.

Đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu nông sản

Cập nhật: 08:06, 19/04/2021 (GMT+7)
Chế biến dừa xuất khẩu tại nhà máy đóng gói Công ty Vina T&T Group, huyện Châu Thành (Bến Tre). Ảnh: PHÚC HẬU
Chế biến dừa xuất khẩu tại nhà máy đóng gói Công ty Vina T&T Group, huyện Châu Thành (Bến Tre). Ảnh: PHÚC HẬU

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản quý I-2021 đạt 10,61 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong bối cảnh xuất khẩu nông sản vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì đây là những kết quả đáng ghi nhận, tạo tiền đề cho bứt phá trong thời gian tới.

Tính riêng tháng 3, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 4,12 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020, tăng đến 57,4% so với tháng 2. Trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt 1,75 tỷ USD, lâm sản chính ước đạt 1,52 tỷ USD, thủy sản đạt 685 triệu USD và chăn nuôi đạt 37 triệu USD. Tính chung quý I, nhóm nông sản chính xuất khẩu đạt 4,59 tỷ USD, tăng 10,2%; lâm sản chính đạt 3,94 tỷ USD, tăng 41,6%; chăn nuôi 89 triệu USD, tăng 34,7%. Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 như: cao-su, chè, rau quả, sắn, tôm, các sản phẩm lâm sản.

Cụ thể, giá trị xuất khẩu cao-su đạt khoảng 721 triệu USD, tăng 116%; chè đạt 41 triệu USD, tăng 6,2%; rau quả khoảng 944 triệu USD, tăng 6,1%; sắn đạt 116 triệu USD, tăng 23,3%; tôm đạt 773 triệu USD, tăng 8,3%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 3,7 tỷ USD, tăng 41,5%; mây, tre, cói thảm đạt 199 triệu USD, tăng 49,2%. Sự tăng trưởng này có được là nhờ vào sự nỗ lực của các doanh nghiệp xuất khẩu trong việc ứng phó linh hoạt với các diễn biến phức tạp về dịch Covid-19 trên toàn cầu cũng như nỗ lực mở rộng thị trường, tránh được tình trạng tập trung vào số ít thị trường truyền thống.

Ngoài ra, để thúc đẩy xuất khẩu, ngay từ những tháng đầu năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế. Đồng thời phổ biến, hướng dẫn các quy định, rào cản kỹ thuật trong thương mại nông sản, định hướng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tại các thị trường trọng điểm. Từ đó giúp doanh nghiệp và người sản xuất định hình được thị hiếu cũng như nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng để tạo ra những sản phẩm phù hợp.
 
Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho biết: Xuất khẩu thủy sản tháng 3 tiếp tục tăng mạnh, đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản ba tháng đầu năm đạt 1,69 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2020. Có thể nói đây là kết quả đáng mừng của toàn ngành, vì những tháng đầu năm 2021, hoạt động xuất khẩu của toàn bộ các ngành hàng nông, lâm, thủy sản đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng thiếu tàu, thiếu công-ten-nơ và cước phí vận tải tăng vọt, nhất là cước tàu đi Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU).

Trong khi đó, đây là hai thị trường trọng điểm của thủy sản xuất khẩu Việt Nam. Bên cạnh đó, thị trường truyền thống, luôn tiêu thụ một lượng hàng lớn là Trung Quốc thì vẫn tiếp tục kiểm soát chặt chẽ cả về chất lượng cũng như phương thức vận chuyển, đóng gói do những lo ngại về dịch Covid-19. Tuy nhiên, những tháng tiếp theo, để giữ và vượt được đà tăng trưởng của quý I thì còn rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Một trong những thách thức đó vẫn tiếp tục đến từ việc dịch Covid-19 chưa được kiểm soát ở nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, khiến nhu cầu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực bị giảm sút. Trong khi đó, một số doanh nghiệp xuất khẩu chưa kịp đổi mới, bổ sung các sản phẩm chế biến sâu, có thời gian bảo quản lâu, giá cả phải chăng, phù hợp xu hướng tiêu dùng mới ở các quốc gia có dịch.

Bên cạnh đó, việc Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác quốc tế như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA), đang tạo ra nhiều lợi thế về thuế quan trong xuất khẩu hàng nông sản nhưng đồng thời cũng khiến các doanh nghiệp gặp khó khi phải đối mặt với các hàng rào kỹ thuật như yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, hàm lượng dinh dưỡng… trong sản phẩm một cách chi tiết, cụ thể và nghiêm ngặt hơn.

Chính vì vậy, các ngành chức năng, doanh nghiệp xuất khẩu cần tiếp tục theo dõi sát các diễn biến thị trường cũng như cảnh báo từ các đối tác thương mại để điều chỉnh hoạt động sản xuất, xuất khẩu phù hợp và hiệu quả.

(Theo nhandan.com.vn)

.
.
.