Thứ Sáu, 23/04/2021, 14:08 (GMT+7)
.

Để sản phẩm đặc trưng đến với người tiêu dùng

Đề án “Giới thiệu, trưng bày, mua bán sản phẩm, hàng tiểu thủ công nghiệp địa phương phục vụ du lịch” vừa được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt. Đây được xem là kênh quan trọng góp phần quảng bá hình ảnh, con người và sản phẩm đặc trưng của tỉnh.

ĐÁP ỨNG NHU CẦU

Quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nhất là đối với các sản phẩm đặc trưng của Tiền Giang đã và đang được xem là một trong những khâu còn nhiều hạn chế trong chuỗi sản xuất hiện nay. Đây có lẽ cũng là những điểm chung của hầu hết sản phẩm, nhất là đối với các sản phẩm mang tính đặc trưng của mỗi địa phương, chẳng hạn như sản phẩm OCOP.

Chính vì thế, việc khai thông “điểm nghẽn” này là một trong những việc làm cấp thiết không chỉ đối với các cơ quan quản lý nhà nước, mà còn đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Việc ra đời hoạt động của các gian hàng, điểm bán hàng để giới thiệu, trưng bày, mua bán sản phẩm sẽ đáp ứng được nhu cầu cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh hiện nay.

Việc mở ra nhiều điểm trưng bày, giới thiệu, bán hàng  sẽ góp phần mở ra hướng đi mới cho sản phẩm của tỉnh.
Việc mở ra nhiều điểm trưng bày, giới thiệu, bán hàng sẽ góp phần mở ra hướng đi mới cho sản phẩm của tỉnh Tiền Giang.

Có thể minh chứng rằng, hàng nông sản và thủy sản chế biến là một trong những lợi thế của Tiền Giang và đang được các doanh nghiệp, hợp tác xã hướng đến. Bà Nguyễn Thị Minh Thy, đại diện Công ty TNHH Sản xuất TMDV Bắc Mỹ Thuận (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) chuyên chế biến các sản phẩm từ trái cây, cho biết công ty đang tập trung nâng cao chất lượng một cách tốt nhất có thể, đồng thời với quá trình cải tiến mẫu mã, bao bì theo hướng thân thiện với môi trường.

Hiện nay, sản phẩm của công ty còn tương đối mới mẻ với người tiêu dùng nên chủ yếu tập trung khai thác thị trường trong nước và tiếp cận dần với thị trường xuất khẩu thông qua hình thức gia công sản phẩm cho một số đơn vị nhưng số lượng vẫn còn khiêm tốn.

“Chúng tôi đang tập trung đầu tư xây dựng nhà xưởng, nâng cao chất lượng sản phẩm đúng chuẩn OCOP để phục vụ tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng. Tất nhiên, khi tỉnh có nhiều điểm trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm sẽ là kênh quan trọng giúp công ty đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng”- bà Nguyễn Thị Minh Thy cho biết.

Đối với những sản phẩm đặc trưng ở các làng nghề truyền thống, việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm còn mang lại nhiều ý nghĩa hơn. Bà Huỳnh Thị Thanh Vân, chủ cơ sở Chế biến củ cải Thanh Vân cho rằng, đây là sản phẩm truyền thống, quy trình sản xuất được cải tiến dần, hướng đến hoàn thiện tốt nhất quy trình sản xuất từ khâu đầu vào đến đầu ra để tiếp cận ngày càng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng không chỉ nội địa, mà còn theo hướng xuất khẩu. Và tất nhiên, một trong những cái khó của cơ sở là việc kết nối để tiêu thụ sản phẩm, bởi năng lực quảng bá của cơ sở cũng có giới hạn.

