Thứ Năm, 11/03/2021, 09:09 (GMT+7)
.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu.

Vườn quốc gia U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Trung Chánh
Vườn quốc gia U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Trung Chánh

Thông tin từ Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết, hội nghị được tổ chức vào ngày 13-3 tới tại TP Cần Thơ nhằm đánh giá những việc đã làm được, những kết quả nổi bật cũng như những hạn chế, khó khăn, bài học kinh nghiệm để đề xuất các giải pháp thúc đẩy triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ (Nghị quyết 120).

Về kế hoạch thông tin, tuyên truyền hội nghị nêu trên của Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ cho thấy, hội nghị sẽ tập trung vào báo cáo đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết 120 và để xuất giải pháp thúc đẩy thực hiện nghị quyết thời gian tới.

Ngoài ra, hội nghị sẽ báo cáo về kết quả quy hoạch vùng, hoạt động của Hội đồng điều phối vùng và huy độn nguồn lực đầu tư cho phát triển bền vững ĐBSCL.

Song song đó, hội nghị cũng báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết 120 trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Đồng thời, sẽ báo cáo về phát triển hạ tầng giao thông, tình hình thực hiện quy hoạch mạng lưới giao thông đồng bộ, kết nối ĐBSCL với các trung tâm phát triển kinh tế…

Trước đó, vào ngày 17-11-2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 120. Nghị quyết còn được gọi là nghị quyết "thuận thiên" này đưa ra tầm nhìn đến năm 2100, ĐBSCL phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng trên cơ sở phát triển phù hợp nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp mà trọng tâm là công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Theo Nghị quyết 120, hệ thống cơ sở hạ tầng phải được quy hoạch, phát triển đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn trước thiên tai; tài nguyên thiên nhiên được sử dụng hợp lý; đa dạng sinh học và truyền thống văn hóa lịch sử được duy trì và tôn tạo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.

Từ tầm nhìn đó, nghị quyết đề ra mục tiêu đến năm 2050, ĐBSCL trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, có trình độ tổ chức xã hội tiên tiến; thu nhập bình quân đầu người đạt cao hơn trung bình cả nước, sinh kế của người dân được bảo đảm; tỷ trọng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 80%, độ che phủ rừng đạt trên 9% (so với 4,3% hiện nay, tức khi ban hành nghị quyết là năm 2017), các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng được bảo tồn và phát triển.

Mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được xây dựng đồng bộ, hiện đại; hệ thống đô thị hiện đại được xây dựng và phân bố hợp lý tại các tiểu vùng; hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy được phát triển đồng bộ, kết nối trong vùng, liên vùng và phải bảo đảm kết hợp hài hòa, thống nhất, bổ trợ và không xung đột với hệ thống thủy lợi, đê điều.

Nghị quyết 120 cũng đề ra mục tiêu hạ tầng thủy lợi được xây dựng đồng bộ phù hợp với mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tại các tiểu vùng sinh thái, đồng thời phải có biện pháp hiệu quả phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho dân sinh và nền kinh tế khi có thiên tai xảy ra.

Cũng theo nghị quyết này, hạ tầng thông tin và truyền thông, mạng lưới cấp điện, cấp nước, thoát nước được xây dựng đồng bộ; hệ thống các cơ sở văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, thể dục, thể thao ở mức cao so với cả nước; kinh tế phát triển năng động và hiệu quả với cơ cấu kinh tế phù hợp.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.