.

Chủ động ngăn mặn, trữ ngọt

Cập nhật: 15:18, 01/03/2021 (GMT+7)

Thời điểm này bước vào cao điểm xâm nhập mặn mùa khô 2020 - 2021. Nhờ chủ động triển khai nhiều giải pháp công trình và phi công trình để ứng phó, đến nay hạn, mặn chưa ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân. Nói về diễn biến xâm nhập mặn hiện nay, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN-PTNT Tiền Giang) Nguyễn Thiện Pháp cho biết:

Qua số liệu quan trắc cho thấy, xâm nhập mặn năm nay xuất hiện trễ hơn mùa khô năm 2015 - 2016 khoảng 15 ngày và trễ hơn mùa khô năm 2019 - 2020 khoảng 30 ngày. Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, xâm nhập mặn mùa khô 2020 - 2021 sẽ xấp xỉ hoặc cao hơn mùa khô năm 2015 - 2016 một ít và thấp hơn mùa khô 2019 - 2020. Dù xâm nhập mặn năm nay xuất hiện trễ hơn mùa khô 2015 - 2016 15 ngày, nhưng đợt triều cường của rằm tháng Chạp 2020 mặn tăng rất đột biến, cao hơn mùa khô 2015 - 2016 và 2019 - 2020. Tuy nhiên, sau đó độ mặn đã trở lại bình thường.

* Phóng viên: Đến nay tỉnh Tiền Giang đã triển khai những giải pháp gì để ứng phó hạn, mặn?

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nguyễn Thiện Pháp
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nguyễn Thiện Pháp.

* Đồng chí Nguyễn Thiện Pháp: Sau mùa hạn, mặn năm 2019 - 2020, Tiền Giang xác định mặn sẽ xuất hiện thường xuyên hơn, xâm nhập sâu với độ mặn cao hơn. Sau Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống hạn, mặn năm 2019 - 2020, lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT rà soát phương án ứng phó hạn, mặn và xây dựng kịch bản tương ứng năm 2019 - 2020 để phòng, chống cho năm nay và những  năm về sau. Phương án này sẽ có nhiều giải pháp để ứng phó hạn, mặn. Trước hết, về các giải pháp phi công trình, các huyện phía Đông sẽ tiếp tục thực hiện Đề án Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông đến năm 2025. Theo đó, đến năm 2025 các huyện phía Đông chỉ sản xuất 2 vụ lúa, riêng huyện Tân Phú Đông sẽ không còn đất lúa.

Đồng thời, rà soát lại các kế hoạch ứng phó hạn, mặn cụ thể ở từng địa bàn; tổ chức tốt việc quan trắc mặn, thông báo rộng rãi trên báo, đài để nhân dân chủ động trong việc sử dụng nước. Đặc biệt, trong năm nay, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nhân dân tích trữ nước trước khi mùa hạn, mặn đến. Đối với các địa phương, ngoài việc đảm bảo thông thoáng lòng sông, kinh, rạch, phải thực hiện nạo vét kinh, mương nội đồng để ứng phó hạn, mặn dài ngày.

Công tác ứng phó hạn, mặn được tỉnh triển khai quyết liệt (ảnh trên).
Công tác ứng phó hạn, mặn được tỉnh triển khai quyết liệt.

Đối với giải pháp công trình, ngành Nông nghiệp tổ chức nạo vét các công trình bị bồi lắng, sửa chữa các cống, đảm bảo việc ngăn mặn triệt để, trữ nước ngọt trong nội đồng. Đồng thời, tìm giải pháp bổ sung được nguồn nước ngọt cho vùng Ngọt hóa Gò Công. Trong vùng Ngọt hóa Gò Công, ngành Nông nghiệp thực hiện cắt vụ lúa thu đông để đảm bảo lượng nước sau khi sử dụng cho vụ đông xuân để sử dụng tưới cây ăn trái, chăn nuôi và nước sinh hoạt của nhân dân. Đối với các huyện phía Tây, trong vùng Dự án Bảo Định, nếu mặn xâm nhập như hiện nay thì không thể đảm bảo nước cho suốt vụ. Ngành Nông nghiệp mở rộng sang vùng kiểm soát lũ để chuyển tải nước cho vùng này. Về giải pháp công trình, trước mắt ngành Nông nghiệp đảm bảo các cống ngăn mặn.

