Thứ Ba, 16/03/2021, 18:10 (GMT+7)
.

Nền tảng để doanh nghiệp vững vàng bứt phá trong khủng hoảng

 

a
(Ảnh minh họa: HoSE)

Gia tăng vai trò của phụ nữ trong bộ máy lãnh đạo là yếu tố giúp tăng cường sức mạnh đội ngũ và xây dựng nơi làm việc lý tưởng, góp phần nuôi dưỡng những giá trị cốt lõi về văn hóa và gắn kết nhân viên. Đây là nền tảng để doanh nghiệp vững vàng vượt qua khủng hoảng và bứt phá đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Nhận định trên được các đại biểu đưa ra tại Hội thảo “Bứt phá để dẫn đầu trong thời bình thường mới” vừa được Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE) và Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức.

Theo Ban tổ chức, hội thảo “Bứt phá để dẫn đầu trong thời bình thường mới” nhằm kết nối tiếng nói của những bên liên quan, từ doanh nghiệp đến các tổ chức trong nước và quốc tế, các đơn vị đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, cùng nhau thảo luận các giải pháp cho bài toán phát triển bền vững trong thời kỳ biến động từ góc nhìn bình đẳng giới tại nơi làm việc.

Phát biểu ý kiến tại hội thảo, Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI, Phó Chủ tịch điều hành VBCSD chia sẻ: “Để dẫn đầu trong thời bình thường mới, doanh nghiệp cần nghĩ khác, làm khác, cần một tư duy mới về những vấn đề đã cũ. Bình đẳng giới không chỉ là mục tiêu số 5 trong 17 Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc, mà cần được doanh nghiệp nhìn nhận là một trong những đòn bẩy cho doanh nghiệp tăng trưởng dài hạn, nhất là trong bối cảnh Việt Nam nơi có tỷ lệ nữ giới tham gia thị trường lao động cao đáng kể”.

Trong bài tham luận chính, ông Phạm Hoàng Hải – Trưởng nhóm Quan hệ đối tác Ban Thư ký VBCSD đã phân tích những yếu tố thiết yếu giúp doanh nghiệp phục hồi kinh tế và phát triển bền vững trong thời bình thường mới.

Đây cũng là những yếu tố đã được lồng ghép trong Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) như một công cụ hỗ trợ nâng cao hiệu quả của công tác quản trị doanh nghiệp - ông Phạm Hoảng Hải cho biết đồng thời nhấn mạnh với sự hợp tác và đồng hành của VBCWE, CSI 2021 sẽ có nhiều thay đổi trong nhóm chỉ số về Lao động – Xã hội, tập trung vào đẩy mạnh bình đẳng giới và gia tăng quyền và vai trò của phụ nữ tại nơi làm việc.

Hướng tới mục tiêu giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt phục hồi nền kinh tế vững mạnh, bà Lê Thanh Hằng - Giám đốc điều hành VBCWE đã giới thiệu Công cụ Đánh giá, Kết quả và Chiến lược Bình đẳng giới GEARS (Gender Equality Assessment, Results and Strategies).

Đây là công cụ do Cơ quan Bình đẳng Giới tại nơi làm việc của chính phủ Úc (Workplace Gender Equality Agency – WGEA) phát triển và được VBCWE điều chỉnh theo thực tế tại Việt Nam. GEARS giúp doanh nghiệp nắm rõ những vấn đề, cơ hội và thế mạnh của chiến lược bình đẳng giới tại nơi làm việc của mình, từ đó góp phần cải thiện kết quả kinh doanh.

Phiên thảo luận trong chương trình có sự tham gia chia sẻ của ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng thư ký VCCI, Phó Chủ tịch điều hành VBCSD, bà Trần Thùy Trang – Giám đốc Nhân sự Deloitte Việt Nam và ông Nguyễn Minh Nhật - Thành viên HĐQT Alphanam Group, TGĐ Công ty Cổ phần Alphanam E&C dưới sự điều phối của bà Lê Thanh Hằng - Giám đốc điều hành VBCWE.

Các diễn giả đã cùng nhau thảo luận những yếu tố giúp doanh nghiệp quản trị doanh nghiệp hiệu quả và bền vững trong thời bình thường mới, đặc biệt là vai trò của việc thúc đẩy các giá trị bình đẳng, đa dạng trong môi trường làm việc và gia tăng vai trò của phụ nữ trong bộ máy lãnh đạo.

Đại diện các doanh nghiệp cũng chia sẻ các chính sách, chiến lược hiệu quả và kinh nghiệm áp dụng công cụ đo lường đánh giá giúp hỗ trợ việc thúc đẩy các giá trị giới tại nơi làm việc.

* Trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa VBCWE và VBCSD, khẳng định cam kết đồng hành và phát triển mối quan hệ đối tác giữa hai tổ chức vì mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền kinh tế cho phụ nữ trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Dự án Investing in Women (“Đầu tư cho phụ nữ”) được Chính phủ Úc triển khai từ năm 2016 nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế bao trùm trong khu vực Đông Nam Á. Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động và trong các vai trò lãnh đạo; nâng cao tiếng nói của phụ nữ trong việc ra quyết định...

Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE) được thành lập tháng 2-2018 thông qua chương trình Investing in Women được tài trợ bởi chính phủ Úc, với mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc và trao quyền kinh tế cho phụ nữ Việt Nam. Mạng lưới bao gồm các doanh nghiệp có quy mô nhân sự và tầm ảnh hưởng lớn đã cam kết thúc đẩy bình đẳng giới nơi làm việc, từ đó truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp khác trên cả nước thực hiện cam kết tương tự.

EDGE (Economic Dividends for Gender Equality – Lợi ích Kinh tế từ Bình đẳng giới) ra đời từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2011, là phương pháp đánh giá và chứng chỉ kinh doanh hàng đầu toàn cầu về bình đẳng giới, được thiết kế nhằm không chỉ giúp các doanh nghiệp đánh giá hiện trạng môi trường làm việc của mình mà còn xây dựng một kế hoạch hành động hướng đến một môi trường làm việc tối ưu cho cả người lao động nam và nữ.

GEARS (Gender Equality Assessment, Results and Strategies - Đánh giá, Kết quả và Chiến lược Bình đẳng giới) là công cụ và chứng nhận do Cơ quan Bình đẳng Giới tại nơi làm việc của Chính phủ Úc (Workplace Gender Equality Agency – WGEA) phát triển và được VBCWE điều chỉnh theo thực tế tại Việt Nam. GEARS giúp doanh nghiệp nắm rõ những vấn đề, cơ hội và thế mạnh của chiến lược bình đẳng giới tại nơi làm việc của mình, từ đó góp phần cải thiện kết quả kinh doanh. Tại Việt Nam, VBCWE hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng GEARS và EDGE đánh giá thực trạng bình đẳng giới tại nơi làm việc, từ đó xây dựng kế hoạch hành động hướng đến một môi trường làm việc hạnh phúc và một tương lai phát triển bền vững.

Theo nhandan.com.vn
 


 

.
.
.