Mua sắm online: Làm sao để vừa phát triển vừa chống gian lận thương mại?
Dự báo, trong 2-3 năm tới, tỉ lệ gian lận thương mại trên thương mại điện tử sẽ chiếm đến 50-60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung. Cùng với việc tiếp tục tạo thuận lợi cho thương mại điện tử phát triển, đồng thời kiềm chế tình trạng gian lận trên môi trường mua bán online, Nghị định thay thế Nghị định 52/2013, khi được ban hành và có hiệu lực, được kỳ vọng sẽ tạo thay đổi quan trọng với môi trường phát triển thương mại điện tử trong năm nay.
|
||
Nếu như năm 2018, tỉ trọng doanh thu của thương mại điện tử trên tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước đạt 3,6% thì năm 2019 con số này là 4,2 còn năm 2020 tỉ trọng này là 5,5%. Đặc biệt, trong năm 2020, mặc dù thị trường bị ảnh hưởng khá nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng thương mại điện tử Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng 18%, quy mô thị trường 11,8 tỷ USD. Việt Nam hiện đang là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng thương mại điện tử 2 con số.
Với thế mạnh là dân số trẻ cũng như lượng người dùng smartphone chiếm tỉ trọng lớn, lượng người giao dịch thương mại điện tử trên smartphone nhiều, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam hiện tăng trưởng khá nhanh với 35,4 triệu người dùng và tạo ra doanh thu hơn 2,7 tỷ đô la trong năm 2019 (số liệu từ Cục Thương mại điện tử và kinh tế số).
Báo cáo Thương mại điện tử các nước Đông Nam Á năm 2019 của Google, Temasek và Brain&Company dự đoán, tốc độ tăng trưởng trung bình cho cả giai đoạn 2015-2025 của thương mại điện tử Việt Nam là 29%. Dự báo đến năm 2025, quy mô thương mại điện tử của Việt Nam sẽ vươn tới ngưỡng 43 tỷ USD và đứng thứ 3 trong khối ASEAN.
Gian lận thương mại trên internet sẽ lên đến 60%
Tuy nhiên, trên thực tế, mua bán online ngày càng trở nên phổ biến và một số đối tượng đã lợi dụng nền tảng thương mại điện tử để kinh doanh hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, thậm chí cả hàng cấm.
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) nhận định, tốc độ phát triển thương mại điện tử đang tăng rất nhanh, đi kèm với đó là các hành vi gian lận thương mại ngày càng gia tăng. Tình trạng này phổ biến đến mức, hiện nay, các giao dịch thương mại không chỉ thực hiện trên các sàn thương mại điện tử thông thường mà còn trên các mạng xã hội…
“Không chỉ vậy, năm 2020, do ảnh hưởng của COVID-19, các dịch vụ đi kèm thương mại điện tử rất phát triển, các kho hàng có thể nằm bất kể ở đâu, thậm chí những địa bàn chiến lược, như sát cửa khẩu biên giới. Chưa kể đi cùng với sự phát triển mua bán online thì dịch vụ hậu cần như chuyển phát, thanh toán online càng ngày càng hiện đại, nhanh chóng… hàng hóa được luân chuyển, vận chuyển trong nội địa rất nhanh. Điều này đang khiến công tác chống gian lận thương mại, buôn lậu, đặc biệt hàng giả, trên môi trường internet càng khó khăn”, ông Trần Hữu Linh cho biết.
Nhận diện bối cảnh đó, ngay từ đầu năm 2020, Tổng cục Quản lý thị trường đã lập một bộ phận đặc nhiệm chuyên trách riêng về phòng chống hàng lậu, hàng giả trên môi trường thương mại điện tử.
“Vụ triệt phá, xử lý tổng kho buôn lậu hơn 10.000 m2 tại 145 Hoàng Diệu (TP. Lào Cai) vào tháng 7/2020 hay như việc tấn công và xử lý triệt để rất nhiều vụ việc liên quan đến bán khẩu trang, nước rửa tay lậu, kém chất lượng trên mạng xã hội ở Bình Dương, TPHCM, Hòa Bình, Hà Nội… mà lực lượng quản lý thị trường thực hiện vừa qua đã tạo ra niềm tin cho người tiêu dùng”, ông Trần Hữu Linh nói.
