Thứ Năm, 04/03/2021, 06:52 (GMT+7)
.

Huyện Tân Phú Đông: Nỗ lực đảm bảo nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân

Nhờ chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống hạn, mặn mùa khô 2020 -2021, đến thời điểm này, nước sinh hoạt và sản xuất ở huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang cơ bản được đảm bảo.

Thời điểm này, huyện Tân Phú Đông đang bước vào cao điểm mùa khô 2020 - 2021. Theo ghi nhận thực tế, hiện mực nước trên nhiều tuyến kinh nội đồng ở huyện đã xuống thấp, đe dọa đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương.

CHỦ ĐỘNG NƯỚC SẢN XUẤT

Huyện Tân Phú Đông có khoảng 11.500 ha sản xuất nông nghiệp, trong đó diện tích sả 1.300 ha, mãng cầu Xiêm khoảng 620 ha, dừa khoảng 2.900 ha. Hiện độ mặn trên các sông đang rất cao, trung bình từ 13 - 17g/l. Các cống trên địa bàn huyện đã đều đóng ngăn mặn từ trước Tết Nguyên đán 2021.

Ông Hai Phước lo lắng cho vườn mãng cầu Xiêm của gia đình khi nguồn nước đang cạn dần.
Ông Hai Phước lo lắng cho vườn mãng cầu Xiêm của gia đình khi nguồn nước đang cạn dần.

Chúng tôi tìm về vườn mãng cầu Xiêm của ông Hai Phước (xã Tân Phú, huyện Tân Phú Đông). Thời điểm này, vườn mãng cầu đang cho hoa và trái xanh tốt. Theo ông Hai Phước, khoảng hơn 2 tháng nữa mãng cầu mới có thể thu hoạch. Tuy nhiên, thời điểm này, nguồn nước trong các mương đã cạn kiệt. Ông lo lắng, với tình hình này, vườn mãng cầu Xiêm của gia đình có nguy cơ bị ảnh hưởng như năm vừa qua.

Thời điểm này, trên địa bàn xã Tân Phú có khoảng 100 ha mãng cầu Xiêm. Theo Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tân Phú Nguyễn Văn Đấu, thời gian qua, một số diện tích mãng cầu Xiêm già cỗi, kém hiệu quả ở xã được người dân chuyển sang trồng cây sả, cây ăn trái khác. Một số diện tích ngoài đê bao được người dân chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Để bảo vệ sản xuất trong mùa khô, xã đã tuyên truyền, vận động người dân tích trữ nước trong mương vườn, trữ nước trong các túi ni lông. Mặt khác, tiến hành nạo vét 5 tuyến kinh với tổng chiều dài khoảng 5 km. Hiện nguồn nước trên các tuyến kinh nội đồng còn khoảng 50%, chỉ đủ nước tưới đến hết tháng 3-2021.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Lê Thanh Đằng, để chủ động đảm bảo nước sản xuất trong mùa khô, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và các xã chủ động theo dõi chặt chẽ tình hình thủy văn, nếu độ mặn cho phép (dưới 5g/l) sẽ cho lấy nước vào nội đồng. Mặt khác, việc kiểm soát tốt tình hình thủy văn còn giúp huyện rửa trôi phèn tại một số vùng trũng, ứ phèn để phục vụ cho các vụ sau tốt hơn. Đến nay, huyện Tân Phú Đông đã cho gia cố tất cả các cửa cống để đảm bảo ngăn mặn xâm nhập vào nội đồng. Đồng thời, triển khai thi công 11 công trình nạo vét, khơi thông dòng chảy. Ngoài ra, huyện vận động người dân đào ao, nạo vét mương vườn để tăng lượng nước ngọt trữ phục vụ sản xuất, sinh hoạt trong mùa khô.

“Trong năm 2021, để khắc phục hạn, mặn về lâu dài, huyện phải có các hệ thống bơm, để khi triều kiệt sẽ bơm bổ cấp nước ngọt vào nội đồng. Đồng thời, xin cơ chế vốn để đầu tư hệ thống đê bao trên địa bàn đảm bảo khép kín, giữ được nước ngọt trong nội đồng” - đồng chí Lê Thanh Đằng cho biết thêm.

NƯỚC SINH HOẠT ĐẢM BẢO

Hiện nay, huyện Tân Phú Đông có hơn 11.000 hộ dân, với hơn 10.000 hộ sử dụng nước máy, còn lại chưa tiếp cận được nguồn nước này do nằm ở khu vực ngoài đê, xa tuyến ống chính. Những năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư của tỉnh cùng sự nỗ lực của chính quyền địa phương, các cấp, các ngành, các nhà hảo tâm nên hệ thống cung cấp nước sinh hoạt trên địa bàn huyện từng bước được đảm bảo, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sinh hoạt từ hệ thống cấp nước tập trung ngày càng tăng.

Nhờ được quan tâm đầu tư, nên đến thời điểm này nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn  huyện Tân Phú Đông vẫn được đảm bảo.
Nhờ được quan tâm đầu tư, nên đến thời điểm này nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn huyện Tân Phú Đông vẫn được đảm bảo.

Nằm ở cuối cù lao Tân Phú Đông, mỗi khi mùa khô đến, xã Phú Tân lại bị hạn, mặn đe dọa. Theo Bí thư Đảng ủy xã Phú Tân Nguyễn Trung Hòa, đến thời điểm này, đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho người dân. Trong những tháng tới, huyện tích cực vận động người dân ở những khu vực chưa tiếp cận được nguồn nước máy dự trữ nước bằng nhiều cách và kiến nghị mở 4 vòi nước công cộng trong mùa khô năm nay (đã mở 1 vòi nước công cộng tại ấp Cồn Cống).

Theo đồng chí Lê Thanh Đằng, để đảm bảo nước sinh hoạt, huyện tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân trữ nước trong các ao, hồ và trang bị các bồn nước để trữ nước. Hiện nay, do áp lực nước còn mạnh nên địa phương sẽ vận động nhân dân bơm đầy các bồn, lu chứa nước để dự trữ và vận động nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, không sử dụng nước máy để tưới cây trồng.

Để khắc phục khó khăn, những ngày tới đây, lãnh đạo huyện sẽ giao Phòng NN-PTNT mời Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang rà soát một số tuyến chưa kéo đường ống nước nằm trong kế hoạch đầu tư để sớm triển khai thực hiện. Hiện trên địa bàn huyện có 11 tuyến đường ống dự kiến sẽ được đầu tư. Đồng thời, kiến nghị Sở NN-PTNT cho mở một số vòi nước công cộng ở những khu vực đường ống dẫn nước chưa kéo tới.

“Địa phương sẽ đề xuất Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang tăng áp lực nước đưa về huyện Tân Phú Đông. Mặt khác, sử dụng nguồn nước từ các ao dự trữ trên địa bàn huyện để người dân có đủ nước sử dụng trong mùa khô. Với tâm thế chuẩn bị như hiện nay, nước sinh hoạt trong mùa khô năm nay trên địa bàn huyện sẽ không gặp khó như năm trước” - đồng chí Lê Thanh Đằng cho biết thêm.

M. THÀNH

.
.
.