Thứ Bảy, 06/03/2021, 15:33 (GMT+7)
.

Doanh nghiệp nhập khẩu cũng 'ngấm đòn' vì thiếu container

Không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu mà các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa cũng chịu sự ảnh hưởng của tình trạng thiếu container rỗng. Cước vận chuyển tăng gấp đôi, gấp ba, thậm chí hơn vì tình trạng thiếu container rỗng đã khiến các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu sản xuất… tốn thêm rất nhiều chi phí. Trong khi đó, sức mua trên thị trường lại không tốt để có thể dễ dàng tăng giá bán sản phẩm.

Cước vận chuyển tăng có thể góp phần làm tăng giá bán hàng thực phẩm nhập khẩu. Ảnh: Minh Tâm
Cước vận chuyển tăng có thể góp phần làm tăng giá bán hàng thực phẩm nhập khẩu. Ảnh: Minh Tâm

Ở lô hàng mới nhập từ Ấn Độ về hồi cuối tháng 2 vừa qua, khách hàng của Công ty ONEX Logistics, đơn vị làm dịch vụ hải quan, đã phải mất tổng cộng 4.550 đô la Mỹ cho 7 container gạch. Nếu so với lô hàng tương tự nhập hồi tháng 9-2020, công ty này đã phải chi thêm hơn 1.800 đô la Mỹ. Đại diện của ONEX Logistics cho hay trước  đó, việc đưa lô hàng này về cảng cũng trầy trật, vì các hãng tàu khi xác nhận, lúc lại hủy đặt chỗ do không có container rỗng để đóng hàng.

Một khách hàng khác của ONEX Logistics thực hiện nhập khẩu hạt giống từ Thái Lan cũng gặp tình cảnh tương tự. Bình thường, mỗi khối hàng chịu phí 545 đô la Mỹ thì nay, giá đã gần chạm ngưỡng 1.000 đô la Mỹ/khối cũng vì không có container rỗng.

Ông Võ Thanh Tú, Giám đốc của ONEX Logistics, cho biết các doanh nghiệp nhập hàng tuyến gần còn may mắn hơn các công ty nhập hàng từ Mỹ, hay châu Âu. Bởi lẽ, ở những tuyến dài như thế này, giá cước còn tăng gấp ba, gấp bốn lần, thậm chí hơn mà cũng không có thể đưa hàng về.

Ông Tú cho biết, tình trạng giá cước tăng vì thiếu container đang gây những ảnh hưởng nặng nề tới doanh nghiệp nhập khẩu. Doanh nghiệp không chỉ mất thời gian chờ đợi, chậm trễ trong việc giao hàng mà quan trọng hơn là tốn thêm tiền cước vận chuyển và phải đóng thuế nhiều hơn. Chẳng hạn như lô hàng nhập gạch từ Ấn Độ đã phải đóng thêm 21 triệu đồng tiền thuế các loại.

“Các loại thuế của hàng nhập khẩu tính theo giá CIF, gồm giá bán cộng phí bảo hiểm quốc tế cộng phí vận chuyển. Giá cước vận chuyển tăng thì số thuế doanh nghiệp phải đóng cũng tăng theo tương ứng”, ông Tú nói thêm.

Nhân viên xuất nhập khẩu một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu phân bón từ Trung Quốc cũng xác nhận, giá hàng nhập khẩu từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay đã 10 – 15% tùy theo mặt hàng. Ở mặt hàng phân bón, theo ông này, ngoài chuyện giá cước vận chuyển tăng vì không có container rỗng thì giá còn bị đẩy lên do nguồn cung hạn chế.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Trưởng phòng Thuế xuất nhập khẩu thuộc Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, cho biết cơ quan hải quan không thực hiện thống kê cụ thể nhưng số thu với hàng nhập khẩu những tháng có tình trạng thiếu container tăng nhẹ, khoảng vài phần trăm so với trước đó.

Tình hình này đang đẩy chi phí, giá vốn của các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa để phân phối hay nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất hàng tiêu dùng trong nước tăng lên. Tuy nhiên, trong bối cảnh cảnh sức mua trên thị trường nội địa đang rất thấp do đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp không dễ thực hiện tăng giá bán hàng hóa.

“Nhưng khi không chống chịu được nữa, doanh nghiệp sẽ buộc phải tăng giá. Lúc đó, người tiêu dùng cuối cùng là người gánh chịu hết", ông Tú lo ngại.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.