CÒN ĐÓ NHỮNG TIỀM NĂNG

Theo đánh giá của Sở Công thương, tiềm năng phát triển các hoạt động giới thiệu, trưng bày, mua bán sản phẩm phục vụ du lịch được xác định dựa trên các yếu tố có nhiều lợi thế. Điểm khác biệt đầu tiên là tiềm năng phát triển du lịch. Bởi Tiền Giang hiện có rất nhiều sản phẩm du lịch như: Du lịch sinh thái tham quan sông nước, miệt vườn; du lịch tìm hiểu văn hóa bản địa, du lịch cộng đồng; du lịch tham quan di tích lịch sử - văn hóa tâm linh; du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe; du lịch thương mại, công vụ (MICE); tham quan các cơ sở làm bánh tráng, bánh phồng, cốm, làm kẹo, các làng nghề khác.

Du lịch sẽ giúp các sản phẩm đặc trưng của Tiền Giang tiếp cận người tiêu dùng.
Du lịch sẽ giúp các sản phẩm đặc trưng của Tiền Giang tiếp cận người tiêu dùng.

Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang còn có Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, Khu di tích lịch sử chiến thắng Ấp Bắc, Làng cổ Đông Hòa Hiệp… Chưa kể, hoạt động liên kết các tuyến du lịch trong tỉnh với các tuyến ngoài tỉnh đang được phát triển nhanh; các điểm du lịch ngày càng được đầu tư phát triển hạ tầng sẽ thu hút ngày càng nhiều khách du lịch. Số liệu thống kê cho thấy, bình quân trong giai đoạn 2016 - 2019, số lượt du khách tăng khoảng 9%/năm, với trên 2 triệu lượt khách tham quan vào năm 2019, cho thấy ngành du lịch của tỉnh ngày càng phát triển.

Chưa kể, Tiền Giang là tỉnh có diện tích cây ăn trái lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với hơn 80 ngàn ha, đa dạng các loại trái cây như: Xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Vĩnh Kim, sâu riêng, khóm Tân Phước, sa pô, mãng cầu Xiêm…

Trong thời gian qua, ngành Nông nghiệp thực hiện nhiều đề án phát triển nông nghiệp như “Xây dựng và nhân rộng vùng sản xuất rau đạt chứng nhận VietGAP trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”; giải pháp khôi phục và phát triển cây vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim; xây dựng 4 chuỗi giá trị liên kết sản xuất và tiêu thụ thanh long, sầu riêng, trứng gà ác, chim cút; phát triển chuỗi giá trị Ngao - Tre toàn diện, bền vững tại Việt Nam” do Liên minh châu Âu tài trợ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang... sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành các sản phẩm đặc trưng của tỉnh với quy mô và chất lượng gia tăng, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường và gắn kết với phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao sức cạnh trạnh nông sản của tỉnh, chính quyền địa phương đã hỗ trợ các chủ thể phát triển sản xuất, kinh doanh chuẩn hóa các sản phẩm có đăng ký phát triển thành sản phẩm OCOP; trong đó, có các đặc sản như xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh Mỹ Tho, thanh long Chợ Gạo, mắm tôm chà Gò Công, gà ta Gò Công, trà mãng cầu Xiêm Travipha, rượu sơ ri Gò Công...

Tất nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra, còn nhiều việc phải làm như quy hoạch, xây dựng trung tâm trưng bày của tỉnh Tiền Giang nhằm hình thành trung tâm trưng bày, giới thiệu, mua bán các sản phẩm tiêu biểu mang đậm tiềm năng lợi thế của tỉnh, qua đó giới thiệu các mặt hàng đến người dân và đặc biệt là du khách khi đến với Tiền Giang.

Đồng thời, tạo điểm nhấn trong việc quảng bá hình ảnh, sản phẩm và con người địa phương; hỗ trợ và tạo cơ chế khuyến khích cho đơn vị trưng bày bố trí không gian trưng bày sản phẩm; kết nối các doanh nghiệp lữ hành với các cơ sở bán hàng, cơ sở sản xuất sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp để cung ứng sản phẩm cho du khách; liên kết tour, liên kết với các công ty du lịch, phối hợp dành thời gian hợp lý cho điểm đến các gian hàng trưng bày trong chương trình tour…

T.T

 

.
.
Liên kết hữu ích
.