Thứ Năm, 18/03/2021, 08:21 (GMT+7)
.

Phát triển hệ thống thương mại theo hướng văn minh, hiện đại

Cùng với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, các địa phương trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng tích cực đầu tư, kêu gọi xã hội hóa để phát triển hệ thống thương mại theo hướng văn minh, hiện đại.

Với nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng mới. Song song đó, tỉnh, cấp huyện cũng sử dụng các nguồn kinh phí để sửa chữa, đầu tư mới các chợ.

CHỢ TRUYỀN THỐNG LÊN “ÁO MỚI”

Trên địa bàn TX. Gò Công hiện có 12 chợ (1 chợ hạng 1 và 11 chợ hạng 3). Các chợ được trải đều ở các xã và hoạt động khá nhộn nhịp, số lượng tiểu thương mua bán ngày càng tăng. Bên cạnh đó, thị xã cũng thu hút được hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện ích (2 siêu thị, 3 cửa hàng Bách Hóa Xanh). Chủ tịch UBND TX. Gò Công Giản Bá Huỳnh cho biết: “Hiện nay, các chợ truyền thống trên địa bàn thị xã cơ bản đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân địa phương, nhất là chợ Gò Công đã phát huy vai trò chợ đầu mối vùng phía Đông. Những năm qua, địa phương đã xây dựng, nâng cấp, sửa chữa một số chợ như: Tân Trung, Long Hòa, Long Chánh, Gò Công… tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán của người dân”.

Phát triển hệ thống thương mại theo hướng văn minh, hiện đại đang được tỉnh đẩy mạnh thực hiện.
Phát triển hệ thống thương mại theo hướng văn minh, hiện đại đang được tỉnh đẩy mạnh thực hiện.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Lê Văn Nê, thời gian qua, tỉnh cũng như huyện đã tập trung nhiều nguồn lực để phát triển chợ nông thôn từ việc nâng cấp mở rộng đến xây dựng mới. Trong năm 2021, huyện sẽ xây dựng chợ Thạnh Yên (xã Thạnh Trị), mở rộng chợ Kinh 14 và một số chợ khác; đồng thời, nhân rộng mô hình Chợ an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài đầu tư của tỉnh, Sở Công thương, hằng năm huyện đều ưu tiên bố trí vốn để nâng cấp, sửa chữa các chợ từ kệ buôn bán, hệ thống điện, cống thoát nước đến nhà vệ sinh… đảm bảo tiêu chuẩn.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Lê Thanh Đằng, huyện có 6 xã và có đến 11 chợ; trong đó có 3 chợ đạt chuẩn nông thôn mới, trong 8 chợ còn lại chưa đạt chuẩn có 2 chợ tự phát. 8 chợ không đạt chuẩn này chủ yếu chưa đảm bảo về diện tích. Tuy nhiên, về cơ bản, các chợ đảm bảo phục vụ đủ nhu cầu mua bán của người dân, kể cả an toàn thực phẩm cũng như phòng, chống cháy nổ. Với thế mạnh sản xuất nông nghiệp, các sản phẩm từ cây dừa, sả, mãng cầu Xiêm ở địa phương rất lớn, nhưng huyện chưa có chợ đầu mối tập trung. Do đó, người dân còn phải tự mua bán nên hiệu quả từ ngành hàng nông sản ít nhiều bị ảnh hưởng. Để các chợ truyền thống phục vụ tốt nhu cầu mua bán của nhân dân, trong năm 2021, huyện sẽ đầu tư xây dựng 2 chợ là Tân Phú và Phú Tân.

HIỆN ĐẠI HÓA HỆ THỐNG THƯƠNG MẠI

Với nhu cầu ngày càng cao của xã hội, phát triển hệ thống thương mại theo hướng văn minh, hiện đại đang là định hướng mà tỉnh cũng như các địa phương hướng tới. Nhiều giải pháp, kế hoạch đã được đưa ra để triển khai thực hiện.

Hệ thống thương mại trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển.
Hệ thống thương mại trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển.