Đưa ra dự báo, 2-3 năm tới, tỉ lệ gian lận thương mại trên thương mại điện tử sẽ chiếm khoảng 50- 60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung. Ông Trần Hữu Linh cho rằng, trong năm 2021 và những năm tiếp theo, bên cạnh những công việc mà lực lượng quản lý thị trường vẫn làm như: Kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, thường xuyên, liên tục các chủ thể, chủ sàn giao dịch thương mại điện tử, trên nền tảng mạng xã hộ; nâng cao năng lực, nghiệp vụ của lực lượng quản lý thị trường…thì Tổng cục Quản lý thị trường còn kỳ vọng vào sự thay đổi của chính sách.
“Trong năm 2021, Nghị định thay thế Nghị định 52/2013 khi được Chính phủ ký ban hành và có hiệu lực sẽ là thay đổi rất quan trọng đối với môi trường phát triển thương mại điện tử”, ông Trần Hữu Linh nhận định.
Hiện, Tổng cục Quản lý thị trường đã kiến nghị, tham mưu Bộ Công Thương chuẩn bị trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, đặt ra những cách thức quản lý mới.
Cụ thể, coi và đối xử bình đẳng giữa thương maị điện tử và thương mại truyền thống. Trên môi trường thương mại truyền thống, quy định hàng hóa khi muốn trao đổi, mua bán, phải tuân thủ những yếu tố gì thì sẽ quy định như vậy trên môi trường internet.
Các mô hình thương mại điện tử sẽ được đưa vào quản lý một cách chặt chẽ hơn, quy định trách nhiệm của chủ thể tham gia các sàn giao dịch. Trước đây chúng ta chưa quy định trách nhiệm của người quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử mà chủ yếu xoay quanh người bán hàng.
“Các dịch vụ liên quan như thanh toán điện tử, ví điện tử, dịch vụ vận chuyển… là một trong những yếu tố làm cho thương mại điện tử bùng nổ. Vì thế, những quy định liên quan đến các dịch vụ này cần thiết đưa vào trong Nghị định thay thế”, ông Linh nêu.
Cần thiết hoàn thiện khung pháp lý
Theo Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 645/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/5/2020, Chính phủ đã đặt các mục tiêu tổng quát đến năm 2025 gồm: Hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng; thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về mức độ phát triển thương mại điện tử; xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững; mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam trong và ngoài nước thông qua ứng dụng thương mại điện tử; đẩy mạnh giao dịch, thương mại điện tử xuyên biên giới; trở thành quốc gia có thị trường thương mại điện tử phát triển thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.
Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Thương mại điện tử à kinh tế số với chức năng quản lý nhà nước về thương mại điện tử tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các nhóm giải pháp trọng tâm để đạt được các mục tiêu nêu trên, tăng cường bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng trong thương mại điện tử và thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia và phát triển thị trường thương mại điện tử cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững.
Trong đó, yếu tố đầu tiên được Bộ Công Thương đưa ra là hoàn thiện khung pháp lý.
Cơ quan này nhận định, thương mại điện tử là một lĩnh vực rất đặc thù, đó là sự kết hợp giữa công nghệ và thị trường, giữa yếu tố thực và yếu tố ảo, giữa thực thể tồn tại với thực thể trong không gian số. Chính vì vậy, khung pháp lý đang tiếp tục được hoàn thiện gắn với thực tiễn.
Khung pháp lý cho thương mại điện tử hiện nay gồm: Luật Thương mại, Luật Giao dịch điện tử, Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử và một số nghị định khác liên quan tới các lĩnh vực trong hoạt động thương mại điện tử như Nghị định 165/2018/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính; Nghị định số 130/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử, chữ ký số và chứng thực chữ ký số; Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử.
Bên cạnh những quy định mới về chủ thể và cơ chế quản lý hoạt động thương mại điện tử thì quy định về hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài cũng được Bộ Công Thương nêu trong khi xây dựng dự thảo Nghị định mới nhằm giải quyết những vướng mắc, bất cập.
