Phấn đấu trở thành địa chỉ tin cậy của người tiêu dùng
Từ khi thành lập đến nay, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Hội) đã xây dựng hệ thống tổ chức vững mạnh, từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NTD.
Được thành lập theo Quyết định 2840 ngày 15-9-2008 của UBND tỉnh, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-10-2008, đến nay Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh luôn coi việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của NTD là phương châm hành động, phấn đấu để trở thành địa chỉ gần gũi, đáng tin cậy của NTD.
HƯỚNG DẪN, TƯ VẤN, HỖ TRỢ
Hiện nay, NTD là hạt nhân và là trọng tâm của sự phát triển, nhưng cũng là người chịu nhiều thiệt thòi nhất. Do chưa nhận thức đầy đủ các quyền và trách nhiệm, chưa có đủ thông tin và thường hành động riêng lẻ nên trong mối quan hệ với nhà sản xuất, kinh doanh, NTD thường đứng ở thế yếu và chịu nhiều thiệt hại. Bên cạnh đó, NTD còn có nguy cơ sử dụng hàng hóa, dịch vụ thiếu độ an toàn, đặc biệt là đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ con người.
Hội tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của NTD. |
Việc nâng cao nhận thức của NTD, giúp NTD trang bị kiến thức cơ bản về tiêu dùng khi mua sắm hàng hóa dịch vụ, lựa chọn thực phẩm an toàn để tự có thể bảo vệ mình tránh bị xâm hại luôn được Hội đặc biệt quan tâm và xem là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động của Hội. Để làm tốt công tác tuyên truyền, giúp đỡ, tư vấn cho NTD, Hội đã thành lập 16 Chi hội khối cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; thành lập Câu lạc bộ Nữ tiêu dùng và Câu lạc bộ Nông dân tiêu dùng, nhằm hướng dẫn, giúp đỡ hội viên và NTD trong việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời, Hội vận động các trưởng ấp, trưởng khu phố tham gia Hội, để chuyển tải tài liệu, các văn bản về bảo vệ quyền lợi NTD lồng ghép trong các buổi sinh hoạt khu phố, xóm ấp và tư vấn tiêu dùng cho người dân khi có yêu cầu.
Văn phòng Tư vấn tiêu dùng và giải quyết khiếu nại thường xuyên tư vấn tiêu dùng thông qua điện thoại, email về quyền và trách nhiệm của NTD, trách nhiệm bảo hành hàng hóa và điều kiện bảo hành cũng như hướng dẫn thủ tục để NTD liên hệ khiếu nại khi cần thiết.
Từ việc làm tốt công tác tuyên truyền, hỗ trợ, tư vấn cho NTD, Hội đã phần nào giúp cho NTD có được kiến thức cơ bản về tiêu dùng, biết được quyền và trách nhiệm của mình để chủ động phòng tránh, từ chối không mua hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa không đảm bảo an toàn, góp phần triệt tiêu hàng gian, hàng giả và gian lận thương mại, từng bước tạo môi trường mua bán an toàn, lành mạnh, văn minh.
BẢO VỆ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH NTD
Từ khi thành lập đến nay, Hội đã tổ chức tiếp nhận hòa giải thành 426/431 vụ (5 vụ chuyển sang tòa giải quyết theo thẩm quyền), doanh nghiệp bồi thường thỏa đáng cho NTD, trị giá hàng hóa 4,3 tỷ đồng. Các vụ việc khiếu nại xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực, với các hình thức vi phạm rất đa dạng, xâm phạm đến quyền lợi của NTD. Bên cạnh đó, để bảo vệ quyền và lợi ích của NTD, Hội đã thành lập 155 tổ hòa giải đặt tại các chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh. Tất cả các tổ hòa giải đều niêm yết số điện thoại, đường dây nóng để NTD dễ dàng liên hệ không phải mất thời gian, chi phí đi lại, giải quyết kịp thời các khiếu nại, thắc mắc của NTD, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.
Hội đã kịp thời cung cấp thông tin, tài liệu về các hành vi vi phạm đến các cơ quan chức năng để kịp thời phát hiện và xử lý. Hội cũng đã xây dựng 14 kế hoạch phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể. Để có sự phối hợp nhịp nhàng và kịp thời, nhanh chóng giữa các ban, ngành từ tỉnh đến địa phương, hệ thống liên lạc liên ngành giữa Tỉnh hội, Huyện hội và các cơ quan, ngành liên quan như: Quản lý thị trường; Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng; Vệ sinh an toàn thực phẩm; Dược phẩm; Mỹ phẩm; Bảo vệ thực vật; Quản lý chất lượng nông sản, thuỷ sản… công khai số điện thoại để có thể liên hệ mọi lúc, mọi nơi nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi gian lận thương mại và xâm hại quyền lợi của NTD.
Ngày 15-3 hằng năm là Ngày Quyền của NTD Việt Nam. Chủ đề của Bộ Công thương đưa ra năm 2021 là “Kinh doanh trách nhiệm - Tiêu dùng bền vững trong thời kỳ bình thường mới”. Chủ đề này nhằm kêu gọi các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nêu cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức kinh doanh, chung tay cùng toàn xã hội trong công tác bảo vệ quyền lợi NTD. Đồng thời, nhấn mạnh vai trò của NTD trong việc tự bảo vệ chính mình thông qua việc xây dựng thói quen tiêu dùng văn minh, lành mạnh, khuyến khích sử dụng các sản phẩm an toàn cho sức khỏe, thân thiện với môi trường, loại bỏ những sản phẩm hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD. |
LÝ OANH