Theo đồng chí Lê Thanh Đằng, huyện Tân Phú Đông đã làm việc với các sở, ngành thống nhất kêu gọi xã hội hóa xây dựng chợ Phú Thạnh thành trung tâm thương mại kết hợp nhà phố với diện tích khoảng 1,1 ha. Về lâu dài, huyện hướng tới mỗi xã phải có 1 chợ đạt chuẩn, đảm bảo việc mua bán, an toàn thực phẩm, phòng, chống cháy nổ. Ngoài ra, huyện sẽ xây dựng chợ trung tâm của huyện ở gần khu hành chính. Đây cũng là nơi tập kết các nguồn hàng để người dân các nơi đến giao dịch hàng hóa. Song song đó, huyện cũng sẽ kêu gọi các cửa hàng tiện ích về đầu tư, phấn đấu trên địa bàn mỗi xã phải có được cửa hàng phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người dân.

Còn theo đồng chí Giản Bá Huỳnh, tới đây thị xã sẽ tập trung phát triển hệ thống thương mại trên địa bàn ngày càng văn minh, hiện đại, xứng tầm với vị trí đô thị trung tâm phía Đông của tỉnh. Theo đó, địa phương sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh công tác mời gọi đầu tư phát triển hạ tầng thương mại theo hướng xã hội hóa. Ngoài ra, thị xã sẽ thường xuyên rà soát tình trạng hoạt động của các chợ, dự báo nhu cầu mua sắm của nhân dân và khả năng phục vụ của các chợ để báo cáo, đề xuất điều chỉnh bổ sung vào quy hoạch phát triển thương mại…

Theo Quyền Giám đốc Sở Công thương Đặng Văn Tuấn, trong năm 2021, ngành Công thương sẽ tập trung rà soát hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh; đồng thời, cải tạo hệ thống chợ trên địa bàn theo kế hoạch đầu tư công của tỉnh. Đối với hệ thống chợ, ngoài nguồn ngân sách của tỉnh, các địa phương cần tập trung bố trí vốn cải tạo hệ thống chợ truyền thống để đảm bảo an toàn thực phẩm và hoạt động mua bán của người dân.

Còn theo đánh giá của đồng chí Lê Văn Nê, hệ thống cửa hàng tiện ích đang phát triển mạnh trên địa bàn nên làm giảm sức mua ở các chợ truyền thống. Do đó, các tiểu thương đã bắt đầu thay đổi để thích ứng và cạnh tranh với các cửa hàng tiện ích. Với tinh thần đó, huyện sẽ tạo mọi điều kiện để các tiểu thương phát triển hoạt động buôn bán bằng cách xây dựng các mô hình chợ an toàn thực phẩm. Đồng thời, tổ chức tập huấn để người dân biết các cách ứng xử, giao tiếp mua bán văn minh, hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân.

Đối với TP. Mỹ Tho, theo Phòng Kinh tế TP. Mỹ Tho, thực hiện kế hoạch xúc tiến đầu tư để phát triển thương mại - dịch vụ đến năm 2025 trên địa bàn, thành phố sẽ tập trung thu hút đầu tư, phát triển các trung tâm thương mại vùng, cửa hàng bách hóa lớn, khu thương mại trung tâm... theo Quy hoạch phát triển thương mại và Quy hoạch Mạng lưới bán buôn, bán lẻ của thành phố đã được phê duyệt.

Cụ thể, thành phố sẽ tiến hành rà soát, sắp xếp và tăng cường quản lý hoạt động thương mại - dịch vụ tại các chợ, cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại theo hướng văn minh, hiện đại. Đồng thời, kiên quyết xử lý, giải tỏa các tụ điểm chợ tự phát, bán hàng rong, kinh doanh lấn chiếm lòng đường, vỉa hè ảnh hưởng tới văn minh đô thị.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ tập trung phát triển chuỗi cửa hàng tiện ích và chuỗi cửa hàng giao dịch tự động; hệ thống máy bán hàng tự động, xe bán hàng lưu động tại các địa điểm công cộng theo quy hoạch và định hướng của tỉnh… Giai đoạn 2021 - 2025, TP. Mỹ Tho kêu gọi đầu tư các dự án như: Khu thương mại Tân Mỹ Chánh, Chợ phường 6 - khu phố chợ, Chợ Trung An, Chợ Tân Mỹ Chánh, Chợ Mỹ Phong.

TRỌNG ĐẠT

.
.
Liên kết hữu ích
.