Chủ Nhật, 11/04/2021, 10:10 (GMT+7)
.

Chuyện về nông dân vượt khó làm giàu

Từ phong trào thi đua Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, vượt khó, vươn lên làm giàu. Anh Nguyễn Văn Phước (xã Mỹ Long, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) là một trong những nông dân như thế.

VƯƠN LÊN TỪ CÂY SẦU RIÊNG

Sinh ra và lớn lên trên vùng chuyên canh cây sầu riêng (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy), nhưng đến năm 2001, anh Nguyễn Văn Phước cùng vợ chuyển về xã Mỹ Long sinh sống. Tại đây, anh Phước canh tác 3.500 m2 nhãn tiêu da bò, nhưng cho thu nhập thấp, không đủ trang trải cuộc sống gia đình. Sau đó, anh vay ngân hàng 50 triệu đồng cải tạo lại đất vườn và mở rộng diện tích mương để trữ nước ngọt canh tác theo mô hình VAC (vườn - ao - chuồng).

Anh Nguyễn Văn Phước đến vườn hướng dẫn người dân chăm sóc cây sầu riêng.
Anh Nguyễn Văn Phước đến vườn hướng dẫn người dân chăm sóc cây sầu riêng.

Với 3.500 m2 đất canh tác, anh trồng 84 cây sầu riêng xen canh cây ớt hiểm trắng, còn dưới mương nuôi cá trê giống. Tuy nhiên, do không có kinh nghiệm lẫn kỹ thuật nuôi nên cá trê giống bị chết. Không nản chí, anh chuyển sang nuôi ếch nhằm khép kín mô hình VAC và tạo nguồn thu nhập lấy ngắn nuôi dài cho vườn sầu riêng. Thế nhưng, số phận vẫn chưa mỉm cười với anh, khi tiếp tục bị thất thu từ nuôi ếch.

Sau nhiều lần thất bại với mô hình VAC, anh Phước quyết định chỉ tập trung đầu tư vào cây sầu riêng. Từ đó, anh Phước chủ động tham gia các buổi trao đổi kinh nghiệm trồng, hướng dẫn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng sầu riêng do các cấp tổ chức, cùng với những kiến thức mà anh đúc kết được về áp dụng vào vườn nhà. Kết quả, vườn sầu riêng của anh Phước cho năng suất khá cao.

Theo đó, mỗi năm vườn sầu riêng của anh Phước cho thu hoạch khoảng 7 tấn trái, bán giá bình quân 60.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 350 triệu đồng. Không những vậy, năm 2011, anh Phước còn mở đại lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ tận tình hướng dẫn nông dân về cách chăm sóc cây ăn trái, cách sử dụng nông dược cho cây trồng hiệu quả nên người dân tin dùng thuốc bảo vệ thực vật của anh. Nhờ vậy mỗi năm, gia đình anh có thêm thu nhập khoảng 600 triệu đồng.

Tuy nhiên, đến năm 2020 do ảnh hưởng hạn, mặn, sầu riêng thiệt hại nặng nề, cộng với vườn sầu riêng canh tác lâu năm dẫn đến năng suất thấp, nên đầu năm 2021, anh Phước quyết định chuyển sang trồng gấc, hiện vườn gấc đang phát triển tốt.

HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Bên cạnh phát triển kinh tế gia đình, anh Phước còn là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Mỹ Hưng (xã Mỹ Long). Phát huy vai trò chi hội trưởng, anh Phước luôn tích cực tham gia các phong trào, tuyên truyền các hoạt động do chính quyền địa phương phát động. Riêng năm 2020, anh Phước đã đóng góp 4 triệu đồng để xây dựng trụ sở ấp, dặm vá các tuyến đường xuống cấp, hư hỏng; giúp các gia đình hộ nghèo trong ấp có điều kiện xây nhà mới khang trang với kinh phí 13 triệu đồng; tổ chức phát quà trung thu cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn và giúp cho 25 hộ nghèo, khó khăn với mỗi phần quà trị giá 300 ngàn đồng…

Cùng với đó, anh thường xuyên hướng dẫn, giúp đỡ nông dân tham gia các chương trình sản xuất giảm chi phí, tăng thu nhập. Đồng thời, anh tích cực chủ động đề xuất với Hội Nông dân xã hỗ trợ nông dân nghèo vay vốn tín chấp để sản xuất, buôn bán nhỏ, ổn định cuộc sống gia đình. Anh Phước cho biết, trong thời gian tới anh sẽ nghiên cứu liên kết các nhà tiêu thụ trái gấc và tiến hành thu mua trái gấc của nông dân nhằm giúp cho nông dân có đầu ra nông sản ổn định.

Qua những kết quả đạt được, những năm qua, anh Nguyễn Văn Phước đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

 LÊ MINH

.
.
.