnh dạn bỏ một phần đất vườn để đào ao trữ nước tưới sầu riêng, sau khi bị “thấm đòn” bởi hạn, mặn. Anh Trần Văn Tiến (xã Tam Bình) cho biết, năm trước, vườn sầu riêng của gia đình bị thiệt hại khoảng 50% do hạn, mặn. Do sợ mặn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến vườn sầu riêng nên anh đã đào 2 ao trữ nước để tưới cho cây. Việc đào 2 ao này giúp anh an tâm hơn trong mùa hạn, mặn năm nay, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Sáng 6-2, đập thép ngăn mặn, trữ ngọt trên kinh Nguyễn Tấn Thành tại
km 01+070 (thuộc địa phận xã Song Thuận và xã Bình Đức, huyện Châu Thành) chính thức hợp long. Việc triển khai đắp đập thép ngăn mặn, trữ ngọt trên kinh Nguyễn Tấn Thành và 7 đập thép khác nhằm đảm bảo ngăn mặn lấn vào nội đồng của Dự án Bảo Định và vùng phía Tây của tỉnh.

Các đập thép sẽ góp phần bảo vệ nước sinh hoạt cho khoảng 1,1 triệu dân của tỉnh Tiền Giang và Long An; trong đó, tỉnh Tiền Giang khoảng 800 ngàn dân. Đồng thời, bảo vệ cho khoảng 128 ngàn ha sản xuất nông nghiệp, trong đó Tiền Giang khoảng 108 ngàn ha, Long An khoảng 20 ngàn ha.

Tại buổi hợp long đập thép, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh yêu cầu đơn vị thi công cố gắng hoàn thành các phần việc còn lại để đập thép đảm bảo phục vụ tốt việc ngăn mặn, trữ ngọt.

M. THÀNH

.
.
.