Cụ thể: Bổ sung quy định chủ thể của hoạt động thương mại điện tử, thu gọn đối tượng ứng dụng thương mại điện tử phải thực hiện thủ tục hành chính; công khai thông tin hàng hóa, người mua trên sàn thương mại điện tử, minh bạch hóa thông tin cho người tiêu dùng, phòng chống gian lận thương mại; quy định rõ hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội, mạng xã hội được tổ chức hoạt động tương tự như một hình thức thương mại điện tử truyền thống; sửa đổi quy định về cách thức hiện diện của thương nhân, tổ chức nước ngoài hoạt động thương mại điện tử trên lãnh thổ Việt Nam.
Nhóm giải pháp tiếp theo là xây dựng các chương trình, chính sách, giải pháp khuyến khích hoạt động đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử; hoàn thiện nền tảng tín nhiệm thương mại điện tử.
Trong bối cảnh của COVID-19 và sự phát triển bùng nổ của thị trường mua sắm trực tuyến, Cục Thương mại điện tử đã đưa ra giải pháp về phát triển hệ sinh thái thương mại điện tử.
Cụ thể, trong 5 năm tới, bên cạnh việc xây dựng các chương trình, chính sách đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử, giải pháp “Nền tảng tín nhiệm thương mại điện tử” là công cụ đánh giá các chủ thể kinh doanh thương mại điện tử. Xếp hạng tín nhiệm này sẽ công bố rộng rãi tới người tiêu dùng.
Hiện nay, việc xây dựng tín nhiệm tiêu chuẩn trong thương mại điện tử là điều cần thiết để gia tăng niềm tin của khách hàng vào các hoạt động mua bán, thanh toán trong môi trường thương mại điện tử. Mô hình về hoàn thiện nền tảng tín nhiệm (Circle of Trust) trong giai đoạn 2015-2025 bao gồm: Xây dựng hệ thống thanh toán đảm bảo ESCROW; giải quyết tranh chấp trực tuyến TrustON; ứng dụng Chứng từ điện tử trong thương mại; ứng dụng dịch vụ chuyển phát tiêu chuẩn trong thương mại điện tử và triển khai các chuỗi sự kiện phát triển thương mại điện tử và hỗ trợ nhà sản xuất, hàng Việt uy tín trong nước.
Từ năm 2021, Cục Thương mại điện tử sẽ triển khai Chương trình GoOnline – với nhiệm vụ đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình ứng dụng thương mại điện tử từ khi bắt đầu đến lúc kinh doanh, hoạt động được trên môi trường trực tuyến. Chương trình có sự đồng hành của các tập đoàn viễn thông, công nghệ, hệ thống thương mại điện tử lớn nhất đất nước hiện nay, nhắm đến đối tượng là các nhà sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, cá nhân trên toàn quốc muốn tiếp cận và ứng dụng thương mại điện tử.
Đặc biệt, trong những tình huống khẩn cấp như dịch bệnh và hàng hóa cần “giải cứu”, chương trình cũng hình thành một liên minh có kết nối chặt chẽ để triển khai các công tác hỗ trợ.
Các nhóm giải pháp được đưa ra cụ thể như: Triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp lên sàn thương mại điện tử; chương trình hỗ trợ chi phí chuyển phát; chương trình dán nhãn chuyển phát an toàn; hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp khi tham gia lên các sàn thương mại điện tử; xây dựng Nhà phân phối sản phẩm Việt uy tín và phát động truyền thông chương trình GoOnline.
“Việc hoàn thiện những sửa đổi trong Nghị định 52/NĐ-CP cũng như các nhóm giải pháp trong hệ sinh thái “Phát triển nền tảng tín nhiệm thương mại điện tử” ở Việt Nam sẽ góp phần xây dựng một thị trường trực tuyến lành mạnh, tạo dựng lòng tin đối với người tiêu dùng, hỗ trợ các doanh nghiệp và mang đến những phát triển vượt bậc cho bức tranh thương mại điện tử ở Việt Nam”, đại diện Cục Thương mại điện tử và kinh tế số cho hay.
(Theo chinhphu.vn)