Chống khai thác IUU chuyển biến tích cực
Khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là khai thác IUU) là lý do để Liên minh châu Âu (EU) chính thức đưa ra cảnh báo “Thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác thủy sản tự nhiên của Việt Nam vào ngày 23-10-2017. Tiền Giang là 1 trong 28 tỉnh ven biển của cả nước có nghề khai thác thủy sản phát triển khá mạnh nên chống khai thác IUU là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng của tỉnh.
Nói về công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang Trịnh Công Minh cho biết:
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Trịnh Công Minh. |
Xác định chống khai thác IUU là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nên UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo, điều hành công tác này, đặc biệt là từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 45 ngày 13-12-2017. Với sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, các cấp, đặc biệt là trong công tác tuyên truyền, vận động đã làm cho ý thức chấp hành pháp luật của chủ tàu, thuyền trưởng ngày càng được nâng lên.
Tỉnh đã thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo IUU do một Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Đồng thời, thành lập lại Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo IUU, ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo IUU. Thường trực Ban Chỉ đạo IUU đã kiện toàn và ổn định hoạt động. 2 Văn phòng đại diện Thanh tra kiểm soát nghề cá đặt tại Cảng cá Mỹ Tho và Cảng cá Vàm Láng phục vụ công tác chống khai thác IUU. Bên cạnh đó, Thường trực Ban Chỉ đạo IUU còn tham mưu ban hành nhiều văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo IUU cũng như các văn bản hướng dẫn thực hiện cho các ngành, địa phương…
Tuy có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng việc chống khai thác IUU của tỉnh cũng còn một số khó khăn, bất cập. Cụ thể, các quy định về chống khai thác IUU hiện hành là quy định tương ứng cho 1 nghề cá ở các nước phát triển. Do vậy, đối với nghề cá còn mang tính truyền thống như ở Việt Nam nói chung hay của Tiền Giang nói riêng thì cần phải có một khoảng thời gian nhất định mới có thể thực hiện được đồng bộ. Thời tiết diễn biến ngày càng bất thường, nguồn lợi thủy sản có xu hướng giảm; lực lượng lao động khai thác biển lành nghề ngày càng thiếu hụt... làm hiệu quả khai thác biển còn bấp bênh, từ đó người dân chưa an tâm đầu tư đầy đủ các trang thiết bị theo quy định. Trình độ học vấn của khá nhiều thuyền trưởng còn thấp nên việc ghi chép nhật ký khai thác, nhật ký thu mua, chuyển tải còn hạn chế. Nội dung ghi còn sai sót, việc chấp hành các quy định khi tàu cập cảng, rời cảng cũng chưa được thực hiện đúng theo quy định. Ngoài ra, thiết bị GSHT hiện được nhiều đơn vị cung cấp, chất lượng không đồng nhất nên việc khắc phục tình trạng thiết bị hỏng mất tín hiệu trên biển không thể thực hiện kịp thời, từ đó không kiểm soát được vị trí tàu cá trên biển. |
Chỉ tính riêng trong năm 2020, Sở NN&PTNT đã phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức 98 cuộc tuyên truyền với 4.637 người tham dự. Ngành Nông nghiệp còn lắp đặt trên 100 áp phích, 30 bảng pa nô tuyên truyền tại 2 cảng cá trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, biên soạn tài liệu tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh hằng ngày tại cảng cá.
Bên cạnh đó, Sở còn trích dẫn một số nội dung có liên quan gửi trực tiếp chủ tàu, thuyền trưởng. Ngành Nông nghiệp đã thực hiện 5 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành 837 tàu cá, lập 29 biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt 220,5 triệu đồng/29 cá nhân đối với vi phạm chống khai thác IUU. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 1 doanh nghiệp với số tiền 1,8 tỷ đồng.
* Phóng viên (PV): Sau thời gian triển khai các công việc nhằm khắc phục cảnh báo “Thẻ vàng” của Đoàn Thanh tra Ủy ban châu Âu (EC), đến nay việc chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh đã chuyển biến ra sao?
* Đồng chí Trịnh Công Minh: Sau thời gian triển khai các công việc nhằm khắc phục cảnh báo “Thẻ vàng” của EC, đến nay việc chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Số lượng tàu cá của tỉnh bị nước ngoài bắt giữ có xu hướng giảm rõ rệt (năm 2017 là 12 tàu; năm 2018 có 3 tàu; năm 2019 có 3 tàu và năm 2020 có 1 tàu). Đến cuối tháng 2-2021, toàn tỉnh có 925/1.069 tàu đã lắp thiết bị giám sát hành trình (GSHT), đạt 86,53%; trong đó, số tàu đang hoạt động trên biển đã lắp đặt chiếm trên 99%. Số tàu còn lại chưa lắp đặt thiết bị GSHT là 144 tàu, chủ yếu là tàu khai thác tạm ngưng hoạt động và một số tàu hư hỏng nặng chủ tàu chưa có khả năng sửa chữa để hoạt động.
Công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản khi cấp giấy xác nhận, chứng nhận được thực hiện nghiêm túc. |
Tổ Giám sát tàu cá thuộc Chi cục Thủy sản đã thực hiện tốt quy chế quản lý, sử dụng, khai thác dữ liệu giám sát tàu cá; xử lý dữ liệu giám sát tàu cá đối với tàu cá tỉnh Tiền Giang đã được ban hành. Hằng ngày, đơn vị chức năng gọi điện thông báo cho chủ tàu khi có tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển…
Ban Quản lý Cảng cá thực hiện kiểm soát, giám sát sản lượng tàu cá cập cảng hằng năm đạt 100%; thu hồi nhật ký khai thác của tàu cá khi cập cảng, để phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản xuất sang thị trường châu Âu theo quy định. Công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản khi cấp giấy xác nhận, chứng nhận đã được Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý Cảng cá thực hiện nghiêm túc; kiên quyết từ chối xác nhận, chứng nhận đối với các tàu không truy xuất được nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác, tàu cá trong danh sách vi phạm khai thác IUU.
* PV: Thời gian tới, đâu là giải pháp của tỉnh Tiền Giang để cùng cả nước khắc phục “Thẻ vàng” của EC?
* Đồng chí Trịnh Công Minh: Để khắc phục “Thẻ vàng” của EC phải có sự vào cuộc của các ngành, các cấp từ Trung ương đến các địa phương ven biển. Riêng ở Tiền Giang cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở các địa phương có tàu cá khai thác xa bờ như TP. Mỹ Tho, huyện Gò Công Đông.
Công tác chống khai thác IUU ở tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. |
Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp, như: Đẩy mạnh tuyên truyền Luật Thủy sản và các văn bản liên quan đến chống khai thác IUU, kết hợp với việc hướng dẫn cụ thể bằng nhiều hình thức. Đồng thời, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá, Ban Quản lý Cảng cá trong việc giám sát số lượng tàu cá cập cảng; kiểm tra, kiểm soát tốt các tàu cá cập, rời cảng theo Thông tư 21/2018; tuyên truyền, hướng dẫn các thuyền trưởng ghi chép nhật ký và thực hiện các quy định về chống khai thác IUU; thực hiện tốt công tác xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến công tác chống khai thác IUU theo nội dung Nghị định 42/2019 của Chính phủ, không để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ tàu khai thác vùng biển xa; đầu tư, cải tạo nâng cấp các cảng cá nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn trong các hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá để nâng cao hiệu quả kinh tế cho chủ tàu cá...
* PV: Xin cảm ơn đồng chí!
M. THÀNH (thực hiện)