Thứ Năm, 04/03/2021, 15:18 (GMT+7)
.

"Hạt ngọc" nhân đôi niềm vui

Lúa đông xuân 2020-2021 đang trúng mùa - được giá, tạo sự phấn chấn cho hàng triệu nông dân ĐBSCL. Ngành nông nghiệp vui hơn khi nông dân ngày càng quan tâm đến sản xuất các giống lúa chất lượng cao, lúa thơm. Nhờ đó, thương hiệu gạo của Việt Nam càng vang xa trên thị trường xuất khẩu.

Gạo ngon lên ngôi

Tết Tân Sửu đã khép lại, nhưng “hương thơm” của gạo ST25 vẫn lan tỏa. Trên các mạng xã hội, việc săn tìm, khoe gạo ST25 trong những ngày tết cổ truyền như một hoạt động ý nghĩa của nhiều người. Giá gạo ST25 trên 30.000 đồng/kg. Riêng gạo ST25 đóng gói 2kg/bịch giá đến 45.000 đồng/kg, vậy mà không kịp bán.

Sóc Trăng là nơi ra đời của gạo ST25 và cũng là một trong những tỉnh có diện tích thu hoạch lúa đông xuân sớm nhất ở ĐBSCL. Nhiều nông dân tại xã Đại Ân 2 (huyện Trần Đề) vừa thu hoạch xong được thương lái mua lúa tại ruộng với giá 7.000 đồng/kg.

“Lúa trúng đậm trên 8 tấn/ha, với giá 7.000 đồng/kg, lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng/ha, cao gần gấp đôi năm ngoái”, ông Lâm Minh, ở xã Đại Ân 2, hớn hở. Điều đặc biệt là do đầu ra ổn định nên hiện nay thương lái tranh giành thu mua lúa có phẩm cấp cao, lúa thơm. Nhiều nông dân cho biết, dù lúa mới chín ngoài đồng nhưng thương lái đã trả tiền mua trước; đây là điều cực kỳ hiếm.

Đến nay, nông dân ĐBSCL đã thu hoạch khoảng 500.000ha trong tổng số hơn 1,5 triệu hécta lúa đông xuân. Năng suất bình quân trên 7,3 tấn/ha, trong đó giống lúa có phẩm cấp gạo cao và lúa thơm chiếm gần 90%. Nhu cầu tiêu thụ lúa thơm không chỉ tăng ở thị trường nước ngoài, mà thị trường nội địa cũng tăng mạnh. Chính vì vậy, cùng với giống ST25 thì tỉnh Sóc Trăng đang yêu cầu Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh tập trung sản xuất, cung cấp các giống lúa thơm đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân trong vùng.

Còn tại Hậu Giang, việc tạo lập thương hiệu gạo sạch Vị Thủy luôn được đẩy mạnh. Gạo này được HTX Tân Long sản xuất với dòng lúa thơm theo quy trình an toàn. “Quy mô sản xuất của vùng nguyên liệu gạo sạch từ 40ha nay đã mở ra 200ha, sắp tới sẽ tăng lên khoảng 500ha lúa cung ứng cho thương hiệu gạo sạch Vị Thủy”, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết.

a
Nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa đông xuân trúng mùa, được giá

Theo ông Nguyễn Văn Vui, Bí thư Huyện ủy Vị Thủy (Hậu Giang), thương hiệu gạo sạch Vị Thủy được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao và huyện đang tập trung đào tạo thêm kỹ năng sản xuất cho nông dân theo quy trình sản xuất gạo an toàn để tạo tính bền vững.

Gạo thơm trắng 1.000 USD/tấn, tại sao không?

Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó có giảm một phần diện tích sản xuất lúa không hiệu quả, nhằm tập trung nâng cao chất lượng… đã tạo nhiều thuận lợi cho hạt lúa vươn tầm. “Khi chúng ta tập trung cho phân khúc gạo cao cấp, gạo thơm sẽ có nhiều cái được. Chất lượng gạo của Việt Nam được nâng tầm đang tạo ra nhiều lợi thế, nhất là cánh cửa vào thị trường châu Âu (EU) ngày càng rộng hơn…”, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, nhận định.

Theo ông Bình, năm 2021, Việt Nam dự kiến xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn gạo là trong tầm tay. Với đà sản xuất lúa hiện nay theo hướng tập trung vào các phân khúc gạo cao cấp thì cánh cửa gạo Việt Nam vào thị trường EU sẽ có nhiều triển vọng. Đây là thị trường có nhu cầu khoảng 2,1-2,3 triệu tấn/năm, nhưng hiện tại Việt Nam chỉ mới xuất khoảng 80.000 tấn gạo theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Về phân khúc gạo trắng hạt dài, Việt Nam có thể cạnh tranh với nhiều quốc gia trên thế giới. Giá gạo trắng hạt dài của Mỹ khoảng 600 USD/tấn, ngang với nhóm gạo thơm của Việt Nam. Sở dĩ giá bán gạo của Việt Nam gia tăng trong những năm gần đây là do chúng ta gộp chung giá gạo thơm trung bình và gạo trắng hạt dài. Một số nước nhập khẩu gạo thơm trung bình giá rẻ của Việt Nam để thay thế một phần gạo thơm trắng giá cao của Ấn Độ, Thái Lan.

Theo PGS-TS Dương Văn Chín, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, để phát triển lúa gạo Việt Nam trong thời gian tới, rất cần thành lập “Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp lúa gạo”,  hoạt động tổng lực, đồng bộ, thực chất, hiệu quả… do Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương làm chủ công, cùng sự tham gia của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Hội Nông dân, Liên minh HTX Việt Nam, các doanh nghiệp ngành lúa gạo, tham tán thương mại tại các nước…

Thời gian qua, Việt Nam đã tạo ấn tượng khi có nhiều dòng gạo đoạt giải tại cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới”. Mục tiêu phấn đấu có thể là trong vòng 10 năm tới, Việt Nam nỗ lực xuất được 1 triệu tấn gạo thơm trắng với giá khoảng trên 1.000 USD/tấn, thu về 1 tỷ USD ngoại tệ.

Theo sggp.org.vn

 

.
.
.