Đập thép ngăn mặn, trữ ngọt trên kinh Nguyễn Tấn Thành được hoàn thành và đưa vào sử dụng kịp thời (ảnh dưới).                                                                                                                       Ảnh: MINH THÀNH
Đập thép ngăn mặn, trữ ngọt trên kinh Nguyễn Tấn Thành được hoàn thành và đưa vào sử dụng kịp thời. Ảnh: MINH THÀNH

Trên đường tỉnh 864, đối với các rạch thông ra sông Tiền, ngành Nông nghiệp tổ chức đóng đập thép và đã hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2021. Đồng thời, làm việc với UBND tỉnh Long An về việc đắp các đập ngăn mặn trên Quốc lộ 62 và đã hoàn tất công việc này. Nếu mặn bủa vây thì ngành Nông nghiệp sẽ lấy nguồn nước từ vùng Đồng Tháp đưa xuống vùng lũ và Dự án Bảo Định để phục vụ cho khoảng 128 ngàn ha diện tích sản xuất. Đặc biệt, trong vùng dự án này, nếu chúng ta làm tốt các giải pháp công trình thì sẽ đảm bảo nước ngọt cho 3 nhà máy nước (2 nhà máy trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và 1 nhà máy trên địa bàn tỉnh Long An) phục vụ cho khoảng 1,1 triệu dân 2 tỉnh.

Đối với 2 cù lao Ngũ Hiệp và Tân Phong (huyện Cai Lậy), nguồn nước mặt bổ cấp không có, ngành Nông nghiệp tổ chức khoan 14 giếng và 2 giếng trên địa bàn xã Tam Bình. Nếu nguồn nước mặt bị ô nhiễm thì sẽ khai thác nước ngầm để bổ cấp nước ngọt cho vùng này. Đến thời điểm này, có thể nói, công tác ngăn mặn đã được chúng ta chủ động.

* Phóng viên: Trong thời gian tới, dự báo xâm nhập mặn sẽ diễn ra như thế nào, mức độ ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh ra sao?

* Đồng chí Nguyễn Thiện Pháp: Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, cao điểm xâm nhập mặn năm nay có thể xuất hiện từ cuối tháng 2 đến giữa tháng 3, dự báo độ mặn 1 g/l sẽ lên tới địa phận xã Kim Sơn, huyện Châu Thành. Đến thời điểm này, các giải pháp công trình đã được tỉnh hoàn thành, giải pháp phi công trình cũng được chính quyền các cấp, các sở, ngành có liên quan và nhân dân chủ động thực hiện.

Người dân chủ động giữ ẩm gốc cho cây trong mùa hạn, mặn.
Người dân chủ động giữ ẩm gốc cho cây trong mùa hạn, mặn.

Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp đề nghị các địa phương tiếp tục đảm bảo công tác ngăn mặn bằng việc rà soát lại các cống không đảm bảo ngăn mặn để có kế hoạch sửa chữa và tiếp tục có kế hoạch trữ nước. Người dân cần giữ gìn vệ sinh nguồn nước, hạn chế tối đa việc xả chất thải gây ô nhiễm nguồn nước. Đối với ngành Nông nghiệp, sẽ thường xuyên quan trắc độ mặn để kịp thời thông báo trên báo, đài, giúp nhân dân và chính quyền địa phương chủ động trong sử dụng nguồn nước.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp sẽ tranh thủ trong lúc triều ngọt, có khả năng vận hành công trình để lấy nước ngọt tích trữ. Hy vọng rằng, với diễn biến hạn, mặn như hiện nay, sự chuẩn bị của các cấp chính quyền, các sở, ngành và sự đồng lòng của nhân dân, mùa hạn, mặn năm nay chúng ta sẽ thành công trong công tác ứng phó.

* Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

TRỌNG ĐẠT - NHƯ NGỌC (thực hiện)

.
.
.